Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPHẢN ỨNG CỦA MỸ ĐỐI VỚI SỰ KIỆN TRUNG QUỐC ĐẶT GIÀN...

PHẢN ỨNG CỦA MỸ ĐỐI VỚI SỰ KIỆN TRUNG QUỐC ĐẶT GIÀN KHOAN HD – 981 TRONG BIỂN VIỆT NAM

BienDong.Net: Trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò và tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 3/5/2014, trước việc các tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam ngày 4/5/2014, Mỹ là quốc gia có phản ứng sớm nhất và mạnh mẽ nhất.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ vào thứ Tư (7/5/2014), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki nói “Mỹ bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về cách hành xử nguy hiểm và việc đe dọa của tàu trong vùng biển tranh chấp”. Bà Psaki nêu quan điểm của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan là hành động “khiêu khích và không có lợi” đối với an ninh trong khu vực.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cũng đã đưa ra lời chỉ trích hành động của Trung Quốc: “Các tàu của Trung Quốc bao vây và đâm tàu của cảnh sát biển Việt Nam là biểu hiện của quấy rối hung hăng. Không có gì nghi ngờ rằng Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này” và “ Tất cả các quốc gia có trách nhiệm đều có bổn phận yêu cầu các lãnh đạo Trung Quốc ngay lập tức có các bước đi nhằm làm giảm căng thẳng và trả lại nguyên trạng”.

Cùng với một loạt các động thái của Mỹ về vấn đề Biển Đông được ghi nhận từ đầu năm 2014 đến nay, có thể thấy rõ Mỹ đã có những phản ứng nhanh, mạnh mẽ, theo chiều hướng tăng dần và trực diện với các hành động gây hấn với các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy vẫn khẳng định Mỹ không có lập trường đối với các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng các quan chức của Mỹ, từ Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đến Thứ trưởng Ngoại giao William Burns, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel đều có những phát biểu công khai thể hiện quan điểm mạnh mẽ của Mỹ phản đối cách hành xử hung hăng, hăm dọa của Trung Quốc trên Biển Đông để thực hiện các yêu sách ngang ngược phi lý, nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là các yêu sách đó phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đi đôi với các phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, trực diện phê phán các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ còn tiếp tục những động thái cụ thể nhằm thực hiện chính sách “xoay trục” với mục tiêu tăng cường sự hiện diện, can dự đối với Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng, bảo vệ lợi ích của Mỹ, đồng minh của Mỹ, ứng phó với sự hung hăng của Trung Quốc, như tiếp tục lưu chuyển quân ở căn cứ Darwin (Australia); cho tàu USS Cowpens và tàu chiến ven bờ USS Freedom bám sát hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông; viện trợ 18 triệu đô la cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam để mua 5 tàu tuần tra; lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ASEAN tại Hawai. Đặc biệt là Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Philippines về việc cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của Philippines. Mỹ đã ký với Philippines Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường, tạo thuận lợi cho sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại Philippines cũng như hỗ trợ hiện đại hóa dài hạn lực lượng của Philippines. Tại Philippines, Tổng thống Obama ngày 29/4/2014 đã phát biểu “Mỹ có quyết tâm sắt đá trong việc bảo vệ Philippines. Mỹ sẽ giữ vững cam kết này, vì đã là đồng minh thì không ai sẽ phải đứng đơn độc”. Ngày 5/5/2014, hơn 5.500 quân Mỹ và Philippines đã tiến hành tập trận băn đạn thật mang tên Balikatan 2014.

Lời nói và việc làm của Mỹ đối với Biển Đông đã thể hiện sự điểu chỉnh của Mỹ đối với khu vực này theo hướng tích cực, can dự sâu hơn. Sự điều chỉnh này là xuất phát từ các động thái ngày càng tỏ ra ngang ngược của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, hiện thực hóa, bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, mà Mỹ cho rằng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông như quyền tự do hàng hải, cản trở sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á, đe dọa lợi ích của các đồng minh của Mỹ ở khu vực này.

Đối với các nước trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thái độ can dự tích cực của Mỹ với Biển Đông, sự phê phán mạnh mẽ của Mỹ nhằm vào Trung Quốc là nhân tố thuận lợi trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển. Các tuyên bố và động thái mang tính răn đe Trung Quốc của Mỹ sẽ tạo hiệu ứng quan tâm và kéo theo sự đồng thuận của các đồng minh lớn khác của Mỹ như Nhật Bản, EU, Australia… và là một đối trọng mà Trung Quốc phải cân nhắc đến trong các tính toán của mình. Sự điều chỉnh tích cực trong thái độ của Mỹ đối với Biển Đông đáng để Hà Nội quan tâm, nghiên cứu và tận dụng trong cuộc đấu căng thẳng với những tham vọng ngang ngược, phi lý trên biển của nước láng giềng lớn phía Bắc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới