BienDong.Net: Tiếp theo Thủ tướng Nhật Bản, hôm 31/5 phát biểu tại đối thoại Shangri – La lần thứ 13, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng tố cáo mạnh mẽ Trung Quốc đang có «những hành động đơn phương gây bất ổn» tại Biển Đông đồng thời cảnh báo Washington sẽ không thụ động nếu trật tự thế giới bị đe doạ.
Theo RFI, trước sự có mặt của các đại diện quốc phòng nhiều nước Châu Á, trong đó có Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc tiến hành những hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền” trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: AFP
Nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh và những người bạn ở Châu Á, ông Hagel kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế.
Ông Hagel tố cáo Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi ngầm Scarborough, gây áp lực lên sự hiện diện của Manila trên bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), có hành động cải tạo đất đai tại nhiều vị trí và triển khai trái phép giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng “kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào đe dọa, ép buộc hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định những đòi hỏi chủ quyền.
“Mỹ sẽ giữ vững quan điểm trên khi những trật tự quốc tế cơ bản đang bị thách thức”, ông Hagel nói.”
Tại diễn đàn quan trọng này, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng tuyến bố ủng hộ chiến lược an ninh khu vực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho rằng Nhật Bản sẽ phải năng động hơn trong vai trò bảo vệ an ninh khu vực.
Người đứng đầu Lầu năm góc tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Nhật «bố trí lại kế hoạch Phòng Vệ Tập Thể theo chiều hướng năng động kiến tạo hòa bình và trật tự khu vực».
Cụ thể, Bộ trưởng Chuck Hagel cho biết Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản đã « bắt đầu xem xét lại các đường lối chỉ đạo chung » lần đầu tiên từ hai thập kỷ nay nhằm bảo đảm cho liên minh Mỹ – Nhật phát triển phù hợp với tình hình an ninh khu vực và nâng cao khả năng ứng phó của quân đội Nhật.
Theo sách lược «phòng vệ tập thể», quân đội Nhật không bắt buộc phải chờ đến khi bị đối phương tấn công trước mà có thể ra tay trước nếu một «đơn vị bạn» bị đe dọa.
Sam Roggeveen, chuyên gia phân tích tình báo Australia bình luận trên tờ The Interpreter rằng sức nóng đã tăng đáng kể tại Đối thoại Shangri – la trong phiên họp sáng 31/5 với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi ông gọi Biển Đông là “trái tim” khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và là “ngã tư của nền kinh tế toàn cầu” trước khi khẳng định các hành vi của Trung Quốc là đơn phương và gây mất ổn định trong khu vực.
Trung Quốc tố cáo Nhật và Mỹ ‘khiêu khích’
Theo RFI, trước những chỉ trích mạnh mẽ của Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đáp lại rằng phát biểu của bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ không có cơ sở, đồng thời tố ngược lại lời lẽ của ông Chuck Hagel là mang đầy nội dung «bá quyền, khiêu khích, hăm doạ» và không mang tính xây dựng.
Theo Vương Quán Trung, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã ‘phối hợp và khuyến khích’ nhau để tấn công Trung Quốc trong các bài phát biểu của họ.
Tướng Vương nói “không thể tưởng tượng” có thể nhận được “những lời chỉ trích không đáng có như thế chống lại Trung Quốc”.
Giới chức Trung Quốc cũng cho rằng ông Abe đã sử dụng “huyền thoại” về một mối đe dọa mang tên Trung Quốc để tăng cường chính sách an ninh của Nhật Bản.
“Chúng tôi rất lưu tâm đến các bình luận gần đây của lãnh đạo Nhật Bản, trong đó ông bóng gió nhắc đến các nước khác”, Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.
Ông Tần yêu cầu phía Nhật Bản “đối mặt với lịch sử, tôn trọng sự thật và không kích động thù hằn cũng như đánh lạc hướng dư luận”.
Trong phát biểu với phóng viên báo điện tử Dân Trí bên lề Đối thoại Shangri – La 2014, GS.Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng với việc đưa dàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tấn công các tàu chấp pháp và tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đang trong quá trình làm sống dậy chính sách ngoại giao pháo hạm và chính trị sức mạnh.
Trung Quốc đã đặt mình lên trên luật pháp quốc tế. Giờ đây, nước này hành động với tư cách vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trên sân đấu chủ quyền lãnh thổ., GS Thayer nói.
BDN