Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHẠ ĐẶT GIÀN KHOAN TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM, TRUNG QUỐC LÀ...

HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM, TRUNG QUỐC LÀ KẺ ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN

BienDong.Net: Tháng 5, báo hiệu mùa hạ đã sang, với những cái nóng đầu mùa oi bức. Nhưng có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, cái nóng mùa hạ không thể bằng cái nóng đang hiện hữu trong tâm can họ, khi mà Trung Quốc ngang nhiên đem cái giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou 981 (HY – 981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để tính khoan dầu tại nơi đây.

Người Việt Nam vốn hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, không quên những ký ức đau đớn của những năm tháng chiến tranh, chia cắt… nhưng không thể không căm giận và phẫn nộ trước hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc, bởi đó là hành động ăn cướp thô bạo, trắng trợn, bất chấp đạo lý, quay lưng lại với những nốt son trong lịch sử quan hệ hai nước.

Tại sao nói Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HY – 981 trong vùng biển Việt Nam là hành động ăn cướp? Bởi nó được hạ đặt tại tọa độ mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – những vùng biển mà Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán, và đã được luật pháp quốc tế công nhận trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982, mà Việt Nam đã là một trong 166 thành viên của Công ước này từ năm 1994. Không những thế, Việt Nam nội luật hóa những quyền này trong các văn bản pháp lý của mình. Nói hành động của Trung Quốc là ăn cướp là bởi, Bắc Kinh biết rất rõ việc mình làm, nên Bắc Kinh đã chuẩn bị cả một đội tầu chấp pháp, tầu quân sự hùng hậu, lớp trong lớp ngoài, có lúc lên đến 90 chiếc, bao bọc lấy HY – 981, và để bảo vệ hoạt động phi pháp của HY – 981 trong vùng biển Việt Nam, tầu Trung Quốc đã chủ động phun vòi rồng, đâm trực diện vào các tầu của Việt Nam, gây thương vong về người và thiệt hại về vật chất. Hành động đó của Trung Quốc được coi là ăn cướp, bởi nó làm người ta nhớ lại cái thời “hồng hoang” của luật pháp quốc tế, vào thế kỷ 15, khi biển và đại đương còn là vô chủ, và Giáo Hoàng Alexandre VI ký sắc lệnh ngày 4/5/1493, đơn giản chia đại dương cho hai cường quốc biển lúc bấy giờ là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cái thời “cá lớn nuốt cá bé” trên biển.

Ấy vậy mà, Bắc Kinh còn tỏ ra “ngạc nhiên, kinh ngạc” khi thấy tầu Việt Nam xuất hiện ngăn cản hoạt động “bình thường” của Trung Quốc trong “vùng biển do Trung Quốc quản lý”, khi thấy người Việt Nam phản ứng mạnh mẽ với hành vi ăn cướp ấy. Thật là “vừa ăn cướp vừa la làng” – luận điệu của kẻ tự cho là mình mạnh để có thể đủ sức viết lại luật pháp quốc tế, vẽ lại bản đồ thế giới! Kẻ cho rằng mình muốn làm gì thì làm, bất chấp sức mạnh của cả cộng đồng quốc tế, bất chấp dư luận bất bình của quốc tế.

Xét cho cùng, quan hệ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế, về bản chất là quan hệ giữa các dân tộc với nhau, giữa con người với nhau. Trong mối quan hệ đó người ta phải hành xử có lý có tình, hợp với lẽ đời, và tính đến lợi ích của nhau. Không thể vì lợi ích của dân tộc mình, mà cướp đi không gian sinh tồn của dân tộc khác. Không thể vì thế mà hăm dọa, đe nẹt hay khiêu khích dân tộc khác, dồn dân tộc khác vào “góc tường” vì những toan tính ăn cướp của mình. Và xét cho cùng thì giữa con người với nhau còn cái liêm sỉ. Bằng những hành động bạo ngược diễn ra trong vùng biển Việt Nam trong những ngày qua, có thể thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi cho phép đặt giàn khoan thăm dò dầu khí cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, đã không hề đếm xỉa đến cái liêm sỉ của dân tộc mình, một nước Trung Quốc lớn, một dân tộc Trung Hoa vĩ đại – theo cách nhìn của các dân tộc khác.

Gieo gió ắt phải gặt bão. Hành động ăn cướp của Trung Quốc bị cả thế giới lên án mạnh mẽ, từ khắp Đông sang Tây, từ Châu Âu sang Châu Á… và ngay cả trong lòng Trung Quốc. Đó là tiếng nói lo ngại sâu sắc về hành vi ăn cướp này của Trung Quốc, là lời cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Hình ảnh một nước Trung Hoa đang trỗi dậy hòa bình giờ được thay thế bằng một nước Trung Hoa hung hăng, ngang ngược, chuyên khiêu khích và gây mất ổn định. Và còn hơn thế nữa là lời cảnh báo về những thay đổi có thể trong đối sách, chiến lược, những ý định liên mình liên kết… của các quốc gia khác nhằm đối phó với một Trung Quốc hung hăng mà lẽ ra nếu không có sự kiện HY – 981, người ta chưa nghĩ đến.

Lịch sử quan hệ Việt – Trung là chuỗi những biến động, thăng trầm. Biết bao dẫn chứng trong lịch sử cho thấy Trung Quốc chỉ là kẻ đi ăn cướp, kẻ phản bội và bán đứng lợi ích của người Việt Nam mà thôi. Việt Nam từng bị các đề chế phương Bắc đô hộ suốt hơn 1000 năm lịch sử. Việt Nam đã từng bị Trung Quốc, lợi dụng vị trí là một nước “anh em” với việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người lãnh đạo Trung Quốc đã tự cho phép mình đàm phán trực tiếp với Pháp để thoả thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương năm 1954 để rồi Việt Nam phải chấp nhận đất nước bị chia cắt 20 năm. Việt Nam đã từng bị Trung Quốc đàm phán, mặc cả trên lưng với Mỹ năm 1972 để đổi lấy việc Mỹ rút hết lực lượng quân sự ra khỏi Đài Loan. Việt Nam từng bị Trung Quốc lợi dụng lúc đang còn chiến tranh để chiếm đoạt bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Rồi chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, rồi sự kiện năm 1988 Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam một số đảo, đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam… và biết bao sự kiện lịch sử khác nữa.

Hẳn mọi người con nhớ câu chuyện Triệu Đà sai con là Trọng Thủy sang cầu thân với Mỵ Châu, con gái vua An Dương Vương, rồi tìm cách lấy trộm nỏ thần của An Dương Vương, đi đến kết cục là đất nước Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà. Tuy đó chỉ là câu chuyện cổ tích thôi, nhưng chứa đựng bài học cảnh giác từ ngàn xưa mà ông cha chúng ta muốn truyền lại để nhắc nhở con cháu. Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua anh minh của người Việt Nam xưa, đã từng lãnh đạo người Việt Nam đánh thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288). Ông đã để lại di chúc với những lời tâm huyết cho con cháu đời sau: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho rằng cái quyền nói một đằng làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Đôi điều suy ngẫm, mạn đàm trong những ngày tháng 5 Biển Đông dậy sóng. Dậy sóng trên vùng biển của Việt Nam và dậy sóng trong lòng người Việt Nam. Thiết nghĩ cũng là những điều đáng để chúng ta chiêm nghiệm.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới