BienDong.Net: Ngày 30/3/2014, Philippines chính thức nộp Bản lập luận cho các yêu cầu khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đúng thời hạn.
Bản lập luận gồm 11 tập; các lập luận được viết trong Tập 1 dày 270 trang, 10 tập Phụ lục dày khoảng 3.700 trang và 40 bản đồ các loại, tổng cộng khoảng 4.000 trang.
Ngay sau khi nộp Bản lập luận lên Tòa Trọng tài, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Del Rosario đã tổ chức họp báo quốc tế thông báo về những nội dung chính của Bản lập luận. Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết toàn bộ các vấn đề mà Tòa Trọng tài yêu cầu trong án lệnh số 1 ngày 27/8/2013 đã được Philippines trình bày rất đầy đủ trong Bản lập luận để chứng minh cho các yêu cầu kiện của Philippines. Cùng với các lập luận, Philippines đưa ra các bằng chứng liên quan kèm theo để chứng minh. Do thời gian gần đây, Trung Quốc ngăn cản quyết liệt tàu tiếp tế của Philippines ra bãi Cỏ Mây nên Philippines đã bổ sung vào yêu cầu kiện nội dung về bãi Cỏ Mây. Tiếp theo cuộc họp báo của Ngoại trưởng Del Rosario, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng phát biểu với báo chí: “Việc Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài là một biện pháp, hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chính sách Ngoại giao hòa bình của Philippines và luật pháp quốc tế”.
Tiếp đó, tại cuộc họp báo ngày 31/3/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định lập trường “hai không” là không tham gia và không chấp nhận vụ kiện: “Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện trọng tài quốc tế do Philippines khởi xướng. Các tranh chấp này bi loại bỏ ra khỏi thủ tục trọng tài bởi Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc”.
Ngày 01/4/2014, khi được hỏi “Trung Quốc có chấp nhận yêu cầu Trọng tài và sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nào đối với Philippines?” thì Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bối rối không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên mà chỉ quanh co nhắc lại lập trường của họ.
Mỹ có phản ứng nhanh và mạnh mẽ trước việc Philippines nộp Bản lập luận lên Tòa Trọng tài. Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc thực hiện các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp mà không phải sợ bất kỳ hình thức trả đũa nào, bao gồm cả việc đe dọa hoặc cưỡng bức; nhấn mạnh “tất cả các quốc gia cần tôn trọng quyền của bất kỳ quốc gia thành viên khác của Công ước Luật biển 1982, bao gồm cả Philippines được sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong Công ước Luật biển 1982. Hoa Kỳ hy vọng rằng vụ kiện này sẽ giúp đem lại một sự rõ ràng hơn về mặt pháp lý và việc tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Đến nay, ngoài Việt Nam phát biểu khẳng định lại lập trường của mình: “Nếu các quyền và lợi ích Việt Nam bị ảnh hưởng, Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, các nước ASEAN khác chưa có phát biểu công khai. Đáng chú ý là 4 ngày trước khi Philippines nộp Bản lập luận, ngày 26/3/2014 cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có một bài viết đăng trên tờ “The Strait Times” phê phán trực tiếp yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong bài viết, ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh tất cả các thành quả của cộng đồng quốc tế về luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 sẽ bị Trung Quốc hủy hoại và làm đảo lộn bởi các yêu sách dựa trên bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước đó, ngày 12/3/2014, quan chức quốc phòng của Indonesia cũng đã phát biểu bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”; nhấn mạnh “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Indonesia, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Luật biển 1982.
Những phát biểu này là sự ủng hộ mạnh mẽ cho vụ kiện của Philippines bởi nội dung chính trong vụ kiện của Philippines là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Xem ra dư luận quốc tế đang ủng hộ cho Philippines trong vụ kiện này bởi Philippines có chính nghĩa, Philippines bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.
Với việc Philippines chính thức nộp Bản lập luận lên Toà Trọng tài, vụ kiện đã bước vào giai đoạn then chốt nhất. Trung Quốc đang hết sức lúng túng và bực tức trước phản ứng của Cộng đồng quốc tế đối với vụ kiện. Mặc dù, trong hơn 1 năm qua Trung Quốc tìm mọi cách hăm dọa và cô lập Philippines, nhưng chính Trung Quốc đang bị cô đơn trong vụ kiện này vì Trung Quốc là kẻ chống lại luật pháp quốc tế và là kẻ phi pháp. Các nhà phân tích quốc tế đều cho rằng: tuy là thành viên của Công ước Luật biển 1982, song những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành vi của họ với các nước láng giềng trên Biển Đông và cách ứng xử của họ trong vụ kiện của Philippines đang phá hoại Công ước Luật biển 1982.
BDN