Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Họp báo quốc tế tố cáo Trung Quốc cố tình...

Biển Đông: Họp báo quốc tế tố cáo Trung Quốc cố tình xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

BienDong.Net: Theo báo chí quốc nội, ngày 7/5, phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đã trình bày cụ thể diễn biến các sự việc nghiêm trọng đang làm cho tình hình Biển Đông nóng lên trong những ngày qua do hành động ngang ngược của Bắc Kinh, nội dung như sau:

1. Lúc 5 giờ 22 phút ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan HD981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58’’ vĩ Bắc – 111 độ 12’ 06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. 

alt

Hình ảnh được cho là ghi lại vụ đụng độ hôm 5/5 gần giàn khoan 981

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. 

Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan đã tăng lên hơn 60 chiếc, trong đó cả tàu quân sự; các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về người và tài sản. 

2. Trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc – CNOOC). 

Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. 

Đáng chú ý, chiều ngày 6/5/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và trước đó ngày 4/5/2014, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, Hồ Xuân Sơn cũng đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. 

Cũng trong ngày 4/5/2014, đại diện Bộ Ngoại giao đã triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối

 

Ông Trần Duy Hải trình bày tại cuộc họp báo – Ảnh: Nguyễn Khánh

3. Trong các cuộc giao thiệp nói trên, phía Việt Nam đã khẳng định và nhấn mạnh: “Khu vực giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình”.

4. Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

5. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng “hoạt động của giàn khoan HD 981 là hoạt động dầu khí bình thường của Trung Quốc ở khu vực phía Nam đảo “Trung Kiến” (tức đảo Tri Tôn) thuộc quần đảo “Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng cho rằng đây là “khu vực thuộc vùng biển của quần đảo “Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và hoạt động lần này là hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng biển do Trung Quốc quản lý, “không có tranh chấp”. Phía Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái này của phía Trung Quốc.

6. Việc phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Hành vi và thái độ của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung giữa Lãnh đạo hai nước và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. 

Các văn kiện này đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng.

7. Việc làm của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến các diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển giữa hai nước, trong đó có diễn đàn của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân hai nước. 

Việt Nam một lần nữa nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho người và phương tiện của Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới