Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDùng công pháp quốc tế phá mưu Trung Quốc

Dùng công pháp quốc tế phá mưu Trung Quốc

BienDong.Net: Trong bài viết công bố trên BBC mới đây, Giáo sư – tiến sỹ luật Nguyễn Vân Nam, Đại học Humboldt, CHLB Đức, cho rằng vì mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát để tiến đến thôn tính Biển Đông, vì vậy Việt Nam phải dùng công pháp quốc tế để phá vỡ mưu đồ của Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài viết:

Cũng có một số ý kiến quốc tế cho rằng Trung Quốc tính già hoá non trên Biển Đông, và đang lộ ra nhiều điểm sai trái, kẽ hở.

Thật ra Trung Quốc có rất ít kẽ hở. Họ đã rào trước đón sau rất kỹ về mặt pháp lý để hầu như không thể bị kiện; đồng thời kiên định thực hiện chiến lược giải quyết tranh chấp song phương nhằm chủ động phòng ngừa những khả năng tiếp tục bị kiện.

Ngày 25/8/2006, Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS, không chấp nhận cả 4 cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp qui định tại Điều 287 khoản 1 UNCLOS đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều 298; cũng như loại trừ quyền tài phán của Tòa án biển quốc tế đối với toàn bộ tranh chấp liên quan đến chủ quyền các đảo.

Như vậy, thực tế Trung Quốc đã loại trừ hầu hết các loại tranh chấp trên Biển Đông ra khỏi quyền tài phán của một cơ quan tài phán quốc tế.

Song phương và hai Đảng

Những thoả thuận song phương với Trung Quốc rất nguy hiểm, vì họ có thể dùng nó để loại trừ các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Nguyên tắc tối cao của công pháp quốc tế là tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng sự thoả thuận giữa các nước, nên những thoả thuận song phương như vậy có khả năng và hiệu lực loại trừ những nghĩa vụ quốc tế mà một trong hai nước đã ký kết.

Tức là với một thoả thuận song phương, Trung Quốc có thể loại trừ được những điều mà họ muốn loại trừ, nhưng không thể hoặc chưa kịp loại trừ khi ký kết các thỏa thuận quốc tế.

Chẳng hạn, nếu Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận không sử dụng quân đội và vũ khí trong tranh chấp lãnh thổ, nghĩa là chỉ đồng ý không sử dụng một trong những hình thức sử dụng vũ lực thôi, thì điều đó sẽ loại trừ nghĩa vụ không được sử dụng vũ lực nói chung (không được sử dụng bất cứ hình thức vũ lực nào) theo Điều 279 UNCLOS và Điều 2 khoản 4 Hiến chương LHQ mà VN và TQ phải tuân thủ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể ép Việt Nam thực hiện những điều cam kết song phương với họ. Nhưng chính họ lại có thể không thực hiện, bởi trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, có những loại thỏa thuận song phương không có hiệu lực quốc tế chẳng hạn thỏa thuận giữa hai đảng Cộng sản và do đó họ không sợ bị phán xử.

Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, việc cần làm hiện này là phải đưa Trung Quốc vào một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương trong công pháp quốc tế.

Cơ hội cho mục tiêu lớn

Thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan vào là khá bất ngờ, khi mọi người có cảm giác tình hình có vẻ yên ổn. Nhưng đó có thể là phép thử đầu tiên xem phản ứng của Việt Nam và công luận quốc tế, để TQ thu thập và đánh giá đầy đủ thông tin cần thiết cho những bước nghiêm trọng tiếp theo.

Cho nên, mục tiêu của Việt Nam không thể chỉ là đuổi giàn khoan xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam đạt được các mục tiêu lớn hơn. Buộc Trung Quốc vào một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương, đó là mục tiêu quan trọng đầu tiên.

Mục tiêu thứ hai là bẻ gãy sự tự tin ngạo mạn kiểu Trung Quốc, khiến họ phải thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Mục tiêu thứ ba là phòng vệ chủ động. Khi Trung Quốc bị buộc phải tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp của toà án quốc tế, họ sẽ không thể dùng vũ lực được nữa.

Theo Hiến chương Liên hiệp quốc và UNCLOS, khi toà án đang thụ lý giải quyết tranh chấp, các bên có nghĩa vụ không được làm tình hình nghiêm trọng hơn. Nghĩa là với đơn kiện như vậy, Trung Quốc bị buộc không được dùng vũ lực hoặc các mưu mô khác có khả năng làm hiện trạng bị tồi tệ thêm.

Theo Điều 287 khoản 1 UNCLOS khi xẩy ra tranh chấp, các nước thành viên có thể chọn bốn cơ quan tài phán: Toà án quốc tế ở Hà Lan (International Court of Justice, ICJ); Toà án luật biển quốc tế (International Tribunal for the Law of the Sea, ITLOS) ở Hamburg, Đức; Toà trọng tài theo phụ lục 7 của UNCLOS; và Toà trọng tài theo phụ lục 8 cho những tranh chấp đặc biệt.

alt 

Các đại biểu quốc tế thăm tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin khi đang hoạt động nghề cá tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 3/2013 (ảnh BienDong.Net)

Mới nghe thì rất dễ, nhưng không hề đơn giản: Toà ICJ ở Hà Lan chỉ có thẩm quyền xét xử nếu được cả hai bên cùng công nhận thẩm quyền.

Về nguyên tắc, các nước ký UNCLOS đều chịu phán quyết của toà án luật biển quốc tế. Nhưng mỗi nước khi ký UNCLOS đều có quyền tuyên bố bảo lưu, không chấp nhận thẩm quyền phán xử của toà án quốc tế trong những lĩnh vực nhất định. Đây là trường hợp của Trung Quốc với tuyên bố bảo lưu hợp lệ theo Điều 298 UNCLOS.

Do đó, trước tiên, đơn kiện của Việt Nam phải không lọt vào vùng loại trừ của Trung Quốc. Thứ hai, đơn kiện này phải được một cơ quan tài phán quốc tế dễ dàng chấp nhận. Đây là cái khó, nhưng có giải pháp.

Việt Nam phải kiện Trung Quốc vi phạm một nghĩa vụ căn bản của thành viên Liên Hiệp quốc mà Trung Quốc không thể loại trừ. Đó chính là khoản 4 điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc và điều 279 UNCLOS.

Các điều khoản này đều nhấn mạnh rằng các nước thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà bình, không được sử dụng vũ lực, và nghĩa vụ này không bị loại trừ bởi bất kỳ tuyên bố nào.

Thế nào là sử dụng vũ lực (use of force) trong quan hệ quốc tế, thì vẫn còn tranh cãi. Và bởi vì còn tranh cãi, nên cần phải có cơ quan tài phán quốc tế độc lập. Đó chính là thuận lợi cho Việt Nam. Các hành vi sử dụng vũ lực này là dùng tàu hải giám, hải cảnh, tuần ngư… thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc phá hỏng, đánh chìm tàu Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn là tàu của Trung Quốc đã gây thương tích cho con người.

Như vậy, chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực vi phạm khoản 4 điều 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều 279 UNCLOS ra toà án luật biển quốc tế. Nội dung kiện này không nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc. Họ có thể không đồng ý.

Nhưng theo quy định của UNLOS, nếu một bên không đồng ý thì phải chuyển qua toà trọng tài theo phụ lục 7. Toà trọng tài này sẽ không thể tuyên là việc sử dụng vũ lực không thuộc thẩm quyền xét xử của mình, bởi đó là nghĩa vụ căn bản mà Trung Quốc không thể loại trừ.

Ngoài kiện kết tội, Việt Nam còn có thể khởi kiện yêu cầu xác định hành vi. Đó là yêu cầu toà án luật biển quốc tế khẳng định hành vi tàu Trung Quốc đâm vào làm hư hỏng tàu Việt Nam, gây thương tích cho người Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực.

Trong đó, đặc biệt là yếu tố đã gây tổn thương đến con người. Đây là trường hợp lý giải và áp dụng UNCLOS thuộc thẩm quyền của toà án luật biển. Ở nước ngoài, kiểu kiện yêu cầu toà án khẳng định một hành vi, một sự việc như vậy khá phổ biến (kiện không có bị đơn).

Để giải quyết, toà sẽ phải mời Trung Quốc, nhưng không phải trong tư cách bị đơn. Và như thế, họ vẫn bị buộc phải tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương.

Đây là một giải pháp khởi kiện tốt nhất, vì khả năng thắng lợi rất cao và đặc biệt là không làm Trung Quốc mất mặt. Sau khi toà ra phán quyết hành vi vũ lực của Trung Quốc, nếu thấy cần thiết, chúng ta có thể sẽ tiếp tục khởi kiện kết tội họ.

Cũng có khả năng dù toà phán quyết thế nào, Trung Quốc vẫn cậy thế nước lớn, không chấp nhận và cứ làm theo ý chí của mình. Nhưng với việc khởi kiện, Việt Nam đã đập nát sự tự tin của họ, buộc họ phải bị động thay đổi chiến lược, chứ không thể hoàn toàn hành động ngang ngược, trâng tráo theo ý mình.

Trung Quốc khó có thể còn lu loa nói càn như ‘rất ngạc nhiên, sửng sốt’. Họ sẽ chùn tay trong hành động làm tình hình tồi tệ thêm…

Với Việt Nam, kiểu kiện thế này thuận lợi về mặt thủ tục hình thức, nhưng cái cơ bản nhất và khó nhất là cách sử dụng ngôn ngữ pháp lý quốc tế và lập luận. Đây là kiểu kiện liên quan đến một khái niệm căn bản trong quan hệ quốc tế và khái niệm này vẫn còn chưa được định nghĩa thống nhất, rõ ràng.

Thế nào là sử dụng vũ lực? Vũ lực là gì? Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đã gây ra tổn thương đối với con người, mà cụ thể ở đây là các kiểm ngư và ngư dân, thì rất nghiêm trọng. Nó là một yếu tố quan trọng cấu thành hành vi sử dụng vũ lực, không thể chối cãi.

Ngư dân nhờ luật pháp quốc tế

UNLOS bảo vệ rất chặt chẽ quyền đánh cá. Khoản 2 điều 20 quy chế toà án luật biển quốc tế ghi rõ đây toà án quốc tế (duy nhất) cho phép các chủ thể không phải là nhà nước có thể khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan đến cách hiểu và áp dụng UNLOS. Một thuận lợi lớn mà Việt Nam chưa vận dụng.

Trung Quốc đang cản trở tự do đánh bắt, gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng ngư dân. Nếu soi vào UNLOS thì Trung Quốc có rất nhiều vi phạm. Nhưng điều chủ yếu ở đây là phải xem xét kỹ với những hành vi sử dụng vũ lực đó, ngư dân Việt Nam đã có thể khởi kiện được Trung Quốc chưa?

Cá nhân ngư dân hoặc qua các hiệp hội nghề, tổ chức nghề cá đều có thể khởi kiện được.

Tuy nhiên, dù là cá cá nhân hay hiệp hội, tổ chức nghề cá thì khi ra toà án luật biển quốc tế họ cũng gặp khó khăn lẫn thuận lợi như nhà nước tiến hành kiện.

Nhưng nếu biết lập luận, có thể họ sẽ không rơi vào những trường hợp tuyên bố loại trừ của Trung Quốc.

Ở đây, khó khăn lớn nhất đối với ngư dân Việt Nam là quá trình thu thập chứng cớ. Ngư dân đi đánh cá bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng, phun vòi rồng nước, bắn cháy, cướp tài sản và hải sản, thì phải thu thập được chứng cớ.

Đặc biệt, những chứng cớ đó phải được lấy theo chuẩn mực quốc tế. Nhà nước, các hội đoàn và nhân dân cả nước có thể hỗ trợ ngư dân bằng kinh phí, trang bị máy móc đủ điều kiện để thu thập chứng cớ, chứ bản thân ngư dân là rất khó tự thân xoay sở.

 alt

“Cá nhân ngư dân hoặc qua các hiệp hội nghề, tổ chức nghề cá đều có thể khởi kiện được TQ” (ảnh minh họa của BienDong.Net)

Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam cũng có thuận lợi. Mặc dù Trung Quốc đã có bảo lưu kín kẽ, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: quyền bảo lưu này có hiệu lực đối với nhà nước Trung Quốc chỉ khi nguyên đơn là một Nhà nước, hay cả khi là ngư dân?

Thường thì sự rõ ràng là tốt, nhưng về pháp lý đôi khi không rõ ràng cũng là thuận lợi cho mình.

Cái khó của Việt Nam hiện nay là sự loại trừ của Trung Quốc, chứ Việt Nam không sợ không đủ cơ sở lập luận.

Bản thân ngư dân Việt Nam, hay tổ chức nghề cá rất khó tự làm hồ sơ kiện Trung Quốc.

Họ cần được giúp đỡ của những luật sư thật sự thông thạo công pháp quốc tế, hướng dẫn cụ thể về trình tự lấy chứng cứ, cách lấy, và ở mỗi loại chứng cứ thì điểm gì là điểm không thể không có.

Sau khi ngư dân thu thập xong chứng cứ, nên gửi đến luật sư để đánh giá đã đủ chưa. Nếu đủ sẽ phát đơn khởi kiện. Và họ nên uỷ quyền cho một công ty luật nước ngoài khởi kiện đến toà án biển quốc tế.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới