Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển: Việt Nam sẽ có...

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển: Việt Nam sẽ có 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, để hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển và tăng hiệu quả đánh bắt, ngày 5/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung tâm sẽ được xây đựng trên diện tích 26 ha tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, bao gồm các dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín như: nhà máy chế biến thủy sản, cơ khí phụ tùng, nhà máy nước đá 15.000 cây mỗi ngày, nhà máy đóng mới, cải hoán, sữa chữa tàu thuyền, chế biến thức ăn gia súc, cửa hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm, xưởng sản xuất ngư lưới cụ, khu nhà điều hành, khu nhà ở công nhân…


Ngư dân Phú Yên thu hoạch cá ngừ

Mục tiêu của trung tâm là hỗ trợ thu mua, chế biến và xuất khẩu, phân phối nguyên liệu thủy sản cho các nhà máy chế biến trong nước, nước ngoài góp phần tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân.

Theo các quan chức địa phương, Trung tâm chú trọng dự án cải hoán, đóng mới tàu vỏ thép công suất từ 1.000 CV trở lên để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày ở Hoàng Sa, Trường Sa, vừa phát triển kinh tế biển vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, trong nỗ lực hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với ngư trường trọng điểm ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Theo chương trình này, trung tâm hậu cần nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ; Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bến cảng Tịnh Kỳ giáp ranh với cảng Sa Kỳ, nơi được tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trí Tín.

Theo ông Tám, Bộ đang hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, chọn các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm thiết kế chi tiết các trung tâm hậu cần nghề cá hội đủ điều kiện quy mô cảng cá loại 1, có khả năng phát triển cảng cá quốc tế đáp ứng nhu cầu xuất nhập thủy sản. Trung tâm này phải đảm bảo chế biến thủy sản với công nghệ hiện đại gắn kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất, đào tạo kỹ thuật cho ngư dân…

Từ nay đến 2015, Bộ sẽ tập trung kêu gọi đầu tư thí điểm trung tâm hậu cần nghề cá quy mô lớn tầm quốc gia tại khu vực miền Trung gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Duyên hải miền Trung là vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa với nguồn lợi hải sản phong phú. Toàn vùng hiện có hơn 46.000 tàu thuyền và 200.000 lao động khai thác thủy sản, 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải miền Trung năm 2013 đạt gần 700 triệu USD, tuy nhiên hiện tại ngành thủy sản ở khu vực này còn nhiều bất cập, phần lớn tàu thuyền khai thác là công suất nhỏ, công nghệ bảo quản sau khai thác còn hạn chế, đội ngũ lao động trực tiếp trên biển chưa được đào tạo, lĩnh vực chế biến công nghiệp chưa đạt chất lượng tốt so với các nước khác.

“Nguồn vốn xây dựng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Nhà nước sẽ đầu tư các hạng mục cảng cá, nạo vét luồng lạch, cơ sở hạ tầng thiết yếu…, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ứng vốn đầu tư, kinh doanh”, ông Tám cho biết.

Trong đề án Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản được Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, ngoài việc đầu tư lớn để xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá, để nâng cao hiệu quả nghề cá, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, xây dựng bản đồ khai thác, dự báo ngư trường và xây dựng các chợ thủy sản đầu mối… 

Trong tương lai, hoạt động khai thác hải sản phải được sắp xếp phù hợp với từng nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đời sống cộng đồng ngư dân ven biển… Đặc biệt, đối với vùng biển xa bờ, đề án nêu rõ cần xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ cấu nghề, phân bổ số lượng tàu khai thác phù hợp với khả năng của nguồn lợi ở vùng biển này; nhân rộng mô hình tổ chức tổ đội, hợp tác xã sản xuất trong khai thác hải sản. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán, ký kết hợp tác nghề cá với các nước có tiềm năng nguồn lợi hải sản trong khu vực, quốc tế nhằm đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác ở các vùng biển nước ngoài.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới