Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXem bản đồ cương vực được Hoàng đế TQ cho xuất bản

Xem bản đồ cương vực được Hoàng đế TQ cho xuất bản

BienDong.Net: Thêm tài liệu chứng tỏ cương vực của Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam: Về tấm bản đồ Nhà Thanh do Hoàng đế Khang Hy sai vẽ.

Cương vực Trung Quốc là nơi hoàng đế Trung Quốc thực sự có chủ quyền và kiểm soát. Cách dễ nhất để coi đâu là cương vực chính thức của Trung Quốc là xem xét chính sử hoặc các bản đồ cương vực được Hoàng đế Trung Quốc cho chính thức xuất bản.

Hoàng dư toàn lãm đồ được Hoàng đế Khang Hy sai vẽ và xuất bản vào năm 1717 là một bằng chứng như vậy.

Cương vực Trung Quốc là nơi hoàng đế Trung Quốc thực sự có chủ quyền và kiểm soát, như thu thuế, cử quan lại cai trị.

Cách dễ nhất để coi đâu là cương vực chính thức của Trung Quốc là xem xét chính sử hoặc các bản đồ cương vực được Hoàng đế Trung Quốc cho chính thức xuất bản.

Những sử liệu và bản đồ địa lý này là tài liệu chính thức của quốc gia, có giá trị quốc tế mà Trung Quốc có thể dùng để xác định vùng đất họ có chủ quyền.

Bài viết này chỉ nhằm xác định một sự kiện là Hoàng đế Khang Hy (Kangxi) đã sử dụng giáo sĩ dòng Tên phương Tây đi khắp nơi đo đạc địa hình và vẽ bản đồ chính thức cương vực Triều Thanh; công việc này tốn mất gần 10 năm và kết quả là đã xuất bản bản đồ cương vực Trung Quốc có tên là Hoàng dư toàn lãm đồ (Huangyu quan lan tu) vào năm 1717.

 

Bản điện tử chụp từ bản chính được giữ ở Thư viện Anh do Thư viện cung cấp

Theo bản đồ này cương vực phía đông nam Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Đây là điểm đóng góp mới vì từ trước đến nay khi nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều người, kể cả tác giả bài viết này, đã trưng ra được bản đồ nhà Thanh nhưng đều là bản đồ không rõ xuất xứ và không phải là chính thức.

Ngày 28 tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng chính bản sao của tấm bản đồ do Jean – Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ và được in tại Đức năm 1735 cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giới thiệu

Trước năm 1909 khi phái Lý Chuẩn ra Hoàng Sa, chính quyền vua chúa Trung Quốc đã không coi đảo và Biển Đông Nam Á vượt qua phía Nam đảo Hải Nam là thuộc họ. Trong khi đó các chúa Nguyễn và sau này là vua Gia Long, cùng các vua chúa Việt Nam, đã thường xuyên sai lính ra Hoàng Sa.

Điều này được ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (viết khoảng giữa 1776 – 1784), ghi lại trong chính sử năm 1848, và được người nước ngoài ghi lại tuyên bố của vua Gia Long trong bài viết xuất bản năm 1837, nhưng không thấy có sự phản đối nào từ phía Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là nhiều học giả Trung Quốc đã không sử dụng chính sử hay bản đồ chính thức của các triều đại Trung Quốc, đặc biệt là triều đại cuối cùng là Nhà Thanh, để xác định đâu là cương vực chính thức của Trung Quốc; họ chỉ sử dụng tài liệu ghi chép của những nhà du lịch, thám hiểm có dịp đi qua và thường chỉ là ghi chép những điều được nghe kể lại. Những bản đồ mà họ dùng làm chứng cứ đều do cá nhân vẽ, không thuộc chính sử.

Vậy để xác định việc Trung Quốc trước đây có xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc họ không, cần xem xét sử nhà Minh (1368–1644), nhà Thanh (1644–1912) và bản đồ chính thức của hai triều đại này, vì theo qui định được Tòa án Công lý Quốc tế xác định năm 1933: Ý định, ý chí và hiệu lực thực hiện chủ quyền ít nhất phải được xác định trong sử và tài liệu chính thức.

Lịch sử triều Minh và triều Thanh đều cho thấy cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam; họ đã không màng đến khu vực Biển Đông Nam Á vượt ngoài Hải Nam, như vậy thì họ không thể cho rằng đấy là khu vực lịch sử đã lâu đời thuộc về mình được.

Các tài liệu do công dân đi qua, nhìn thấy và ghi lại ở những tài liệu du ký ghi chép cá nhân không cho phép quốc gia của công dân đó coi đó là minh chứng cho chủ quyền quốc gia họ ở đó.

Vào thời nhà Thanh, đảo Hải Nam gồm Quỳnh Châu (Qiongzhu) và Châu Nhai (Zhuya) sau hợp lại thành tỉnh Quỳnh. Như vậy vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong cương vực Trung Quốc.

Trong khi đó đây là thời gian ở Việt Nam, Chúa Nguyễn (1558 – 1777) và triều Nguyễn (1802 – 1862) đã hành xử chủ quyền liên tục ở đó mà không bị Trung Quốc phản đối.

Theo Luật Quốc tế, một yêu sách chủ quyền dựa trên cơ sở sự liên tục hành xử chủ quyền gồm có hai yếu tố, và phải chứng tỏ được từng yếu tố có sự hiện diện: ý định và ý chí hành động như một chủ thể, và một số hành xử và bày tỏ thực tiễn quyền làm chủ đó”.

Trong trường hợp Việt Nam, hoạt động của các chúa Nguyễn ở Hoàng Sa đã được Lê Quý Đôn ghi trong Phủ Biên Tạp Lục và việc Vua Gia Long tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa được Taberd ghi lại và xuất bản năm 1837, các hoạt động của các đời vua sau Gia Long đều được ghi trong chính sử.

Xem xét bản đồ chính thức thời nhà Thanh

Như đã nói, có rất nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc được xuất bản ở Trung Quốc cho đến cuối đời nhà Thanh đều không có ghi nhận Hoàng Sa hay Trường Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Còn bản đồ được trình bày dưới đây là bản đồ do chính Hoàng đế Khang Hy thời nhà Thanh (1644 – 1912) thuê các giáo sĩ phương Tây đo đạc, vẽ và mất 10 năm mới hoàn thành.

Chính vì thế, mục đích của bài viết này là nhằm xem xét cụ thể tấm bản đồ này. Có thể nói đây là lần đầu tiên tấm bản đồ này được xem xét với mục đích xác định cương vực của Trung Quốc.

Theo bài viết Traditional Chinese Cartoghraphy and the Myth of Westernization (Kỹ thuật vẽ bản đồ theo truyền thống Trung Hoa và huyền thoại về Tây phương hóa) của Cordell D.K. Yee, thì trước khi giáo sĩ dòng Tên (Jesuit) Matteo Ricci (1552 – 1610) và Michelle Ruggieri (1543 – 1607) đến Quảng Đông năm 1583 truyền đạo, người Trung Quốc đã biết dùng cách kẻ ô để vẽ thể hiện khoảng cách trên bản đồ, nhưng vẫn chưa biết trái đất không phẳng mà là hình cầu, và chưa biết dùng hệ thống Ptolemaic để diễn đạt.

Giáo sĩ Metteo Ricci là người giới thiệu kỹ thuật vẽ chính xác của phương Tây vào Trung Quốc và coi đó là phương cách truyền đạo. Ricci đã vẽ lại bản đồ Trung Quốc dựa vào thông tin của Trung Quốc nhưng dùng nguyên tắc vẽ của phương Tây.

Những tấm bản đồ này chỉ là chép lại thông tin đã có, chứ không dựa vào đo đạc địa hình. Một số người ở Trung Quốc thích thú đã cho khắc in lại, nhưng lại sửa theo cách nhìn nghệ thuật của họ vì giới trí thức coi bản đồ là một vật phẩm nghệ thuật như tranh vẽ và thư họa chứ không coi là khoa học chính xác.

 

Khang Hy toàn lãm đồ (Hoàng dư toàn lãm đồ)

Ngay cả Ricci cũng sửa lại địa thế để đặt Trung Quốc nằm ở giữa bản đồ thế giới, có lẽ nhằm làm người Trung Quốc hài lòng. Khang Hy mới là vị vua để ý đến khoa học phương Tây, như toán học, thiên văn học, cho xây đài thiên văn năm 1644, và quyết định chính thức dùng lịch phương Tây từ ngày 19/10/1644 vì nó chính xác hơn.

Chỉ đến năm 1698 các giáo sĩ dòng Tên mới đề nghị Khang Hy cho đo đạc địa hình Trung Quốc để vẽ bản đồ, vì cho rằng các bản đồ cũ không chính xác và thậm chí sai lạc. Như thế, có thể nói bản đồ theo phương pháp phương Tây được nhà vua sai vẽ chỉ thực sự ra đời do lệnh của Khang Hy.

Cũng theo Cordell D.K. Yee, năm 1698, vào thời vua Khang Hy nhà Thanh, sau khi nghe linh mục dòng Tên (Jesuit) Dominique Parenin (1665 – 1759) đề nghị điều tra, đo đạc để vẽ lại bản đồ Trung Hoa vì bản đồ châu, huyện, thị lúc đó có nhiều sai sót, Khang Hy đã yêu cầu Joachim Bouvet (1656 – 1730) về Pháp kiếm những người hiểu biết về thiên văn, toán, địa lý và đo đạc địa hình đem sang Trung Quốc để giúp vẽ lại bản đồ. Ông này trở về Trung Quốc mang theo 10 người. Sau đó, vua sai vẽ:

Năm 1705 vẽ Thiên Tân, hoàn thành trong 70 ngày.

Năm 1707 vẽ vùng chung quanh Bắc Kinh hoàn thành trong 6 tháng.

Năm 1708 vẽ Vạn lý trường thành, hoàn thành vào năm 1709.

Vua nhà Thanh sau khi thử nghiệm thấy rằng cách vẽ của Tây phương hơn hẳn cách vẽ bản đồ truyền thống của TQ nên đã tin cậy giao cho giáo sĩ dòng Tên vẽ bản đồ cả nước. Bản đồ cả nước này hoàn thành năm 1717 có tên là Hoàng dư toàn lãm đồ (Huangyu quan lan tu).

Hoàng dư toàn lãm đồ này được nhắc đến trong Thanh sử cảo (Qing shi gao) như sau: “Vào năm Khang Hy thứ 58, toàn đồ được hoàn thành. Đây là bản đồ toàn diện, gồm 32 tờ.

Có riêng bản đồ từng tỉnh, mỗi tỉnh một tờ”. Thanh sử cảo mặc dù không hoàn toàn là chính sử vì nó được hoàn thành vào năm 1927 sau khi nhà Thanh đã đổ, nhưng nó được vua nhà Thanh chính thức sai soạn thảo nên có thể coi là chính thức.

Bản in bằng khắc gỗ năm 1721 theo tỷ lệ 1:1.200.000, cũng có tất cả 32 tờ, mỗi tỉnh một tờ, giống như bản năm 1719. Bản in gỗ này được mấy linh mục dòng Tên gửi về Châu Âu và được dùng làm cơ sở cho quyển sách Description, géographique, historique, chronologique, politique, et physique de l’empire de la Chine (1735) của Du Halde và quyển Nouvel atlas de la chine của J.B. Bourguignon.

Năm 1726, hoàn thành Cổ kim đồ thư tập thành có 216 bản đồ khu vực hành chính nhưng không có Mông Cổ và Tây Tạng. Các bản đồ này giống như bản đồ được giáo sĩ dòng Tên hoàn thành, nhưng bỏ đi đường vĩ tuyến và kinh tuyến, và nói chung là kết hợp cách vẽ đơn giản của truyền thống Trung Quốc và nguyên tắc vẽ khoa học của phương Tây.

Cổ kim đồ thư tập thành được chính quyền nhà Thanh in năm 1728 là sách bách khoa 5.020 tập, gồm các minh họa và trước tác từ thời sớm nhất đến thời cận đại, được soạn dưới thời Khang Hy và Ung Chính (Yongzheng). Sách bách khoa này gồm 800.000 trang và chứa 100 triệu chữ. Số bản in chỉ có 60.

Bản đồ cả nước được in lại trong Traditional Chinese Cartoghraphy and the Myth of Westernization của Cordell D.K. Yee như đã nói ở trên (xem ảnh). Hình này cũng cho thấy lãnh thổ Trung Quốc chấm dứt về phía đông nam bằng đảo Hải Nam.

Cũng có thể thấy bản đồ này được viết nhiều trên mạng bằng tiếng Trung.

Bản đồ Hoàng dư toàn lãm đồ này là cơ sở cho những bản đồ khác được xuất bản sau đó ở Trung Quốc mà nguồn gốc tác giả và có khi cả nhà xuất bản cũng không rõ.

Dưới đây là một số bản đồ được giữ ở các thư viện phương Tây có thể tham khảo qua mạng, tất cả đều cho thấy Trung Quốc hay tỉnh Quảng Đông không có Hoàng Sa hay Trường Sa:

1. Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ (Huang yu quan lan fen sheng tu) được lưu giữ ở Thư viện Quốc hội Mỹ (US Libary of Congress): Bản đồ này có thể coi trên mạng. Tập bản đồ này có bản đồ tỉnh Quảng Đông nhưng tỉnh Quảng Đông chỉ có đảo Hải Nam và không có đất đai nào khác ở phía đông nam.

Bản đồ này chứa trong một túi riêng, được tặng cho Thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 1884, và ghi năm xuất bản là 1693. Cách vẽ rõ ràng theo nguyên tắc Tây phương, không thể có trước khi Khang Hy yêu cầu giáo sĩ vẽ từ năm 1705.

Năm xuất bản ghi 1693 chắc là lầm lẫn. Bản đồ phải được vẽ sau 1717, sau khi Hoàng dư toàn lãm đồ ra đời và có vẻ là bản copy.

2. Đại Thanh nhất thống toàn đồ (Da qing yi tong quan tu), hiện đang lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Úc mà tác giả bài viết này tìm ra trên mạng và đã đưa cho nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo nghiên cứu thêm.

Bản đồ này, dựa theo phân tích của Cordell D.K Yee (đã nhắc đến ở trên) cũng như bản đồ trong Cổ kim đồ thư tập thành chỉ là bản sao chép của bản đồ chính thức Hoàng Dư toàn lãm đồ nói trên, không có hai tỉnh Tân Cương và Tây Tạng, nhưng được vẽ theo lối kết hợp giữa Tây phương và Trung Hoa. Bản đồ này gồm 12 phần riêng, phần 1 là vẽ toàn Trung Hoa được in lại ở dưới. Phần 12 về Quảng Đông chấm dứt ở đảo Hải Nam như phần 1. Đại Thanh nhất thống toàn đồ ở Thư viện Quốc gia Úc được in ở dưới.

3. Hoàng dư toàn đồ (Huangyu Quantu) là bản đồ chính thức cuối thời nhà Thanh.

Vào năm 1890 chính quyền nhà Thanh muốn chuẩn hóa việc vẽ bản đồ các địa phương và vùng hành chính nên cho lập Hội điển quán (huidianquan) và ra lệnh cho vẽ bản đồ địa phương để lập thành bản đồ cả nước theo phương pháp Tây phương, nhưng nhiều địa phương chỉ dựa vào bản đồ của các linh mục dòng Tên đã vẽ để vẽ lại, vì họ không thể hiểu nguyên tắc.

 

Đại Thanh nhất thống toàn đồ

Kết quả là Hoàng dư toàn đồ (1899, trong Khâm định đại Thanh hội điển (Qinding Da Qing huidian), gồm 24 bộ (Beijing Huidianguan, 1899) là bản đồ mang tính chính thức vì được Huidianguan in.

Kết luận

Như vậy có thể kết luận là có bản đồ do Khang Hy sai giáo sĩ dòng Tên vẽ, tức là Trung Quốc đã từng có một bản đồ chính thức có giá trị trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo bản đồ này, cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam và không có gì thay đổi sau đó. Điều này cũng phù hợp với chính sử của Trung Quốc thời nhà Minh (Minh Sử) và thời nhà Thanh (Thanh Sử cảo).

Hồ Bạch Thảo, một nhà nghiên cứu Việt Nam đã xem xét Thanh Sử Cảo và cho thấy rõ rằng Thanh Sử Cảo cũng không đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa và cũng cho thấy nước “tầu” chấm dứt với đảo Hải Nam.

Hồ Bạch Thảo cũng xem xét Minh Sử là sử chính thức của nhà Minh, trước nhà Thanh, cũng cho thấy là địa dư Trung Quốc chấm dứt ở Hải Nam.

Bản đồ Trung Quốc có đường chữ U 9 – đoạn gãy ra đời vào năm 1947 là do Bai Meichu, một viên chức của Cộng hòa Dân quốc Trung Hoa (bây giờ là Đài Loan) tự vẽ ra năm 1947.

Bản đồ tự chế không phản ánh lịch sử thật sự về cương vực Trung Quốc này đã được Nhà nước Trung Quốc sử dụng, ngược với truyền thống Luật quốc tế, để tuyên bố chủ quyền trên khu vực đảo và biển rộng lớn trong đường chữ U, chiếm tới 85% Biển Đông Nam Á.

Họ đã dùng những tài liệu phi chính thống ghi chép mơ hồ về vùng biển người Hán đã đi qua để cho rằng chúng thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Hán (206 BC–220 AD).

Điều xác quyết này ngược hoàn toàn với chính sử hai triều đại Minh, Thanh và bản đồ do chính Vua Khang Hy nhà Thanh ra lệnh biên soạn. Các giáo sĩ dòng Tên đã mất 10 năm mới đo đạc và vẽ xong.

Không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông không thể là điều sơ suất với công trình 10 năm này. Mãi đến 1909 Trung Quốc, và cũng chỉ là chính quyền tỉnh Quảng Đông, mới gửi người ra tìm hiểu Hoàng Sa và mãi đến năm 1952, Chu Ân Lai mới lần đầu tiên đưa ra yêu sách Trường Sa.

Cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại là chuyện bịa đặt, không đúng sự thật.

Vũ Quang Việt

RELATED ARTICLES

Tin mới