Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines kiên trì chống lại “đường lưỡi bò”

Philippines kiên trì chống lại “đường lưỡi bò”

BienDong.Net: Tờ Rappler ngày 26.2 đưa tin, trong nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn vụ kiện gây phiền toái cho họ, Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng “nhượng bộ” Philippines như rút tàu khỏi bãi ngầm Scarborough để đổi lấy việc Manila rút đơn kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Không chấp nhận củ cà rốt

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã từ chối cung cấp thông tin hay bình luận về việc này. Tuy nhiên cựu cố vấn an ninh quốc gia Rolo Golez cho biết Bắc Kinh vẫn lo lắng về vụ kiện.

 

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Rolo Golez

“Trong thực tế Trung Quốc thậm chí đã chìa ra một củ cà rốt để Philippines không nộp bản thuyết trình cho Tòa án đúng thời hạn (vào 30.3 tới)”, Rolo Golez cho biết. Củ cà rốt mà ông đề cập là việc Bắc Kinh sẵn sàng rút tàu tuần tra khỏi bãi ngầm Scarborough.

Golez tiết lộ ông nhận được thông tin này từ một trong những nguồn phụ trách xử lý tranh chấp hàng hải với Trung Quốc, nhưng từ chối cung cấp thông tin cụ thể. Hai nguồn tin khác từ chính phủ Philippines cũng xác nhận với Rappler về điều này.

Thông qua trung gian là một nghị sĩ và là một nhà thương thuyết, Trung Quốc tỏ ý muốn tăng cường đầu tư vào Philippines, rút tàu khỏi Scarbrough, đổi lại Manila cần rút đơn kiện họ.

Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Philippines cho hay, nội các của ông Aquino không hài lòng với đề nghị rút đơn kiện Trung Quốc vì cho rằng những điều kiện Bắc Kinh đưa ra là “không đủ”.

Trong cuộc họp báo hôm 25.2, Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Philippines đang chuẩn bị bản thuyết trình để trình lên tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trước ngày 30.3.2014.

Paul Reichler, luật sư được Philippines thuê cho vụ kiện Trung Quốc nói với Rappler rằng ông không thấy có lý do nào để vụ kiện không xảy ra. Toàn bộ đội ngũ chuyên gia pháp lý của Philippines tham gia vụ kiện đều tin rằng Manila đang có thế mạnh rất lớn.

Ông Golez nhận xét rằng đề nghị của Trung Quốc là dấu hiệu của một sự lo lắng, yếu đuối. Ông cũng cho rằng chẳng có lý do gì để Manila phải thưởng cho Bắc Kinh vì họ rút khỏi lãnh thổ Philippines. Mặt khác, nếu Philippines trì hoãn nộp bản thuyết trình, dư luận sẽ hiểu là Manila thiếu tài liệu chứng cứ, và như vậy sẽ làm suy yếu chính lập luận của mình trước tòa.

“Trung Quốc có thể rút tàu ngày hôm nay, nhưng họ có thể lập tức trở lại Scarborough vào ngày mai, ở đây không có sự trao đổi ngang giá”, ông Golez nói.

Tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cá Philippines tại Scarbourough

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, hôm 25.02.2014, Philippines đã triệu đại biện sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối về vụ tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu đánh cá Philippines ngày 27 tháng Giêng vừa qua tại khu vực bãi ngầm Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez, hôm xẩy ra sự cố, có 14 chiếc tàu đánh cá Philippines hoạt động trong khu vực. Một trong ba chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc có mặt tại chỗ đã dùng vòi rồng tấn công hai chiếc tàu Philippines ở cách bãi Scarborough khoảng 30, 40 mét. Bị tàu tuần duyên Trung Quốc xua đuổi, đoàn tàu cá Philippines đã phải rời khỏi khu vực và trở về bến.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “cực lực phản đối các hành động của Trung Quốc nhằm ngăn cản ngư dân Philippines hành nghề tại vùng biển Bajo de Masinloc của Philippines”. Bajo de Masinloc là tên Philippines đặt cho bãi Scarborough, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Bộ Ngoại giao Philippines đã khẳng định bãi Scarborough là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippines”.

Như thông lệ, phía Trung Quốc đã bác bỏ lời phản đối của Philippines, cho rằng khu vực bãi Scarborough thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trong một bản thông cáo, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tuyên bố bác bỏ lời phản đối từ phía Philippines, và yêu cầu Manila làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán song phương.

alt 

Người Philippines cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc: Hôm nay là Scarborough, ngày mai là thế giới

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã bênh vực cho hành động của tàu tuần duyên Trung Quốc, cho rằng những chiếc tàu này chỉ thực thi luật pháp trên một khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh đã tố cáo ngược lại là chính các tàu đánh cá Philippines là thành phần gây rối.

Bãi Scarborough nằm ở phía bắc Biển Đông, chỉ cách đảo Luzon của Philippines 220 km (tức 135 hải lý, nghĩa là nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines), trong khi lại cách vùng đất liền gần nhất của Trung Quốc là đảo Hải Nam đến 650 km.

Cho dù vậy, chính quyền Bắc Kinh đã tự nhận chủ quyền trên khu vực bãi Scarborough, và kể từ tháng Tư năm 2012, họ đã cho tàu tuần tra đến xua đuổi tàu Philippines ra khỏi khu vực này, mặc nhiên chiếm cứ bãi đá đó cho đến nay.

 

Tàu chiến Mỹ xuất phát từ vịnh Subic của Philippines hồi năm 2012 sau một chuyến thăm – Ảnh: Reuters

Ngoài việc nêu bật sự cố ngày 27 tháng Giêng vừa qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines hôm 25.2 cho biết rằng chính quyền Manila còn được báo cáo về 9 vụ tàu tuần tra Trung Quốc sách nhiễu ngư dân Philippines từ năm ngoái đến nay.

Theo ông Hernandez, ngay cả khi tàu cá Philippines chạy vào khu vực Scarborough để tránh bão, họ cũng bị tàu Trung Quốc đuổi đi. Cách hành xử thô bạo này của Trung Quốc tại vùng bãi Scarborough cũng tương tự như điều họ vẫn làm với ngư dân Việt Nam tại vùng quần đảo Hoàng Sa.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước, mới đây tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài cho rằng Mỹ có thể đã “bí mật” tái triển khai hiện diện quân sự thường trực tại Philippines. Trang tin Want China Times ngày 24.2 dẫn lại tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết tại căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic, một công ty nước ngoài “bí ẩn” đang tu sửa để chuẩn bị cho hải quân Mỹ đổ vào đóng quân thường trực tại đây vào bất kỳ lúc nào.

Các hãng thông tấn quốc tế cho biết: Hôm 24.2, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris đã tới Philippines để thảo luận một thỏa thuận cho phép các binh Mỹ hiện diện luân phiên tại Philippines với số lượng lớn hơn và tại nhiều địa điểm hơn.

“Nhân cơ hội này, Đô đốc Harris cũng thảo luận về mối quan hệ mạnh mẽ và lâu đời giữa hải quân Mỹ và Philippines, các kế hoạch của việc Mỹ nhằm tái cân bằng chiến lược sang khu vực Thái bình Dương, và tầm quan trọng của sự hợp tác hải quân đối với các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa”, đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết.

Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg ngày 24.2 cho hay “sự hiện diện luân phiên gia tăng của quân đội Mỹ, cùng các biện pháp khác, sẽ giúp tăng cường an ninh trong khu vực”.

Kêu gọi các bên tranh chấp tham gia vụ kiện đường lưỡi bò

Hãng tin AP ngày 28.2 đưa tin, Philippines đã lên tiếng kêu gọi Malaysia, Việt Nam và các bên tranh chấp khác tham gia vụ kiện bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Luật sư Francis Jardeleza

Luật sư Francis Jardeleza phụ trách tư vấn cho chính phủ Philippines về vụ kiện cho biết, Malaysia, Việt Nam và 2 bên liên quan khác (Brunei, Indonesia?) có thể tham gia cùng Philippines khởi kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Các nước nhỏ chỉ có một cơ hội để bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hòa bình chống lại siêu cường Châu Á thông qua con đường đấu tranh pháp lý, ông Francis Jarrdeleza nhấn mạnh.

Đoàn luật sư được Philippines thuê tham gia tranh tụng trong phiên tòa thụ lý vụ kiện đường lưỡi bò cho rằng tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ.

“Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé, nhưng chúng tôi tự tin sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện này”, luật sư Jardeleza khẳng định.

Phát biểu của luật sư Francis Jardeleza được đưa ra tại một diễn đàn luật quốc tế tổ chức tại Philippines hôm 27.2.

Vụ tàu cảnh sát biển Trung Quốc xả vòi rồng vào ngư dân Philippines hôm 27.1 được các chuyên gia pháp lý tin rằng sẽ củng cố hồ sơ vụ kiện của Manila.

BDN (nguồn: RFI, GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới