Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiàn khoan HD-981 (Kỳ 2): Học giả Châu Âu làm rõ sự...

Giàn khoan HD-981 (Kỳ 2): Học giả Châu Âu làm rõ sự nguy hiểm của Trung Quốc

BienDong.net: Theo các học giả Châu Âu, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là hết sức nguy hiểm, thách thức nghiêm trọng đối với khu vực và Trung Quốc cần chấm dứt hành động này sớm.

alt

Tàu 46001 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam

* Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là bước leo thang căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải quốc tế tại Biển Đông.

alt

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học D.Mosyakov tại Hội thảo Biển Đông do trường Đai học Tổng hợp St.Peterburg tổ chức năm 2014

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học lịch sử Dmitri Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Châu Úc và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga trong các bài viết của mình đăng trên tạp chí “Tổng quan Đông phương mới” và tạp chí “Thế giới đa cực” đã gọi hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển chủ quyền Việt Nam là “quyết định đi tiếp con đường thúc đẩy leo thang căng thẳng” trong khu vực. Theo Giáo sư Dmitri Mosyakov, việc đưa giàn khoan khổng lồ Hải dương 981 ra khu vực này dưới chiêu bài “hoạt động nghiên cứu dầu khí” là một bước tiếp theo trong chiến lược dần khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. Theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 thì khu vực Trung Quốc tự tuyên bố thuộc lãnh hải Trung Quốc và hạ giàn khoan HD981 thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhà chính trị học Grigory Lokshin, Nga cho biết, “vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong cuộc đàm phán tại Hà Nội. Hai bên đã thành lập các nhóm làm việc chung, ở Vịnh Bắc Bộ đã mở rộng khu vực thăm dò và khai thác chung các mỏ tài nguyên phát hiện ở đây. Và đột nhiên, công ty dầu khí Trung Quốc đã đặt giàn khoan nước sâu (giàn khoan duy nhất được xây dựng ở Trung Quốc) nằm ở cửa ngõ vào Đà Nẵng. Hành động này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp việc Trung Quốc đã ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các quốc gia ven biển”.

Trong bài viết mới đây, Giáo sư kinh tế Anosova, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga, cũng nêu rõ hành động của Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Bài báo còn trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế có chung quan điểm về sự xâm phạm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đồng thời nhắc đến Dự thảo Quy tắc ứng xử Biển Đông năm 2013 tại Brunei mà Trung Quốc đã nhất trí cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc đã không giữ lời.

alt

Quang cảnh hội thảo “Vai trò của Italia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”

Ngày 7/5/2014, tại Hội thảo “Vai trò của Italia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng và Bộ Ngoại giao Italia phối hợp tổ chức tại Rome, sau khi nghe những diễn biễn mới nhất về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án hành động trên của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải trong khu vực. Một số đại biểu cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

* Trung Quốc lợi dụng hạ đặt giàn khoan để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, thăm dò phản ứng các nước, hành động này thách thức nghiêm trọng đối với khu vực và Trung Quốc cần chấm dứt sớm.

alt

Tướng Daniel Schaeffer – nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp đồng thời là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông nhận định: bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Theo Tướng Daniel Schaeffer, hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.

Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và chính trị Đức (SWP) cho rằng hành động của Trung Quốc “là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết”. Ông khẳng định hành động này không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với vùng biển của Việt Nam, thể hiện chính sách cường quyền thông qua các hành động như chiếm đảo, tăng cường quân sự… trong suốt 30 năm qua. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Will cũng cho rằng căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như không phục vụ lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Ông Anton Svetov, nhà Việt Nam học, chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga cho rằng Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ. Trung Quốc muốn dò xem có thể tiến được bao xa nữa trong cuộc chơi “khoe cơ bắp” và qua đó đánh giá tính hiệu quả của hệ thống an ninh khu vực. Trên thực tế, mỗi cuộc đụng độ là một lần kiểm tra của Trung Quốc. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của mỹ với các đồng minh và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN. Sau các lần gây hấn trước đây không bị đáp trả bằng hành động tập thể, Bắc Kinh tự cho rằng có thể tiếp diễn hành động này và đi xa hơn. Theo ông Svetov, các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã nói lên tất cả.

alt

Ông Edward Schwarck – Giám đốc Chương trình Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI). Ảnh: TTXVN

Ông Edward Schwarck, Giám đốc Chương trình Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD – 981 trong vùng biển của Việt Nam là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực. Thời điểm Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan rất đáng chú ý. Nó xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du đến Đông Á, nơi ông Obama đã đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ về an ninh, như những đảm bảo về an ninh cho Nhật Bản, hay một thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines. Như vậy, quyết định của Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông xét ở khía cạnh nào đó có thể là một phản ứng theo kiểu “vỗ mặt” Chính quyền Washington nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh không bị ngăn cản bởi những cam kết an ninh của Mỹ và Trung Quốc cũng muốn khẳng định rằng họ vẫn duy trì khả năng đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang tùy theo ý định của mình.

Giáo sư Dmitri Mosyakov cho rằng, trong tình hình phức tạp hiện nay, Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, kiên trì thuyết phục Trung Quốc. Các hành động của Trung Quốc không chỉ làm phức tạp thêm tình hình mà còn đi ngược lại với các kế hoạch xây dựng quan hệ hợp tác và hữu nghị của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Hành động hiện nay của Trung Quốc đang dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột với Việt Nam, sẽ vấp phải sự phản đối và quan ngại của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đẩy các nước này đi theo chính sách thân Mỹ và điều này hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc. Theo ông Dmitri Mosyakov, giải pháp hợp lí nhất hiện nay là Trung Quốc chấm dứt các hoạt động nghiên cứu, thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp cho đến khi vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được giải quyết. Ông Dmitri Mosyakov nhấn mạnh lịch sử cho thấy, Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình. Trách nhiệm về việc có đẩy tình hình phức tạp hiện nay đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang hay không hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới