Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam bác bỏ lập luận của Trung quốc yêu sách chủ...

Việt Nam bác bỏ lập luận của Trung quốc yêu sách chủ quyền Hoàng Sa

Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông: Việt Nam bác bỏ lập luận của Trung quốc yêu sách chủ quyền Hoàng Sa

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông dưới sự chủ trì của ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đây là cuộc họp báo quốc tế thứ 5 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.


Ông Lê Hải Bình cho biết trong những ngày qua Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, bất chấp quy định luật pháp quốc tế. Các tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng ngang ngược tấn công, đâm va và dùng súng phụn nước cường độ mạnh, khống chế tấn công ngư dân VN.

Trung Quốc liên tục đưa ra luận điệu sai trái vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa. Ngày 8 và 9/6 vừa qua, Trung Quốc công bố tài liệu nhan đề “Tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương 981: sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc, đề nghị lưu hành LHQ. “Ngày 13/6, Trung Quốc lại nêu ra những luận điệu hết sức sai trái và vô căn cứ về Hoàng Sa”, ông Bình cho biết.

Trả lời câu hỏi của báo chí về chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ viện TQ tới Việt Nam, ông Lê Hải Bình nói: Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam luôn hết sức kiên trì tìm mọi kênh thông tin trao đổi, đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Vì vậy, cuộc gặp hai chủ tịch ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.

‘TQ cố tình diễn giải sai lịch sử’

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia Trần Duy Hải nói VN bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa, mà TQ gọi là “Tây Sa” vì các yêu sách của TQ không có cơ sở pháp lý và lịch sử”. 

Ông Hải cho hay, TQ đưa ra một số tư liệu lịch sử, nhưng chúng không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện.

“Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến TQ. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoảng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán.

Theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền thông qua các hành động thực thi chủ quyền mang danh nghĩa nhà nước. Các tài liệu mà TQ đã công khai không chứng tỏ nhà nước phong kiến TQ đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ”.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, TQ đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực cho nên không thể thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

TQ đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, TQ đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên TQ thực sự chiếm đóng Hoàng Sa. Chính quyền VN Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây của một nhóm binh lính TQ giả dạng ngư dân đã bị lực lượng của chính quyền VN Cộng hòa đập tan. 82 “ngư dân” TQ đã bị bắt. Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi VN đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại hội nghị San Francisco năm 1951 mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào. 

Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở VN, TQ đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam VN. Đây là lần đầu tiên TQ nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

“Hành động sử dụng vũ lực thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là vi phạm các nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế, không thể tạo nên chủ quyền cho TQ đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ông Trần Duy Hải khẳng định VN chưa bao giờ công nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo này. TQ đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở VN trước năm 1975 như là bằng chứng về việc VN công nhận chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa. VN kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này.

TQ cáo buộc vô căn cứ về việc tàu VN đâm hơn 1.500 lần

Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh, VN đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông do việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 81 trong vùng biển VN gây ra thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng TQ phản ứng thiếu tính xây dựng.

TQ không những không đáp lại thiện chí của VN mà còn đưa ra các lời cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật, vu cáo VN đâm các tàu của Chính phủ TQ hơn 1.500 lần. TQ hoàn toàn không đưa ra bằng chứng thực sự nào về các cáo buộc này.

TQ khăng khăng không rút giàn khoan và không đàm phán, như vậy, việc TQ nói là cánh cửa đàm phán vẫn mở rộng là không đúng với thực tế.

Việt Nam không sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực giàn khoan

Tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn thường xuyên duy trì từ 101 đến 115 tàu các loại, trong đó thường xuyên duy trì 4 – 6 tàu chiến và các lực lượng tàu chấp pháp, tàu kéo dịch vụ, tàu vận tải, tàu dầu, tàu cá.

Trung Quốc sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám và máy bay cảnh báo sớm dạng KJ – 200, bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 500 – 1.000m để trinh sát, răn đe, gây tâm lý căng thẳng cho lực lượng tàu cá Việt Nam. Trên các hướng, Trung Quốc luôn sử dụng từ 9 – 12 tàu có tốc độ cao xen kẽ với các tàu kéo, bám sát các tàu Việt Nam, khoảng cách 200m, mở loa, hú còi, áp sát, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu của Việt Nam.

Ông Thu đã bác bỏ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/6 tại buổi họp báo về giàn khoan Hải Dương – 981 khi phía Trung Quốc công bố tính đến 12 giờ ngày 13/6/2014, các tàu Việt Nam đã đâm húc 1.547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng.

Ông Thu nhấn mạnh, thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam, làm cho 36 lần/chiếc tàu Việt Nam bị hư hỏng. Từ ngày 3/5 đến nay, tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. Các tàu Việt Nam không sử dụng mạn tàu và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm va tàu Việt Nam.

Về việc TQ vu khống VN cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại hiện trường, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định, VN không hề sử dụng người nhái tại hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi TQ vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của VN, khi ngư dân VN tiến hành đánh bắt cá, tàu TQ ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá VN buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản trái phép và nguy hiểm của tàu TQ.

Tàu TQ tiến hành thu mất lưới của ngư dân VN. Những vật trôi nổi như thùng phi, mảnh gỗ TQ vớt được trên biển là do tàu TQ đâm va vào tàu VN và dùng vòi rồng, làm cho các thùng phi chứa dầu, thùng sơn, khúc gỗ… bị văng xuống biển. TQ vớt lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai sự thật.

TQ tuyên bố không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, nhưng ông Ngô Ngọc Thu khẳng định, phóng viên báo chí trong và ngoài nước đã ghi được đầy đủ số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi. Trong hơn 40 ngày qua, ngày nào cũng có từ 4 – 6 tàu chiến đi qua khu vực này chứ không như Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố.

Trung Quốc uy hiếp, phá hoại các tàu cá của Việt Nam

Với lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt đơn phương ở Biển Đông từ tháng 5 – 2014, ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) – cho biết từ ngày 16 – 5, Trung Quốc đã huy động khoảng 50 tàu cá vỏ thép ra khu vực hạ đặt giàn khoan để cùng các tàu quân sự khác của nước này uy hiếp, phá hoại tài sản của các tàu cá Việt Nam cũng như đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam. Cũng theo ông Hà Lê, từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, Trung Quốc đã hàng trăm lần uy hiếp tàu cá Việt Nam, trong đó có 17 tàu bị phía Trung Quốc gây thiệt hại, làm bị thương hàng chục ngư dân.

Ông Hà Lê cũng bác bỏ vu cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13 – 6, trong đó cho rằng trong sự kiện ngày 26 – 5, tàu cá Việt Nam đã nhiều lần đâm va vào tàu cá Trung Quốc và “tự bị lật”, rằng tàu Trung Quốc định vào cứu nhưng “30 tàu Việt Nam đã nhanh chóng vây quanh tàu cá này, phía Trung Quốc không có cách nào vào cứu được”. Ông khẳng định tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã chủ động bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá ĐNa – 90152 TS của Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu cá của Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Các công ty dầu khí quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam

Có mặt trong thành phần chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Thập – phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) – cho biết tính đến nay tập đoàn đã ký hơn 100 hợp đồng khai thác, trong đó 61 hợp đồng dầu khí hiện vẫn đang có hiệu lực, tất cả các hoạt động nói trên đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và hoàn toàn tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển 1982.

Ông Thập cho biết liên tục từ năm 2007 đến nay, PetroVietnam đã triển khai nhiều dự án do công ty của Na Uy và Singapore thực hiện, ngoài ra còn có các khảo sát năm 2007, 2010, 2012 và gần nhất là năm nay 2014 ở khu vực Hoàng Sa và lân cận. “Tập đoàn đang triển khai bình thường mọi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và các vùng lân cận. Thời gian tới, tập đoàn sẽ cùng các công ty dầu khí quốc tế tiếp tục hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của mình như đã từng làm liên tục từ hơn 40 năm trước đến nay” – ông Thập nói.

Ông Thập cho biết PetroVietnam đã gặp gỡ, làm việc với tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà Trung Quốc gọi là tranh chấp, trong đó có các hãng lớn như Exxon Mobil, Gazprom… Ông nói: “Tại các cuộc trao đổi, chúng tôi nhận được tín hiệu tốt. Đó là tất cả đại diện của các công ty đều thông báo cho chúng tôi rằng từ tổng hành dinh của họ có tín hiệu chia sẻ, ủng hộ lập trường, tuyên bố của PetroVietnam cũng như của Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định hoạt động dầu khí của PetroVietnam và của họ là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy họ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng dầu khí ký giữa PetroVietnam với từng công ty. Chúng tôi hiện đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả, tích cực nhất”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới