Biendong.Net: Công tác tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu MH370 chở 239 người (đa số là người Trung Quốc), mất tích một cách bí ẩn kể từ ngày 8.3, sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.
Cùng với Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc là một trong những nước tích cực nhất tham gia tìm kiếm chiếc máy bay xấu số.
Trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn của Hải quân Trung Quốc tìm kiếm máy bay MH370 – Ảnh: Reuters
Lý giải động cơ của Trung Quốc trong hoạt động này, tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 26.3 dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết nhiều quốc gia trong khu vực nghi ngờ rằng Trung Quốc đang lợi dụng vụ việc để tiến hành hoạt động do thám.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ nói với Wall Street Journal rằng cách đây ít ngày, yêu cầu của Trung Quốc cho tàu vào vùng biển gần quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ đã bị từ chối vì lo ngại Bắc Kinh lợi dụng chiến dịch tìm kiếm để do thám các căn cứ quân sự quan trọng tại đây.
“Họ có thể đang lợi dụng tình cảnh và cố tìm cách đi vào khu vực này. Chúng tôi có đủ các phương tiện hiện đại để tự tìm kiếm chiếc máy bay nếu nó rơi trong vùng biển của Ấn Độ”, vị quan chức giấu tên này cho hay.
Giáo sư Brahma Chellany, một trong những chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Ấn Độ, đồng ý với lập luận nói trên nhưng bộ ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi khi phóng viên tờ Wall Street Journal liên lạc để yêu cầu bình luận về nhận định trên.
Về phần mình, ông Andrew Davies, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng việc Bắc Kinh hăng hái hỗ trợ cho cuộc tìm kiếm cũng xuất phát từ mong muốn nắm bắt cơ hội “tăng điểm uy tín” với dư luận quốc tế, và quan trọng hơn là với người dân trong nước. Ngoài máy bay, Trung Quốc đã gửi tàu chiến đến khu vực tìm kiếm và đã điều động 21 vệ tinh rà quét khu vực nghi máy bay rơi để lùng tìm mảnh vỡ, theo Wall Street Journal.
“Chưa bao giờ Trung Quốc, gồm lực lượng hải quân hay tuần duyên, tiến hành một chiến dịch có quy mô lớn cỡ này. Tốc độ triển khai lực lượng của họ khá ấn tượng. Chúng ta đã quen với việc người Trung Quốc không thích mạo hiểm”, ông Gary Li, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc hãng nghiên cứu hàng hải IHS Maritime (Mỹ), cho hay.
Trước khi vụ máy bay Malaysia mất tích diễn ra, chiến dịch lớn nhất mà hải quân Trung Quốc từng tiến hành là tham gia các hoạt động tuần tra chống hải tặc cùng các nước khác tại Vịnh Aden, theo ông Li.
Tuy nhiên, các hoạt động tuần tra nói trên chỉ đòi hỏi sự tham gia của 2 tàu chiến và 1 tàu hậu cần, trong khi theo chuyên gia Li, chiến dịch tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 có quy mô vượt xa các chiến dịch trước đây.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thông qua việc điều động 2 máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il – 76, vốn không có khả năng chuyên biệt nào có ích cho cuộc tìm kiếm, Bắc Kinh cũng để lộ sự hạn chế trong cuộc trình diễn sức mạnh quân sự của mình.
“Một máy bay tuần tra biển hiện đại có tầm bay xa, với radar tối tân là thứ mà dường như họ đang thiếu”, chuyên gia Davies thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nói.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 30.3 đăng bài cho biết sau vụ chuyến bay số hiệu MH370 mất tích, Trung Quốc dự định thiết lập một hệ thống vệ tinh giám sát toàn cầu.
Bài báo dẫn lời Giáo sư Chi Tianhe, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về vệ tinh ở Trung Quốc, cho biết số lượng vệ tinh quan sát và do thám của Trung Quốc là “bí mật” quốc gia nhưng ông ước tính Trung Quốc sẽ mở rộng hệ thống vệ tinh giám sát từ quy mô khu vực sang quy mô toàn cầu, với con số 50 vệ tinh, bằng số vệ tinh cùng loại của Mỹ.
Các chuyên gia Trung Quốc ước tính chi phí cho một vệ tinh vào khoảng 400 triệu nhân dân tệ (trên 64 triệu USD). Để có 50 vệ tinh, Trung Quốc phải chi ít nhất 20 tỉ nhân dân tệ (3,2 tỉ USD).
Đến ngày 30.3, dựa trên hình ảnh vệ tinh do các nước (trong đó có Trung Quốc) phát hiện các vật thể trên biển, các đội tìm kiếm từ nhiều quốc gia khác nhau vẫn chưa thể tìm được mảnh vỡ MH370, theo AFP.
BDN (Nguồn: Thanh Niên)