BienDong.Net: Thời gian gần đây, Trung Quốc có những hành động ngang ngược, trái pháp luật trên Biển Đông, nhất là việc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
BDN xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn với TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, về dã tâm này của Trung Quốc do báo quốc nội VTC thực hiện.
TS. Trần Công Trục – Ảnh: Tùng Đinh
– Ông có đánh giá gì về hoạt động Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Hoạt động Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam khác hoàn toàn trước đây về cả tính chất và quy mô.
Cắm giàn khoan cách Lý Sơn 121 hải lý và cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 80 hải lý vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Xét về mặt pháp lý, địa điểm cắm giàn khoan cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát trái phép hiện nay lên đến 18 hải lý.
Giả sử Bắc Kinh có chủ quyền về đảo Tri Tôn thì hòn đảo này chỉ có vùng kiểm soát 12 hải lý.
Trung Quốc đang muốn tạo ra những vùng chồng lấn trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế dù cho quần đảo Hoàng Sa không đủ điều kiện để tạo ra đường cơ sở bao quanh, thậm chí Trung Quốc đang đang chiếm đóng trái phép khu vực này.
– Đây có phải là hành động đã được tính toán kỹ?
Theo tôi, Trung Quốc đã có những tính toán chi tiết và lâu dài về những kế hoạch nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên Biển Đông.
Giả thiết về việc đánh lạc hướng dư luận trong nước, theo tôi là có thể. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính của hành động cắm giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Những hành động của họ thường đã được tính toán và với một sự trùng hợp nào đó, việc cắm giàn khoan 981 được suy diễn với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng phải nhận định rằng, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc vẫn là độc chiếm Biển Đông.
981 được cho là giàn khoan siêu sâu hàng đầu của Trung Quốc
– Gần đây đã xuất hiện thông tin, hình ảnh được cho là Trung Quốc tăng cường xây dựng các công trình quy mô, kiên cố trên đảo Gạc Ma, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988. Ông có nhận xét gì về những thông tin, hình ảnh này?
Kể từ sau Hải chiến Gạc Ma năm 1988, khi Trung Quốc tổ chức tấn công bằng quân sự, chiếm đóng trái phép hòn đảo này, Bắc Kinh vẫn có một chiến lược xuyên suốt nhằm đặt chân đến Biển Đông.
Sau khi đánh chiếm một số đảo, bãi cạn, đá ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, quá trình xây dựng được Trung Quốc thực hiện liên tục, kéo dài.
Những nhà cửa, công trình đang được xây dựng trên đảo Gạc Ma theo tôi là đã nằm trong kế hoạch lâu dài của Trung Quốc. Điều này nhằm củng cố chỗ đứng của Bắc Kinh trên Biển Đông và chưa dừng lại ở đó.
Tất cả các hành động của Trung Quốc đều nhằm mục đích mở rộng quyền kiểm soát ở những khu vực đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam và phục vụ ý đồ biến ‘đường lưỡi bò’ phi lý trở thành hiện thực.
– Hoạt động lần này được cho là của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, ông có nhận xét gì về điều này và Việt Nam nên phản ứng thế nào với động thái này của Bắc Kinh?
Từ quy mô của dàn khoan 981, có thể thấy được có chính sách của nhà nước Trung Quốc đằng sau. Tất cả đã được tính toán từ vị trí, thời điểm cho đến từng hành động nhỏ đều thuộc kế hoạch từ trước.
Về động thái của Việt Nam, theo tôi, ngoài tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, phản ứng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chúng ta cần những động thái mạnh mẽ và rõ ràng hơn.
Đó là những công hàm phản đối, gửi đến các tổ chức quốc tế và sau đó phải nghiên cứu để đưa ra được những động thái mới về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải phân tích, làm rõ bản chất của vấn đề để dư luận và trong và ngoài nước hiểu hơn về hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!
BDN