BienDong.Net: Trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của các chiến sỹ Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1988 là một sự kiện quan trọng trong chuỗi mắt xích các sự kiện liên tục khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc dù hiện tại, quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, song các cuộc chiến đấu anh dũng của người Việt Nam bảo vệ các đảo và các quần đảo này trước sự tấn công xâm chiếm của quân đội nước ngoài đã khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo đó là một sự thật hiển nhiên trong lịch sử và luật pháp quốc tế.
Cờ Việt Nam tung bay bên mái chùa đảo Song Tử Tây thuộc Trường Sa (ảnh BienDong.Net)
Từ cuối năm 1986, một số tàu dưới dạng đánh cá, không số của nước ngoài đã gia tăng hoạt động ở phía nam Biển Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12 – 1986, nhiều máy bay và tàu chiến của nước ngoài đã thực hiện các hoạt động trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trong năm 1987, các hoạt động trinh sát, xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên của nước ngoài càng gia tăng và càng vào sâu hơn trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến cho tình hình trong khu vực hết sức căng thẳng. Tình hình này không nằm ngoài dự đoán của các nhà lãnh đạo đất nước cũng như của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Từ lâu Việt Nam đã có chủ trương tổ chức, triển khai lực lượng, nhanh chóng đóng giữ các đảo, các bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Đề phòng khả năng từ những xung đột quân sự nhỏ có thể bùng nổ thành những cuộc xung đột lớn trên biển, Tư lệnh Hải Quân, Đô đốc Giáp Văn Cương đã ra lệnh: “Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo, với phương châm ‘có người, có đảo, còn người, còn đảo’”. Chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của vị Tư lệnh, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã không sợ hy sinh, quyết chiến đẩy lùi các hành động xâm chiếm của quân đội nước ngoài.
Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam như Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ và Xu Bi. Hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan và Núi Le bước đầu ngăn chặn hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng trái phép của binh lính Trung Quốc ra các đảo lân cận. Căn cứ tình hình thực tế trên khu vực quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam xác định các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao giữ vị trí rất quan trọng, nếu để nước ngoài chiếm đóng sẽ gây khó khăn cho việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của ta. Do vậy, Việt Nam cần phải quyết tâm bám trụ, bảo vệ các đảo này. Đây là một nhiệm vụ nặng nề bởi Hải quân Việt Nam trong tình thế cùng một lúc phải triển khai bảo vệ nhiều đảo trong khi phương tiện, trang bị, lực lượng hạn chế.
Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc đưa hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 tàu đến 12 tàu gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và một số tàu hỗ trợ khác như 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông-tông lớn. Tình hình trong khu vực trở nên hết sức căng thẳng với sự có mặt của các hạm đội tàu chiến trang bị pháo lớn và tên lửa của Trung Quốc.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, ngày 12-3-1988 tàu vận tải HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam từ đảo Đá Đông được lệnh đến giữ đảo Len Đao. Lúc 5 giờ sáng ngày 14-3-1988, tàu HQ-605 đổ bộ lên đảo cắm cờ Tổ quốc. Ngày 13-3-1988, các tàu vận tải HQ-604 và HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma, Cô Lin để bảo vệ hai đảo này. Phối hợp với các tàu HQ-604 và HQ-505 có 2 phân đội công binh (70 người) và 4 tổ chiến đấu (22 người) cùng một số chiến sỹ đo đạc vẽ bản đồ. Khoảng 17 giờ cùng ngày, sau khi 2 tàu của Việt Nam đến đảo Gạc Ma và Cô Lin, các tàu chiến của Trung Quốc xâm nhập trái phép đã áp sát và bao vây tàu HQ-604 của Việt Nam tại đảo Gạc Ma và dùng loa khiêu khích. Tình hình hết sức căng thẳng, song các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì neo giữ đảo và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã nhanh chóng triển khai lực lượng đổ bộ lên đảo, cắm cờ Tổ quốc và bố trí đội hình bảo vệ đảo. Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến đảo Gạc Ma và tiếp tục khiêu khích, đe dọa buộc các tàu của Việt Nam phải rời khỏi đảo.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma và tiến về phía có là cờ Việt Nam đang tung bay. Dựa vào thế đông quân áp đảo, lính Trung Quốc xông vào định giật cờ của ta, lập tức thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng kháng cự, lập thành đội hình “vòng tròn bất tử” quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo.
Quân Trung Quốc đã dùng lê đâm và bắn hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng, thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội đã bị đối phương bắn và anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương đã hô to: “Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc”. Không buộc được bộ đội ta rút khỏi đảo, lúc 7 giờ 30 phút cùng ngày, hai tàu Trung Quốc đã nã pháo 100 ly vào tàu HQ-604 của Việt Nam, làm tàu này hư hỏng nặng, các chiến sỹ trên tàu HQ-604 đã kháng cự quyết liệt buộc binh lính Trung Quốc tràn sang chiếm tàu phải tháo lui, nhảy xuống biển trở về tàu của họ.
Tại đảo Cô Lin, lúc 6 giờ sáng ngày 14-3-1988, tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm 2 lá cờ Tổ quốc trên đảo. Khi HQ-604 bị trúng đạn và đang chìm dần xuống biển, thuyền trưởng HQ-505 cho tàu nhổ neo, phóng hết tốc độ ủi lên bãi. Phát hiện tàu ta đang chuẩn bị ủi bãi, hai tàu Trung Quốc quay sang tấn công, ngăn cản. Bất chấp hiểm nguy, HQ-505 lao hết tốc độ ủi được hai phần ba thân tàu lên bãi đảo Cô Lin thì bị trúng đạn bốc cháy. Lúc 8 giờ 15 phút, các chiến sỹ tàu HQ – 505 vừa triển khai lực lượng cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng tới cứu cán bộ, chiến sỹ tàu HQ-604 đang bị chìm. Tại đảo Len Đao, lúc 8 giờ 20 phút sáng ngày 14-3-1988, tàu Trung Quốc đã nã pháo dữ đội vào HQ-605 của Việt Nam, làm tàu này bốc cháy và bị chìm lúc 6 giờ ngày 15-3-1988. Cán bộ, chiến sỹ của tàu dìu nhau bơi về hướng đảo Sinh Tồn.
Di ảnh chiến sĩ Trần Văn Phương, người đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma
Mặc dù lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh, tuân thủ phương châm hết sức kiềm chế, chiến đấu tự vệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Cô Lin, Len Đao và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực trong trận chiến không cân sức này. Trong trận chiến ngày 14-3-1988 bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu vận tải, 3 chiến sỹ hy sinh, 70 chiến sỹ mất tích. Sau này, Trung Quốc trao trả cho ta 9 chiến sỹ bị bắt làm tù binh, còn lại 61 người mất tích cho đến nay. Như vậy, có tất cả 64 người con của đất Việt đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển của Tổ quốc sau trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại đây trong ngày 14-3-1988.
Cuộc tấn công bằng tàu chiến của Trung Quốc ngày 14-3-1988 trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam. Bởi vì, từ lâu người Việt Nam đã xác lập và khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như sự thật hiển nhiên của lịch sử.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh ở Trường Sa tổ chức trên tàu HQ 571 (Ảnh BienDong.Net)
Ngày 7-5-1988, tại Lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Binh chủng Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ra thăm cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa và biểu dương Hải quân Việt Nam đã tích cực, kiên trì thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong một hoàn cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp. Đại tướng nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
BDN (Nguồn: báo quốc nội ĐĐK)