Saturday, July 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCam Ranh trong mắt chuyên gia quân sự nước ngoài

Cam Ranh trong mắt chuyên gia quân sự nước ngoài

Ông Viktor Aistov hiện là Thượng nghị sĩ Quốc hội, trước đây từng nhiều năm giám sát việc xây dựng, củng cố căn cứ Hải quân Cam Ranh. Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng Nga đã có cuộc trò chuyện với Aistov về chủ đề liệu Nga có ý định trở lại Cam Ranh và triển khai tàu chiến ở đó hay không?
 

Bài 1: Lợi thế mang tên Cam Ranh

Cam Ranh – Pháo đài lý tưởng

Ông Viktor Aistov cho biết, Nga đang tăng cường việc bảo vệ biên giới Viễn Đông, mà lựa chọn đầu tiên sẽ là xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Matua, thuộc quần đảo Kurile. Nhưng ở đó chỉ có 52km2. Ngoài ra, hòn đảo này nằm khá xa khu vực dân cư của Sakhalin và Kamchatka, lại không có người ở. Việc xây dựng sẽ mất nhiều thời gian, chi phí cao. Còn có một sự lựa chọn nữa mà ông Aistov cân nhắc, đó là thuê lại hoặc hợp tác với Việt Nam sử dụng quân cảng Cam Ranh, một căn cứ hải quân hiện đại từng được Liên Xô (và sau đó là Nga) sử dụng trước đây.

“Là một quân nhân, tôi tin rằng việc phát triển khả năng phòng thủ không bao giờ là dư thừa. Việc xây dựng căn cứ ở đảo Mantua là rất tốt trên nhiều phương diện, mặc dù khu vực này ở xa các trung tâm hành chính – quân sự có quy mô lớn, nhưng lại nằm trên lãnh thổ Nga, vì thế Nga có thể thuận lợi chủ động trong mọi việc” – ông Viktor Aistov nói.

Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cao quân cảng Cam Ranh cho rằng, với điều kiện tự nhiên tuyệt vời, nơi đây được coi là một trong những cảng nước sâu lý tưởng nhất thế giới. Với địa hình có núi bao bọc ở hai hướng Bắc và Nam, đã hình thành nên một vịnh biển khá lớn chỉ có một cửa hẹp thông ra biển, rất thuận lợi cho cả phòng thủ lẫn tấn công. Theo ông, cảng Cam Ranh là “một pháo đài thiên nhiên tuyệt hảo”. Với diện tích mặt nước khoảng 100km2 và độ sâu 32m, vịnh Cam Ranh đủ sức cho 40 tàu chiến và tàu vận tải quân sự neo đậu cùng lúc.

Vài nét lịch sử Cam Ranh

Tháng 8-1886, tàu hộ tống Vityaz của Hải quân Nga hoàng, trong chuyến đi vòng quanh thế giới, đã ghé cảng Cam Ranh (lúc đó được gọi là Pan-Rank). Các vị chỉ huy của Hải quân Nga hoàng từ thời đó đã đánh giá cao lợi thế của cảng này và trong nhiều năm, các tàu Nga không ít lần ghé thả neo nơi đây.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai

Quân cảng Cam Ranh nhìn từ trên cao

Người Pháp bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương hồi đầu năm 1945, cảng Cam Ranh lọt vào tay người Nhật một thời gian ngắn rồi lại trở về tay người Pháp. Sau Hiệp định Geneva (về đình chiến ở Đông Dương), chính quyền Sài Gòn tiếp quản cảng Cam Ranh và sau đó chuyển giao cho người Mỹ sử dụng khi Mỹ đổ quân vào miền Nam. Cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 20 năm đã kết thúc bằng thắng lợi của quân dân Việt Nam. Cam Ranh được giải phóng vào ngày 26-4-1975.

Theo đánh giá của Trung tướng Aistov, người Mỹ đã đổ không ít công sức, tiền của vào việc tái thiết, nâng cấp quân cảng Cam Ranh. Mỹ cũng đã xây dựng sân bay Cam Ranh khá bề thế, với đường băng dài 3,5km, đủ sức cho tất cả các loại máy bay, kể cả máy bay ném bom chiến lược, cất và hạ cánh. Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng khu nhà ở cùng các cơ sở sinh hoạt cho các quân nhân phục vụ trong căn cứ, trông như một thị trấn tuy nhỏ nhưng rất hiện đại, cao cấp thời đó. Các kho chứa vũ khí, đạn dược, thiết bị kỹ thuật, các cơ sở hậu cần và cơ sở y tế cũng nhanh chóng mọc lên. Ở đảo Bình Ba trong vịnh Cam Ranh, người Mỹ đã xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu hải quân khá hiện đại. Hệ thống đường sá trong căn cứ và ở khu vực xung quanh được xây dựng với một trình độ kỹ thuật cao.

Mặc dù chỉ là căn cứ hậu phương, quân cảng Cam Ranh được tăng cường phòng thủ rất chặt chẽ, đặc biệt là đối với hướng tấn công từ phía biển (nếu xảy ra). Trên các dãy núi bao quanh vịnh có cả một hệ thống hầm chứa đồng thời là bệ phóng tên lửa hướng ra phía biển. Pháo chống hạm và pháo cao xạ phòng không được bố trí dày đặc hai bên lối ra vào vịnh. Xung quanh các mục tiêu quân sự này đều có những bãi mìn dày đặc để bảo vệ.

Tổng thống Mỹ lúc đó, Lindon Johnson đã hai lần đích thân thị sát căn cứ Cam Ranh, vào ngày 26-10-1966 và ngày 23-12-1967. Phát biểu trước các quân nhân Mỹ phục vụ tại đây, ông Johnson nói rằng, cờ sao và vạch (quốc kỳ Mỹ) sẽ vĩnh viễn tung bay trên quân cảng Cam Ranh (!).

Cờ Liên Xô đã thay cho cờ Mỹ

Trung tướng Aistov cho biết, Liên Xô và rất nhiều quốc gia khác đồng cảm sâu sắc với cuộc chiến giành tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam, vì thế đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ cả về kinh tế lẫn quân sự. Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 5.600 pháo chống tăng, 316 máy bay chiến đấu, 23 tổ hợp tên lửa phòng không đặc biệt S-75M (dùng để tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược), cơ số tên lửa phòng không hạng nhẹ (dùng để tiêu diệt máy bay cường kích ném bom bình thường) đủ trang bị cho 2 trung đoàn tên lửa phòng không, gần 700 chiếc xe tăng các loại, 70 tàu chiến và tàu vận tải quân sự, cùng rất nhiều các loại đạn dược, vũ khí, khí tài quân sự khác. Vào những thời điểm ngặt nghèo nhất trong cuộc chiến của nhân dân Việt Nam anh em khi đối đầu với Mỹ, Chính phủ Liên Xô đã quyết định điều động một số tàu ngầm nguyên tử và nhiều tàu chiến hạng nặng đến Biển Đông để ngăn chặn những hành động từ phía các lực lượng xâm lược.

Sau khi người Mỹ thua cuộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, phía Liên Xô rất quan tâm đến việc giúp Việt Nam quản lý, sử dụng quân cảng Cam Ranh. Chuẩn Đô đốc Valentin Kozlov, người đứng đầu Cục Hợp tác Quân sự – kỹ thuật quốc tế của Hải quân Liên Xô đã được cử đến Cam Ranh trong tháng 12-1978, với nhiệm vụ nghiên cứu kỹ tình hình và tình trạng của quân cảng này, đồng thời tìm hiểu về phản ứng của phía Việt Nam trước ý muốn của Liên Xô về việc sử dụng cảng phục vụ cho các tàu của Liên Xô hoạt động tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sau này, Kozlov nhớ lại rằng, ông đã rất ấn tượng với một căn cứ hải quân kéo dài gần 100km mà người Mỹ đã xây dựng với tất cả những yếu tố thiết yếu: trụ cầu bê tông, cơ sở sửa chữa tàu hiện đại, cầu cảng, sân bay có hai đường băng, đường giao thông…

Ngày 2-5-1979 hai Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký thỏa thuận về sử dụng chung căn cứ Cam Ranh trong thời hạn 25 năm, có thể gia hạn sau đó. Nhưng đến tháng 4-2004, phía Nga đã quyết định không gia hạn hợp đồng. Sau 12 năm, vấn đề đang được khơi dậy trở lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới