BienDong.Net: Gần một tháng sau khi mất tích, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu MH370 của Malaysia được cho là rơi trên vùng biển ở nam Ấn Độ Dương trở thành chiến dịch cứu hộ máy bay tốn kém, khó khăn và vất vả nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
Một vùng biển xa xôi đầy sóng gió
Do chiếc máy bay đã hầu như không để lại dấu vết gì trước và sau khi lâm nạn, người ta đã phải khoanh một khu vực rộng lớn ở Nam Thái Bình dương để tiến hành truy tìm.Vùng tìm kiếm nằm cách thành phố Perth hàng nghìn cây số về phía tây nam, bên trên một địa hình núi lửa trong vùng biển sâu từ 2.500 – 4.000 m. Vì gần Nam Cực nên khu vực này thường có gió mạnh và sóng lớn cao trên 6 m.
Các tàu và máy bay đang rà soát vùng biển nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm các mảnh vỡ khả nghi của MH370.
Nhà hải dương học Erik van Sebille, từ Đại học New South Wales tại Sydney (Úc), người từng có mặt trên một tàu nghiên cứu tại khu vực hồi tháng 12 năm ngoái, cho hay thậm chí trong điều kiện thời tiết thời thuận lợi thì vùng biển này cũng đặt ra những thách thức rất khó vượt qua.
Là một vùng hẻo lánh, khu vực tìm kiếm máy bay rất ít tàu bè qua lại. Nếu như những người đi biển trước đây thường chọn hải trình trên những vùng biển rộng lớn này để tận dụng sức gió, thì nhiều tàu giờ đây thường tránh các khu vực này. Các lộ trình đường biển toàn cầu giờ đây đưa các tàu hàng trực tiếp từ Australia hướng về phía bắc tới Châu Á và Châu Âu, thay vì đi về hướng nam hoặc phía tây qua khu vực này.
Khi các cảnh báo được đưa ra đối với các tàu buôn trong khu vực nhằm trợ giúp việc tìm kiếm các vật nổi khả nghi xuất hiện trong ảnh vệ tinh được Australia công bố, con tàu ở gần nhất cách đó cũng tới 2 ngày đi biển.
Giáo sư Nathan Bindoff, một chuyên gia về hải dương học tại Đại học Tasmania (Australia), cho hay các tàu thường chỉ gặp một tàu khác trong cuộc hành trình 50 ngày trong khu vực, và thường là gần Nam Cực và các trạm nghiên cứu hơn là ở khu vực có các vật thể trôi nổi khả nghi được phát hiện.
“Nói cách khác, có nhiều người ở gần Nam Cực hơn là tại khu vực này của thế giới”, ông Bindoff nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa đặt ra là các dòng biển chảy mạnh ở khu vực này. Trong vùng biển động ở nam Ấn Độ Dương, một vật thể có thể bị đẩy đi xa với tốc độ 1 hải lý/giờ. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, nếu như tìm thấy một vật thể nào đó từ chiếc máy bay thì nó có thể đã trôi xa hàng trăm, thậm chí cả ngàn km kể từ khi chiếc máy bay bị rơi.
Các nhà khoa học đã phát triển các mô hình máy tính để “tua lại” gió và sóng biển, cho phép các nhân viên cứu hộ tìm hiểu sự chuyển động của các mảnh vỡ để tìm ra hiện trường một vụ tai nạn. Nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng các mô hình máy tính có thể dễ dàng thay thế việc tìm kiếm hao tiền tốn của bằng đường không và biển.
Hi vọng lớn nhất để có thể xác định hiện trường vụ tai nạn là tập trung vào các nỗ lực nhằm bắt các tín hiệu được phát ra từ hộp đen máy bay. Tuy nhiên, các tín hiệu này không hoạt động mãi mãi và thường chỉ “sống được” trong 30 ngày, vì vậy thời gian đang cạn kiệt dần.
Những đảo rác khổng lồ trôi dạt đang cản trở việc tìm kiếm mảnh vỡ
Rác sóng thần Nhật Bản trên đường trôi tới Mỹ. Ảnh: Independent
Không chỉ có thế, hoạt động tìm kiếm còn vấp phải những trở ngại ít ai ngờ tới, đó là tình trạng ô nhiễm rác trên đại dương. Báo Người đưa tin dẫn nguồn tin AP cho biết, rất nhiều lần, những mong đợi đã biến thành nỗi thất vọng khi cuộc tìm kiếm các mảnh vỡ của MH370 tại Tây Australia chỉ thu được rác biển.
“Các vùng biển giống như một nồi soup hỗn độn chứa các mảnh nhựa, và các vật thể khác giống như mảnh vụn bánh mì”, thuyền trưởng Charles Moore người Los Angeles, một nhà hoạt động môi trường tại vùng biển giữa Hawaii và California, nói về hòn đảo rác có kích thước bằng bang Texas tại Thái Bình Dương do hậu quả vụ sóng thần Nhật Bản năm 2012.
Các đại dương trên thế giới bị 4 đảo rác vây quanh, Moore nói. Và các nhà tìm kiếm tại khu vực cách phía tây Perth 1.850 km đã vấp phải rìa phía đông của một đảo rác vây quanh Ấn Độ Dương. “Nó giống như một bồn cầu xả nước vào nhưng không xối đi được”.
Các tảng rác không giống như những bãi rác chúng ta thường thấy. Thực tế, hầu hết số rác đó không được nhìn thấy. Nó gồm nhiều mảnh rác nhỏ nhấp nhô ngay bên dưới mặt biển. Các vật thể lớn thường là nhựa và liên quan đến vật dụng đánh bắt cá. Tuy nhiên, Moore cũng từng nhìn thấy các vật thể khác như bóng đèn, nắp bồn cầu, tủ lạnh chứa đầy nước cam trôi ngoài khơi bờ biển California.
Rác đại dương được phát hiện tại khu vực tìm kiếm MH370. Ảnh: Reuters
Ông Curtis Ebbesmeyer, một nhà hải dương học đến từ Seattle đã nghiên cứu rác biển trong nhiều năm. Ông cho biết các mảnh rác tập hợp thành hình xoáy ốc. “Nếu bạn đi vào một ngôi nhà, bạn sẽ nhìn thấy nhiều bụi nhỏ li ti. Trong đại dương cũng có những đám bụi nhỏ này, mỗi đám di chuyển khoảng 10 dặm mỗi ngày”. Ebbesmeyer bị cuốn hút bởi những gì xảy ra với số chất thải tuôn ra từ hàng trăm container bị ném xuống biển từ các tàu chở hàng mỗi năm. Ông cho biết có nơi người ta thải 2.000 máy tính hoặc hàng ngàn đôi giày Nike xuống biển. Rác thải cũng đổ về biển theo đường sông hoặc bị sóng thần đưa tới, ông Ebbesmeyer nói.
Các nhà khoa học đặc biệt lo lắng về những mảnh nhựa nhỏ và phổ biến như túi nilon, chai nước nhựa và các vật dụng khác. Sóng đã phá chúng thành những mảnh nhỏ hơn nữa.
Denise Hardesty, một nhà khoa học thuộc tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp thuộc khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia ước lượng có từ 5.000 đến 7.000 mảnh nhựa nhỏ/1km2 tại vùng biển quanh nước này. Bà cho biết 2/3 số chim biển mà bà mổ xác đã ăn nhựa, một con chim đặc biệt đã nuốt 175 mảnh nhựa vào bụng. “Phải mất 400 – 500 năm để các mảnh nhựa phân hủy hoàn toàn. Thậm chí bạn còn tìm thấy nhựa trong những sinh vật phù du, đủ để thấy chúng bị phá nhỏ như thế nào”, Hardesty nói.
Thủy thủ người Mỹ, James Burwick đã 2 lần vượt Ấn Độ Dương để đi từ Châu Phi đến Australia. Ông cho biết để nhìn thấy rác trên biển là rất khó nhưng ông cảm nhận được rác va chạm với đáy thuyền của mình. Có lần một chiếc lưới đánh cá cũ đã vướng quanh thuyền của ông.
Hạ sĩ Andy Scott thuộc lực lượng không quân New Zealand cho biết phi hành đoàn P – 3 Orion lùng sục tại Ấn Độ Dương để tìm kiếm MH370 trong một phi vụ đã phát hiện khoảng 7 vật thể trong vòng 4 tiếng. Ba vật thể được đưa đi kiểm tra nhưng không có cái nào là của máy bay mất tích. Một cái là dây lưới đánh cá, một vật là nắp hộp, vật thứ 3 có màu nâu và màu da cam vẫn chưa xác định. “Rất nhiều thứ chúng ta tìm thấy, về cơ bản chỉ là rác”, anh nói.
BDN (tổng hợp)