Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổ quốc ghi công những người con đã anh dũng hi sinh...

Tổ quốc ghi công những người con đã anh dũng hi sinh vì Gạc Ma

BienDong.net: Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế tấn công các chiến sĩ và tàu vận tải Việt Nam tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Trận hải chiến lịch sử nổ ra, các chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu quả cảm, quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và chặn đứng âm mưu bành trướng của quân thù.

Trước năm 1988, Trung Quốc chưa chiếm đảo nào trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu năm 1988, Trung Quốc bất ngờ đổ bộ chiếm đóng trái phép 5 đảo đá: Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Huy Gơ và Ga Ven thuộc chủ quyền Việt Nam.


Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Gạc Ma – Trường Sa

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục âm mưu chiếm các đảo đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, cụm đảo giữ vị trí “mắt thần” của Trường Sa, bao quát hầu hết các tuyến tiếp tế bảo vệ chủ quyền Trường Sa của Việt Nam.

 

Hình minh họa trận hải chiến đảo Gạc Ma

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc sử dụng một liên đội tàu chiến từ 9 đến 12 chiếc gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu hộ vệ pháo, tàu đổ bộ… tấn công các tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và HQ 505 của Việt Nam ở khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin. Cho quân đổ bộ lên Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, điên cuồng xả súng vào các chiến sĩ Việt Nam không được trang bị chiến đấu đang làm nhiệm vụ xây dựng đảo.

Thương binh Phan Văn Đức, nhân chứng trong trận Gạc Ma kể lại, khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, khi anh em chúng tôi chuyển vật liệu xây dựng từ tàu HQ 604 lên đảo thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ập đến. Chúng rất đông, trang bị súng ống các loại, tràn lên cướp cờ Tổ quốc đã được chúng tôi cắm trên đảo. Xung đột xảy ra, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào đồng đội tôi. Hơn 60 người ngã xuống. Còn tôi, sau khi thoát khỏi lưới đạn kẻ thù trở về, gia đình đã lập sẵn bàn thờ vì nghĩ tôi không còn…

 

Cựu binh Lê Hữu Thảo và mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương

Trung sĩ Lê Hữu Thảo, một trong 4 Tiểu đội trưởng nhận lệnh ra xây dựng đảo Gạc Ma cũng rưng rưng nhớ lại: “Tôi đếm có 49 lính Trung Quốc mang AK và một tên chỉ huy dáng người cao to mang súng ngắn. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc”. Sau một hồi uy hiếp không thành, tên chỉ huy chĩa thẳng súng vào trung úy Phương bóp cò. Anh ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay đồng đội cũng bị một tên lính đâm lưỡi lê vào người…

Không chỉ tấn công các chiến sĩ trên đảo, tàu chiến Trung Quốc còn điên cuồng nã pháo vào các tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và HQ 505 của Viêt Nam. Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ chua sót chia sẻ: “Ba tàu của ta lúc đó tạo thành hình tam giác trên biển”. Khi thấy HQ 604 và HQ 605 trúng đạn chìm xuống, tôi lao thẳng con tàu bị bắn cháy phần đuôi lên bãi cạn Cô Lin, cắm cờ chủ quyền, ra lệnh một nhóm ở lại giữ đảo, một nhóm dùng xuồng tìm cứu đồng đội ở Gạc Ma. Sau khi chuyển các thương binh, liệt sĩ lên đảo Sinh Tồn, tôi cùng đồng đội ở lại Cô Lin ra quyết tâm phải giữ bằng được tàu, bằng được cờ và chủ quyền Tổ quốc, nếu cần phải hi sinh vì Tổ quốc sẽ sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng”.

Trong cuộc xung đột ngày 14/3/1988, 64 chiến sỹ cùng 3 tàu vận tải của ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng của biển cả. Sự hy sinh đó đã góp phần đẩy lùi quân bành trướng ra khỏi các đảo Cô Lin, Len Đao và phần lớn quần đảo Trường Sa. Đây cũng là bằng chứng thuyết phục chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, lúc đó Việt Nam đã cố gắng kiềm chế, bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tuy nhiên Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam.

 

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người mang quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ – 505 anh hùng

Vinh danh các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma – Trường Sa, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ, Lữ đoàn 125 Hải quân; trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh Nguyễn Văn Lanh, Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân; liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân; liệt sĩ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân và liệt sĩ Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải quân.

Ngoài ra, tàu HQ 505, với nhiệm vụ vận chuyển vật liệu cho bộ đội xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa, mặc dù bị địch tấn công làm hư hỏng nặng nhưng vẫn chạy hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Khi thấy tàu HQ 604 ở Gạc Ma bị kẻ thù bắn cháy và chìm, cán bộ chiến sĩ tàu HQ 505 đã dùng xuồng cao su cơ động dưới làn hoả lực của địch đến cứu được 44 thương binh đưa về nơi an toàn. Tàu HQ 505 cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

20 năm sau ngày hải chiến, vào một ngày đẹp trời tháng 8/2008, đội tìm kiếm đã tìm thấy vị trí tàu HQ 604 bị đắm, hài cốt các chiến sĩ trên tàu đã được đưa về đất mẹ an táng. Hàng năm, cứ đến ngày 14/3, những người lính đảo lại thắp hương tưởng nhớ về những đồng đội đã ngã xuống vì Gạc Ma – Trường Sa. Gương chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của các anh sẽ mãi là bản hùng ca bi tráng sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

BDN (Tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới