Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ giúp đặt tranh chấp Biển Đông lên bàn nghị sự ASEAN

Mỹ giúp đặt tranh chấp Biển Đông lên bàn nghị sự ASEAN

Mỹ muốn đặt tranh chấp trên Biển Đông trở thành trọng tâm trong lịch trình làm việc ngày 8/9 mặc dù nguyên thủ nhiều nước chỉ muốn “nhẹ nhàng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp ASEAN – Mỹ, một phần của thượng đỉnh ASEAN tại Lào ngày 8/9. Ảnh: Reuters

Tham dự hội nghị thượng định ASEAN ở Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đặt vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trở thành trọng tâm trong lịch trình làm việc của hội nghị trong ngày 8/9 mặc dù nguyên thủ nhiều nước khác lại chỉ muốn phản ứng “một cách nhẹ nhàng” với Trung Quốc trong vấn đề này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo rằng mọi tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình”, ông Obama nói trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hồi tháng 7 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông là “có tính ràng buộc, giúp làm rõ các quyền hàng hải ở khu vực”.

Ông Obama yêu cầu Trung Quốc tuân thủ pháp luật và không tiến hành các biện pháp đơn phương có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng.

Tổng thống Obama nói rằng Mỹ muốn tham gia cùng với các nước Đông Nam Á giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao cũng như sự ổn định của khu vực.

Cùng ngày, tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) có sự tham gia của các nước ASEAN và Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Trung tổ chức vào tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông.

Trước đó, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh tính quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp phải dựa trên luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên đương sự bao gồm Trung Quốc và Philippines cần tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã phủ nhận lập trường của Trung Quốc liên quan tới “đường chín đoạn” tại Biển Đông.

Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29, tại các cuộc hội đàm riêng rẽ với các nước như Philippines, Lào, Australia, Việt Nam… ông Abe kêu gọi các nước đoàn kết, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết từ  PCA.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan, lãnh đạo các nước đã chia sẻ mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông;

Đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả ở Biển Đông.

Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại Biển Đông. Thủ tướng khẳng định đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có thực hiện hiệu quả DOC và không tiến hành các hoạt động quân sự hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các bên cần thể hiện thiện chí và quyết tâm chuyển sang giai đoạn mới để đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển.

Điều quan trọng là các bên tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Thủ tướng cũng cho rằng thực tế hiện nay đòi hỏi đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và ngoại giao phòng ngừa trên biển, nhất là thực hiện hiệu quả DOC và sớm thông qua COC trong năm 2017; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trên các lĩnh vực được các bên nhất trí.

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Tài liệu Hướng dẫn vận hành Đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc về các tình huống khẩn cấp trên biển và Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông. Hy vọng các biện pháp này sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng lòng tin và ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông.

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các đối tác tiếp tục có những đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, tăng cường hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực xử lý các vấn đề trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới