Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSự kiện Hoàng Sa qua báo chí năm 1974 (Kỳ 1)

Sự kiện Hoàng Sa qua báo chí năm 1974 (Kỳ 1)

BienDong.Net: Sự kiện Hoàng Sa, ngày 19/01/1974 với cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) và quân đội Trung Quốc đánh một dấu mốc quan trọng trong chính sách “tằm ăn lá dâu” trên biển Đông nói chung và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng của Trung Cộng.

Sự kiện diễn ra cách đây 40 năm trong bối cảnh liên quan mật thiết đến những chuyển biến có tính chất bước ngoặc nội bộ của các nước có tranh chấp, đồng thời cũng là một hệ quả của mối quan hệ quốc tế một thời gian dài trước đó.

Dưới đây là những ý kiến phân tích sự kiện hải chiến Hoàng Sa qua báo chí năm 1974 cho thấy rõ hơn những vấn đề trong vụ hải chiến Hoàng Sa.

Kỳ 1: Chính quyền VNCH quyết tâm bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đến cùng

Ngày 11/1/1974, Trung Cộng tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng, Bộ Ngoại giao VNCH đã phản ứng rất quyết liệt. Trong những cuộc họp báo tại Sài Gòn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng như ông Tổng trưởng Ngoại giao VNCH đã tố cáo trước dư luận thế giới về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng.

Đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy trận hải chiến

Trong một cuộc họp báo “đặc biệt” được tổ chức tại phòng họp của Bộ Ngoại giao VNCH, quy tụ đông đảo Đại diện báo chí trong nước và ngoài nước vào chiều 15-1-1974, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền VNCH trên quần đảo Hoàng Sa; ngày 16/10/1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra Tuyên bố về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay ngày hôm sau (17/01/1974), tờ Tia Sáng đăng bài phản đối những hành động gây hấn của Trung Cộng đã đe dọa đến hòa bình trong khu vực, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bài báo dẫn lời tuyên bố: “Đây là hành động trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH… Trước những hành vi thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cộng hòa rất căm phẫn và quyết không dung thứ… sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và dành quyền thi hành mọi biện pháp thích nghi cho mục đích ấy.”

Một tuyên bố như vậy ra đời là quan trọng và cơ bản trong thái độ khẳng định chủ quyền, tuy nhiên trước tình hình Trung Cộng tăng cường lực lượng Hải quân, phía VNCH đã có những hành động tương ứng để đối phó với chủ trương trước hết là giải quyết mâu thuẩn bằng biện pháp hòa bình. Tia Sáng ngày 19/01/1974 có bài với nội dung sau khi đưa tin tình hình tranh chấp ở Hoàng Sa, nêu chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, nhận định nguyên nhân vì sao Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, đã đề cập việc Bộ Ngoại giao VNCH khẩn báo lên Liên hiệp quốc đề nghị can thiệp giải quyết vụ Hoàng Sa.

“Hoàng Sa là một quần đảo chứa đựng sẵn nguồn tài nguyên vô tận, chất phốt phát và tương lai dầu hỏa dưới thềm lục địa của đảo này. Hai nguồn lợi này đã được coi như nguyên nhân thúc đẩy Trung Cộng tranh quyền, lấn đất với Việt Nam Cộng hòa kể từ đầu tháng 1-1974 đến nay. Nhân dịp này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sử dụng những biện pháp khả thi và cần thiết nhằm điều chỉnh lại tình trạng vừa xảy ra kể trên.

Sau khi chiến sự đã xảy ra, Tia Sáng dẫn lời Ngoại trưởng Vương Văn Bắc trong cuộc họp báo đặc biệt tại Bộ Ngoại giao ngày 27/01/1974 đã tố cáo những hành động vũ lực, xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng, khẳng định ý chí chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. “Ngoại trưởng Vương Văn Bắc lại một lần nữa xác nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những lãnh thổ bất khả phân của Việt Nam Cộng hòa, căn cứ vào những dữ kiện hợp lý về địa lý, pháp lý và thực tế. Việt Nam Cộng hòa sẽ không chịu khuất phục bất cứ một áp lực nào để phải từ bỏ phần lãnh thổ này của quốc gia.

Trong phương án giải quyết sau khi Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH đã nêu quan điểm là cần huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực. “Muốn bảo vệ chủ quyền, chính phủ phải đạt được nhân tâm trong quốc nội và thế độc lập ngoại giao ở quốc ngoại. Đối với yếu tố nội lực là cần thống nhất nhân tâm, huy động tất cả các cơ quan chính quyền, hội đoàn thể, các đảng phái và các tầng lớp nhân dân thành một khối chung để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Đây là yếu tố đầu tiên và trước hết, “trong vụ Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa đã trông cậy trước hết vào lực lượng của chính mình để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ”. Đồng thời, đây là mâu thuẫn có tính chất quốc tế, nên ngoài việc yêu cầu Liên hiệp quốc can thiệp, chính quyền VNCH đã tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới, đây là vấn đề không chỉ riêng của một nước mà liên quan đến nhiều nước, đến khu vực và phải được cộng đồng quốc tế tham gia giải quyết.

Bởi vậy, “Tổng thống VNCH cũng đã gởi văn thư tới các Quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia thân hữu với Việt Nam Cộng hòa nhằm trình bày các tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ tính chính nghĩa của VNCH trong vụ này. Chính quyền VNCH truyền đi thông điệp việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa nằm trong âm mưu thường xuyên bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng.

Vấn đề này thể hiện rõ trên trang chính Tia Sáng ngày 01/02/1974. Bài báo đăng một thông luận đề cập lịch sử tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa là một đề tài nóng và liên quan đến nhiều nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã thủ sẵn những bằng chứng hùng hồn hơn ai hết về chủ quyền của mình đối với quần đảo này. “Nhật từ bỏ tranh chấp từ năm 1951, vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu vẫn là đề tài tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Hoa và cả Phi Luật Tân cũng như với Nhật Bản. Tuy nhiên, VNCH đã thủ sẵn những bằng chứng hùng hồn hơn hết về chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa cả về phương diện lịch sử địa dư và pháp lý.

Trong quan điểm giải quyết vụ Hoàng Sa của chính quyền VNCH lúc bấy giờ, Hãng AFP của Pháp đã bình luận: “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao sáng nay tuyên bố như vậy.”

Trong khi đó, Hãng UPI tại Sài Gòn ngày 28/01/1974 đưa tin VNCH sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để bảo vệ Hoàng Sa bằng hành động quân sự. “Các tàu chiến của Nam Việt Nam với lực lượng hùng mạnh dễ trở lại để bao vây quần đảo Hoàng Sa nhưng chưa có tin về những cuộc giao tranh mới với Trung Cộng, nguồn tin quân sự cho biết như vậy… Tin cũng nói, Không quân Nam Việt cũng di chuyển các phản lực cơ ra Đà Nẵng để có thể can thiệp mau lẹ. Tin không nói rõ có bao nhiêu tàu và phi cơ liên hệ đến lịch mới.

Theo tin báo chí thì gần đây, nếu nỗ lực ngoại giao không có kết quả thì cuộc hành quân đó sẽ được mở ra. Đã có một phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia hôm Thứ Bảy. Các đơn vị gồm có Thủy quân lục chiến, người nhái và một toán truyền tin và tham mưu đang tiến đến quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng này cố bao vây các quần đảo Duncan Drummond và Robert. Những nguồn tin báo chí khác có nói đến sự hiện diện của phi cơ Phantom F4 có thể đương đầu với Mig 21, nhiều đơn vị hải quân của quân đoàn 3 và 4 cũng được gọi đến để tăng cường cho Quân khu I”.

Căn cứ vào bối cảnh tình hình VNCH lúc bấy giờ rõ ràng cho thấy, những phản ứng và biện pháp trên của chính quyền VNCH là những nỗ lực tới cùng. Hơn nữa, chính quyền đã có một kế hoạch liên hoàn để bảo vệ các quần đảo khác của mình. Tia Sáng ngày 31/01/1974 đưa ra kế hoạch phòng vệ của Quân lực VNCH. “Một nguồn tin hữu quyền nói với phái viên viết bài này rằng, những nỗ lực phòng thủ lúc nào cũng được chuẩn bị và chắc chắn đã được tăng cường bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, là các quần đảo ngoài khơi VNCH. Hai khu vực quần đảo Trường Sa và Phú Quốc đã được đặt trọng tâm trong kế hoạch bảo vệ của quân lực VNCH kể từ khi Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm đoạt”.

Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã tuyên bố trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Thông tin Thượng viện rằng: “Việt Nam Cộng hòa bằng mọi phương pháp sẽ lấy lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì một nước bị xâm chiếm đất đai có quyền dùng mọi phương tiện chính trị, quân sự để lấy lại phần đất đã bị chiếm mất”, đồng thời chính quyền VNCH xem “hành vi quân sự yểm trợ cho hành vi chính trị, bởi vậy những thất bại quân sự chỉ có tính cách chiến thuật, trong khi chúng ta lại đạt được những thành công trên mặt chiến lược chính trị lâu dài”.

BDN (Theo Petrotimes)

RELATED ARTICLES

Tin mới