Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG XÂM LƯỢC CỦA TRUNG...

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Trong những ngày qua, quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HY – 981) và hàng chục tàu các loại, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh vào hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam. Có thể thấy đây là lần đầu tiên Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy.

Hành động hiếu chiến của Trung Quốc thể hiện rõ qua những video clip được công bố về hình ảnh các tàu của Trung Quốc đã tấn công các tàu dân sự của Việt Nam; chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam; phun vòi rồng áp lực cao vào các tàu của Việt Nam làm hư hại nhiều tàu và gây thương tích.

Trước hành động hiếu chiến của Bắc Kinh, lần đầu tiên Liên hợp quốc lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông Ông Farhan Haq, Người phát ngôn của Liên hợp quốc phát biểu: “Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế ở mức cao nhất và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc”. Ngay sau khi thông báo chính thức của Liên hợp quốc được đưa ra, phóng viên báo chí quốc tế như Shimbun và Kyodo của Nhật, hay Itar Tass của Nga đã đồng loạt lên tiếng quan tâm về vấn đề này. Các báo ngay lập tức đã đặt ra câu hỏi về vai trò cũng như cách giải quyết của Liên hợp quốc như thế nào đối với những căng thẳng hiện nay. Đặc biệt là Liên hợp quốc có quan điểm gì về hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặc dù người phát ngôn của Liên hợp quốc không trả lời cụ thể vào những câu hỏi, song những câu hỏi của các phóng viên cho thấy căng thẳng tại Biển Đông đã thực sự là vấn đề nổi cộm được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam đe dọa hòa bình, ổn định, tự do an ninh an toàn hàng ở Biển Đông, Liên minh Châu Âu cũng đã lần đầu tiên ra Tuyên bố về Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ “Chúng tôi quan ngại về những sự cố gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến sự di chuyển của giàn khoan HY – 981. Liên minh Châu Âu đặc biệt quan ngại trước những hành đọng đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh khu vực như đã được thể hiện rõ ràng trong báo cáo về những va chạm gần đây giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc”. Tuyên bố kêu gọi các bên thực thi những biện pháp giảm thiểu leo thang và kiềm chế hành động đơn phương có thể gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HY – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam làm cho vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề chính của Hội nghị cấp cao ASEAN trong ngày 11/5/2014. Sau 20 năm kể từ năm 1995, lần đầu Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra một Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông trong ngày 10/5/2014. Ngoại trưởng các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc diễn ra trên Biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực. Các Ngoại trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Động thái mới này thể hiện sự đồng thuận cao hơn trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông nói chung và trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc nói riêng.

Chính hành động hiếu chiến của Trung Quốc đã làm cho các nước ASEAN thấy rõ hơn “bộ mặt” thật của Bắc Kinh trong quan hệ các nước láng giềng và nhận thấy rằng cần phải đoàn kết hơn để ngăn chặn hành động quá khích của Trung Quốc.

Ba cái lần đầu tiên kể trên cho thấy sự nguy hiểm trong các hành động của Trung Quốc đe dọa đến hòa bình ổn định, khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Đúng là “gieo gió ắt phải gặp bão”, nhà cầm quyền ở Bắc Kinh phải hứng chịu sự phản đối, lên án của Quốc tế vì chính những hành vi của họ. Theo nhận định của ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) Mỹ thì “Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và nếu Trung Quốc không chấm dứt những hành động này thì sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới