Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÂm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc thất bại sau việc...

Âm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc thất bại sau việc nước này hạ đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền

BienDong.net: Để dễ dàng gây sức ép trong đàm phán với các nước về vấn đề Biển Đông, từ lâu Trung Quốc đã tìm mọi cách chia rẽ ASEAN.

Tuy nhiên, việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981, hung hăng tấn công các lực lượng chức năng Việt Nam trong vùng biển chủ quyền Việt Nam đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực và an toàn hàng hải quốc tế tại Biển Đông. Điều này làm cho ASEAN đoàn kết hơn.

 

Các nhà lãnh đạo ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar

Ngày 11/5/2014, tại Nay Pyi Taw, Myanmar, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, huy động nhiều tàu dân sự, tàu chiến và máy bay hung hăng tấn công các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh, an toàn hàng hải quốc tế tại khu vực. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp ở Biển Đông, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực đoàn kết giải quyết các mối đe dọa chung mang tính khu vực và quốc tế của ASEAN. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc khá thành công trong việc chia rẽ ASEAN phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông, thậm chí có thời điểm (năm 2012) chủ tịch luân phiên ASEAN còn có những hành động bỏ qua lợi ích các nước thành viên, ủng hộ quan điểm vô lý của Trung Quốc liên quan đến vấn đề bãi cạn Scarborough, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín và đe dọa sự tồn tại vững mạnh của ASEAN. Ông David Brown, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á lúc đó từng đánh giá: vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2012 thực sự là một thảm họa.

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN – 24 về tình hình Biển Đông nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo đó, chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông, đã được Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra ngày 10/5/2014”.

 

Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Trả lời báo chí trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN – 24, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nêu rõ việc Trung Quốc hạ giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và cho tàu đâm vào tàu của Việt Nam trên Biển Đông là hết sức nghiêm trọng. Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cần hoàn thành gấp Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong tương lai gần, Tổng Thư ký Lê Lương Minh hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu tham vấn về nội dung COC. “Đến nay, chúng tôi có ba vòng tham vấn chính thức, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể bắt đầu tham vấn thực chất. ASEAN cần thúc đẩy công việc để Trung Quốc cam kết vì sự phát triển, nhằm sớm có COC”, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho hay.

 

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu Việt Nam

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết…”.

 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino

Về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Henry Bensurto, Bộ Ngoại giao Philippines chia sẻ: “Bằng cách nói rất thẳng thắn, Thủ tướng của các bạn đã trình bày thẳng thắn, rõ ràng và thực tế. Đó là điều rất tốt vì nó cho mọi người thấy bức tranh thực tế những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Trong một thời gian dài có một số nhóm luôn tuyên bố như thể Biển Đông không có vấn đề gì cả. Cuối cùng thì lập luận này đã bị bác bỏ bởi bài phát biểu của thủ tướng Việt Nam và bởi tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN. Tôi nghĩ đây là bước đầu tiên nhưng hết sức quan trọng theo hướng để có thể giải quyết thấu đáo tình hình ở Biển Đông”. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng cho biết, mặc dù không phải tất cả thành viên ASEAN đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng vấn đề này liên quan chặt chẽ đến an ninh khu vực nên không thể giải quyết một cách hiệu quả thông qua đối thoại giữa hai nước. Từ đó, Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN cùng đối phó với mối đe dọa từ tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono

Bày tỏ sự cảm thông với Việt Nam, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nêu rõ “Chúng ta lập trường kiên định để nhắc nhở rằng bất kỳ nước nào cũng không nên sử dụng sức mạnh quân sự, không nên sử dụng ngoại giao pháo hạm ví dụ như ở Biển Đông. Đây quan điểm của tôi và cũng là sức mạnh của chúng ta trong ASEAN. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nêu rõ “Chúng ta sẽ không để các thế lực bên ngoài định đoạt các vấn đề trong nước: về dân chủ, về nhân quyền, hay bất cứ điều gì khác, ngay cả khi đó là những giá trị phổ quát mà chúng ta phải tôn trọng theo Hiến chương ASEAN… ”.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng nhấn mạnh phải giải quyết căng thẳng trên Biển Đông một cách bình tĩnh và hợp lý. Thủ tướng Najib Razak khẳng định ASEAN cần có quyết tâm chung tay giải quyết vấn đề “nếu muốn tiếp tục là một tổ chức đáng được tôn trọng”. Thủ tướng Najib Razak nêu rõ “Tinh thần và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế là nền tảng cho chúng ta trong việc tìm kiếm giải pháp đối với những tranh chấp này”. Thủ tướng Najib Razak cho rằng giải pháp cho vấn đề Biển Đông nên đạt được thông qua đàm phán và tạo ra một môi trường thuận lợi.

 

Thủ tướng Singapore: An ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Biển Đông

Trước hành động tự ý hạ đặt gian khoan của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng việc làm này của Trung Quốc xảy ra ngay tại cửa ngõ của ASEAN, nên cần phải có quan điểm rõ ràng “vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này” và rằng “một ASEAN chia rẽ sẽ làm suy yếu uy tín của chúng ta và liên quan đến thế giới”. “Đó cũng là lý do vì sao các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua tuyên bố và đó cũng là quan điểm nhất quán, lâu dài mà Singapore vẫn thường thể hiện”. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các xung đột trên biển có thể leo thang, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng do đó căng thẳng bùng phát gần đây ở Biển Đông như một hồi chuông cảnh báo và các nhà lãnh đạo nên hỗ trợ chính trị mạnh mẽ để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

BDN (Tổng hợp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới