Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG CHÍNH SÁCH AN NINH QUỐC PHÒNG

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG CHÍNH SÁCH AN NINH QUỐC PHÒNG

BienDong.Net: Trong bối cảnh tình hình biển Hoa Đông căng thẳng (do Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông và liên tiếp gây căng thẳng ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), từ năm 2013, Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử thông qua nhiều văn kiện và chương trình trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Điều này đánh dấu bước ngoặt về chất trong chính sách an ninh quốc phòng của Nhật kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Sau khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền tháng 12/2012, cũng là lúc mà Trung Quốc gây áp lực mạnh mẽ đối với Nhật Bản trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nên Chính phủ của ông Abe đã tập trung vào việc tăng cường chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật.

Trong năm 2013, bất chấp những khó khăn về tài chính của Nhật, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vẫn được ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách; năm 2014, ngân sách quốc phòng của Nhật tăng 2,2% (mức cao nhất trong vòng 18 năm qua). Chức năng và nhiệm vụ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được mở rộng đáng kể. Tháng 7/2013, Nhật thành lập Hội đồng An ninh quốc gia được coi như là “Trung tâm chỉ huy” soạn thảo chính sách trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia.

Ngày 17/12/2013, Chính phủ Nhật Bản thông qua một số văn kiện và chương trình xác định chiến lược quốc gia trong việc bảo đảm an ninh quốc gia trong thời gian tới, bao gồm Chiến lược An ninh quốc gia, những khuynh hướng chính của Chương trình phòng thủ quốc gia, Chương trình phát triển tiềm năng phòng thủ trung hạn.

Chiến lược An ninh quốc gia của Nhật Bản đã đưa ra những khái niệm về vấn đề an ninh quốc gia và cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề này trong vòng 10 năm tới. Các nội dung chính của Chiến lược này được soạn thảo dựa trên nguyên tắc mà theo đó việc bảo đảm an ninh không hạn chế chỉ trong lĩnh vực phòng thủ. Theo đó, những biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia cần phản dựa trên sức mạnh tổng thể của quốc gia bao gồm cả các lĩnh vực ngoại giao, chính sách kinh tế và công nghệ.

Khái niệm chính trong Chiến lược an ninh quốc gia là “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Nhật là ngày càng đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Việc vũ trang theo “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ những cơ sở pháp lý, thể chế và nhân sự chính sách quốc gia trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia.

Một văn kiện khác là “Phương hướng chính trong Chương trình phòng thủ quốc gia”, trong đó đề ra nhiệm vụ tăng cường tất cả tiềm năng “phòng thủ năng động”. Khái niệm “phòng thủ năng động” hàm ý nói đến mô hình xây dựng quân đội, theo đó khả năng chiến đấu của lực lượng phòng vệ Nhật cần được sử dụng với sự linh hoạt và hiệu quả tối đa. Ưu tiên dành cho sự cơ động của các đơn vị chiến đấu, khả năng phản ứng và di chuyển nhanh của đơn vị này phù hợp với sự thay đổi điều kiện tác chiến.

Điểm chính trong văn kiện “Chương trình phát triển tiềm lực quốc phòng trung hạn” là những biện pháp cụ thể tăng cường sức mạnh của các đơn vị hải quân và lục quân có tính cơ động cao, có khả năng bảo vệ và trong trường hợp cần thiết có khả năng tước đoạt những hòn đảo xa xôi phía Nam.

Việc thông qua những văn kiện mang tính bước ngoặt về chất trong chính sách của Nhật, tạo cơ sở cho Nhật tăng cường tiềm năng phòng thủ mà mục tiêu là không chỉ tiến hành các hoạt động trên lãnh thổ Nhật Bản mà còn ra xa bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản dựa trên sức mạnh kinh tế và kỹ thuật.

Mới đây nhất, ngày 22/3/2014, Thủ tướng Shinzo Abe đã tái nhấn mạnh quyết tâm thay đổi chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia theo hướng mở rộng hơn vai trò quân đội, tiến tới dỡ bỏ những cấm kỵ trong việc thực thi quyền hỗ trợ đồng minh khi có những mối đe dọa hiện hữu. Trong bài phát biểu tại Học viện Quốc phòng quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh “không thể đảm bảo hòa bình chỉ với tuyên bố Nhật Bản là một quốc gia yêu hòa bình. Để đạt được hòa bình, Nhật Bản cần có những hành động phù hợp với tình hình thực tế cũng như một nền tảng pháp lý cho những hành động là cần thiết”.

Chính phủ Nhật Bản trong thời gian qua đã không ngừng thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo được tham gia vào những hành động quân sự để bảo vệ đồng minh. Nếu sửa đổi này diễn ra, đây sẽ là một bước ngoặt lớn cho Hiến pháp Nhật Bản, vốn được viết sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và nổi tiếng với cam kết từ bỏ quyền được phát động chiến tranh cũng như quyền tham chiến của đất nước

Việc tăng cường chính sách an ninh, quốc phòng của Nhật Bản nhận được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Ngay tại cuộc tham vấn các vấn đề quốc phòng 2+2 giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản tháng 10/2013, Hoa Kỳ đã đánh giá tích cực các giải pháp của Chính phủ Nhật Bản trong việc tăng ngân sách quốc phòng, xem xét lại các chương trình xây dựng quốc phòng và thành lập Ủy ban An ninh quốc gia cũng như Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, theo đó Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong việc đóng góp cho an ninh toàn cầu. Hoa Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ với dự định của Nhật hợp pháp hóa quyền phòng thủ tập thể.

Rõ ràng những hành động cứng rắn của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như Biển Đông (nơi có ý nghĩa sống còn đối với lợi ích hàng hải của Nhật với 70% lượng hàng hóa nhập khẩu của Nhật được vận chuyển qua đây) đã thôi thúc Chính quyền của Thủ tướng Abe nhanh chóng tăng cường chính sách an ninh, quốc phòng. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính những hành động hung hăng của Trung Quốc vừa qua ở biển Hoa Đông và Biển Đông đã tạo cơ hội cho Nhật Bản đẩy nhanh chiến lược an ninh mới của mình và tạo cớ để Nhật Bản thắt chặt hơn quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ hình thành vành đai kiềm chế Trung Quốc từ hướng Đông. Xem ra “gậy ông” đã “đập lưng ông” và Trung Quốc chính là kẻ đã “gây gió thì phải chịu bão”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới