BienDong.Net: Trước bằng chứng rõ ràng, Trung Quốc vẫn phủ nhận và đổ vấy cho Việt Nam. Điều đó đã có thể vạch rõ cái trơ tráo, trơ trẽn của Trung Quốc, làm cho dư luận không chỉ là người Việt Nam mà cả thế giới còn bất bình.
Trước thông tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không có đụng độ trên Biển Đông và hành động vu cáo cho bị hại, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã lên tiếng phẩn đối và phân tích rõ việc làm sai trái của Trung Quốc. BDN xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn với TS Trần Công Trục do báo quốc nội Infonet thực hiện.
Tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam (ảnh tư liệu)
Thưa ông, ông có bình luận gì về tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc xung quanh việc đặt giàn khoan trái phép vào vùng Đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam?
Tôi vừa được nghe thông tin người đại diện phía Bộ ngoại giao Trung Quốc đã có một cuộc gặp gỡ nhằm thanh minh. Ông này cho rằng, không có việc đụng độ ngoài khu vực giàn khoan, đây chỉ là hiểu nhầm của những nước đang có những sự tranh chấp với nhau.
Với người ngoài cuộc, có lẽ họ cảm thấy mừng, vì cho rằng Trung Quốc không muốn gây ra căng thẳng, không muốn dùng đến vũ lực, không muốn dùng đến sự đụng độ mà muốn duy trì không khí hòa bình, hợp tác hữu nghị. Rõ ràng, đấy là những hiểu biết lầm lạc.
Và với tâm nguyện của tất cả mọi người, nhất là người Việt Nam, đều mong muốn Trung Quốc nên làm theo phát ngôn mà họ vẫn luôn nói. Họ luôn miệng nói rằng: Trung Quốc muốn hòa bình, muốn đàm phán, muốn tôn trọng quan hệ hữu nghị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình đã phủ nhận có vụ đụng độ trong khi Việt Nam đã công bố đầy đủ bằng chứng
Nhưng tất cả những gì xảy ra vừa qua có thể nói không thể nào có thể tạo được niềm tin vào lời nói của Trung Quốc. Trước sự thật hiển nhiên đang hiện hữu, chúng ta khó lòng có thể tin vào những lời nói đó.
“Trung Quốc như con bạch tuộc khổng lồ đang chọc thẳng cái vòi vào dạ dày của chúng ta để hút tất cả chất dinh dưỡng của đất nước này” – TS Trần Công Trục khẳng định.
Phải chăng theo ông những lời nói, việc làm của Trung Quốc đều nằm trong toan tính, âm mưu của họ?
Tại sao sau khi Trung Quốc gây ra những căng thẳng đó thì giờ đây họ lại nói như vậy? Theo cá nhân tôi, Trung Quốc rất “khôn” và họ có thủ đoạn, bởi vì họ đã đưa giàn khoan ra đó, đã cắm cọc để khoan, khi tất cả mọi thứ đã được ổn định, bây giờ họ không còn lo việc phải chọn vị trí này hay vị trí khác để đặt giàn khoan hay những vấn đề gì bức xúc nữa. Cho nên họ đưa lên một thông tin như vậy để đánh lừa dư luận, để mê hoặc dư luận, nhằm ru ngủ những ai vần còn tiếp tục tin vào những lời họ nói. Tôi cho rằng đó là một thủ đoạn.
Trước rất nhiều những sự kiện xảy ra từ trước đến nay, những thủ đoạn đó có lẽ chúng ta không còn ngỡ ngàng. Truyền thống của Trung Quốc là trước khi gây ra một việc gì đó thì họ thường có một cái cớ, một lý do nào đó để đổ tội cho các nước trong khu vực. Ví dụ như họ nói rằng “các nước” trong khu vực đã không tuân thủ DOC, đã tiến hành thăm dò khai thác “tài nguyên của Trung Quốc”, “gây thiệt hại cho Trung Quốc” và “Trung Quốc không thể chấp nhận được”…. nhưng thực tế là ngược lại.
Khi Trung Quốc bắt đầu gây chuyện thì ngay lập tức họ đổ lỗi cho người bị hại. Hành động ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc gặp Đại sứ quán của Việt Nam bên Bắc Kinh nói rằng đây là hoạt động thông thường của Trung Quốc, Việt Nam chủ động gây ra sự xung đột và cảnh báo rằng rất nguy hiểm và hành động đó Trung Quốc không thể tha thứ… rồi sau đó có những lời lẽ đe dọa. Đấy là cái cách rất lươn lẹo của Trung Quốc mà chúng ta đã thừa hiểu.
Khi Trung Quốc bắt đầu gây chuyện thì ngay lập tức họ đổ lỗi cho người bị hại. Hành động ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc gặp Đại sứ quán của Việt Nam bên Bắc Kinh nói rằng đây là hoạt động thông thường của Trung Quốc, Việt Nam chủ động gây ra sự xung đột và cảnh báo rằng rất nguy hiểm và hành động đó Trung Quốc không thể tha thứ… rồi sau đó có những lời lẽ đe dọa. Đấy là cái cách rất lươn lẹo của Trung Quốc mà chúng ta đã thừa hiểu.
Nhân chuyện này, tôi cũng xin nói, sở dĩ lần này Trung Quốc có quyết tâm tiến hành một bước tiến mới, rất cụ thể mà tôi đã từng ví Trung Quốc như con bạch tuộc khổng lồ đã chọc thẳng cái vòi vào dạ dày của chúng ta để hút tất cả nguồn sống của đất nước Việt Nam.
Đó là một bước tiến mới được Trung Quốc tiến hành, trong bối cảnh thực hiện chiến lược trên nhằm chia rẽ các nước trong khu vực, trong từng nội bộ quốc gia, trong nội bộ khu vực, thậm chí là cả thế giới.
Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “bẻ từng chiếc đũa”, trong cả bó đũa trên mặt trận tuyên truyền, các biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế, nay họ thực hiện trên cả hành động thực tiễn. Ví dụ sự kiện Scarborough cách đây 2 năm thì rõ ràng Trung Quốc đã chọn một vị trí không liên quan đến quyền lợi của nhiều nước ở trong khu vực Biển Đông cho nên sự phản ứng của các quốc gia trước sự việc đó nó cũng có những chừng mực, thậm chí có những người bàng quan quay lưng lại và cuối cùng, Trung Quốc đã đạt được mục đích như chúng ta đã biết.
Bây giờ, khi họ tiến hành bước tiến rất mới và nguy hiểm này, Trung Quốc cũng chọn những vị trí mà không hề liên quan gì đến các nước trong khu vực Đông Nam Châu Á mà chỉ liên quan đến Việt Nam. Rõ ràng đây là cách tính toán nhằm cô lập đối thủ của mình. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Ông có bình luận gì về câu nói: “Trung Quốc thường hay nói một đằng làm một nẻo”?
Thực tế những động thái, những hoạt động của Trung Quốc từ trước đến nay mà liên quan đến vấn đề Biển Đông thì đúng là họ nói một đằng làm một nẻo.
Họ nói rằng, Trung Quốc muốn hòa bình và thân thiện với tất cả các nước và muốn phát triển một cách hòa bình. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng sẵn sàng ngồi tham vấn, đàm phán. Thậm chí, trên thực tế những lời nói đó có thể mê hoặc một số người.
Nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc cũng bắt đầu xuống thang, muốn ngồi vào đàm phán thì chắc là tình hình Biển Đông không còn nóng nữa. Nhưng trong thực tế thì hoàn toàn trái ngược và đặc biệt nó là một câu trả lời hết sức rõ ràng, mạnh mẽ, làm cho những người còn mơ hồ cảm thấy ngạc nhiên.
Còn đối với những người nghiên cứu, có một sự suy ngẫm một cách đúng mức thì chắc là không ngạc nhiên vì đây là kết quả logic, một kết quả tất yếu, một hành động tất yếu mà Trung Quốc đã trù tính.
Sau khi xem đoạn video clip mà Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp và đối chiếu với những gì mà Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc nói, ông có đánh giá gì về sự trơ trẽn của Trung Quốc?
Thực sự, cá nhân tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay cho Trung Quốc. Hành động phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ, rồi hung hăng đâm thẳng vào con tàu Việt Nam, hành động đó mặc dù không phải là tiếng súng nổ của khẩu đại bác nhưng đấy rõ ràng là dùng sức mạnh, một hành động cường quyền dưới một hình thức mới. Điều đó đã có thể vạch rõ cái trơ tráo, trơ trẽn của Trung Quốc, làm cho dư luận không chỉ là người Việt Nam mà cả thế giới còn bất bình.
Tôi cho rằng, nếu những người nào nhìn thấy điều đấy thì chắc chắn họ không thể chấp nhận được hình ảnh một đất nước có nền văn minh lâu đời và phát triển mạnh mẽ như vậy mà lại có hành động như thế. Đây là điều đáng tiếc, tôi cảm thấy hổ thẹn thay cho họ.
Hình ảnh tàu Trung Quốc chủ động phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Mưu đồ của Trung Quốc là bất ngờ tiến ba bước sau đó khi có phản ứng gay gắt thì họ lùi hai bước và họ “lãi” một bước. Vậy vụ giàn khoan trái phép lần này, họ có chơi chiêu bài này hay không, thưa ông?
Thì các bạn biết rồi đấy, chính tuyên bố của Thứ trưởng Bộ ngoại giao chưa hẳn là lùi vì hôm nay tôi được biết họ vẫn không dừng những hoạt động đó. Đấy là dấu hiệu cho thấy họ chưa hẳn đã lùi một bước, thậm chí chưa lùi nửa bước.
Việt Nam sẽ phải làm như thế nào đối với chiến thuật có quy mô và có tiền lệ như thế?
Đấy là một câu hỏi lớn không chỉ của riêng chúng ta mà còn đối với tất cả mọi người. Chúng ta đều phải trăn trở suy nghĩ, nhất là những người đảm đương trọng trách của đất nước. Theo tôi nghĩ, trước hết Việt Nam cần tuân thủ những gì mà chúng ta đã làm.
Như thời gian vừa rồi cho thấy, tuyên bố, công hàm, về họp báo cũng như tăng cường công tác truyền thông tất nhiên động cơ của chúng ta rất thiện chí và vẫn giữ bình tĩnh, kiềm chế để đưa sự thật này rõ ràng hơn, để chúng ta có được những xử lý đúng đắn hơn thông qua phương pháp ngoại giao mà các lãnh đạo của chúng ta đã từng công khai, minh bạch.
Mặt khác, trước sự uy hiếp từ phía Trung Quốc như vậy, các lực lượng của chúng ta cũng nên có những sự tính toán cụ thể để đối phó. Lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước chúng ta đã từng có những giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Những bài học lịch sử mà cha ông để lại nhằm đối phó với những thủ đoạn, những sự vi phạm toàn vẹn các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chúng ta không nên quên đi bài học lịch sử đó.
Và theo tôi, sự kiên trì của chúng ta cũng phải có giới hạn và chúng ta phải giành lấy sự tự vệ chính đáng. Cuộc sống của nhân dân ta dù còn nhiều khó khăn song nhà nước vẫn phải bóp bụng, tiết kiệm để mua thêm trang bị như máy bay, tàu ngầm, các phương tiện vú khí để tự vệ. Đấy là những cái không phải chỉ để trưng bày, triển lãm mà chúng ta cần sử dụng khi cần thiết để tự bảo vệ khi đất nước lâm nguy.
Xin cảm ơn ông!
BDN