Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆT NAM BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO?

GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆT NAM BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO?

BienDong.Net: Giải pháp nào cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, nhất là bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình. Đây là một câu hỏi lớn đang đặt ra cho các nhà chức trách ở Hà Nội.

Đã hơn 1 tháng rưỡi qua, kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và đưa hàng trăm tàu các loại, kể cả tàu quân sự trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét mìn, tàu săn ngầm và tàu đổ bộ và máy bay chiến đấu vào hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi triển khai các biện pháp chính trị ngoại giao với gần 40 cuộc trao đổi, tiếp xúc ở các cấp, các bộ ngành và dưới nhiều hình thức khác nhau với Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Trên thực địa, Việt Nam sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu ngư chính để kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển này. Đáp lại những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Bắc Kinh không những không dừng lại mà còn tiếp tục leo thang với nhiều hành động nguy hiểm hơn như tấn công các tàu dân sự của Việt Nam, cố tình đâm va vào các tàu dân sự của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Truyền thông của Trung Quốc có nhiều bài viết xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen, vu cáo Việt Nam đâm vào tàu của Trung Quốc trên 1500 lần. Trung Quốc còn đưa ra các ý kiến xuyên tạc sự thật đối với vấn đề quần đảo Hoàng Sa; đưa ra các quan điểm lập trường của Trung Quốc lưu hành ở Liên hợp quốc xuyên tạc sự thật lịch sử, đổ lỗi cho Việt Nam với những lời lẽ lừa bịp dư luận thế giới. Mặc dù Bắc Kinh không đưa ra được những bằng chứng cụ thể biện minh cho những lời nói của họ, song với việc cứ nói đi nói lại một luận điệu sai trái có thể sẽ làm cho dư luận hiểu sai vấn đề. Đây là điều hết sức nguy hiểm nếu Việt Nam không có những bước đi cụ thể phản bác lại những luận điệu sai trái của Bắc Kinh.

Diễn biến trong một tháng rưỡi qua cho thấy Bắc Kinh sẽ không rút giàn khoan và sẽ tiếp tục những hành động leo thang mới. Theo một số nguồn tin, Bắc Kinh cũng đã khước từ việc đón Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam; từ chối điện đàm qua đường dây nóng cấp cao để xử lý vụ việc; không trả lời các công hàm của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy không thể giải quyết được vấn đề bằng con đường chính trị ngoại giao bởi Bắc Kinh đã rắp tâm xâm lấn vùng biển của Việt Nam để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” và thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Hành vi của Bắc Kinh đã đặt Hà Nội vào chân tường không còn đường lùi.

Vậy chẳng lẽ ngồi nhìn để Bắc Kinh xâm lấn các vùng biển của Việt Nam sao? Là một người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, tôi nêu một vài ý kiến cá nhân đóng góp vào đối sách của Hà Nội ngăn chặn các bước xâm lấn của Bắc Kinh.

Trước hết, Hà Nội phải giải phóng tư tưởng đừng có tin vào lời đường mật của Bắc Kinh về cái gọi là “hai nước Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo” bởi Bắc Kinh đã không hành động như một người “đồng chí, anh em” với Hà Nội. Trên thực tế, Bắc Kinh đã hành động như một kẻ xâm lược chứ nếu theo “tinh thần Xã hội chủ nghĩa” thì làm gì có chuyện ngang nhiên xâm lược vùng biển của Việt Nam, rắp tâm đâm chìm tàu cá, ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.

Qua vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, có thể nhận thấy rằng các nước Xã hội chủ nghĩa còn lại là Bắc Triều Tiên, Cu Ba và những anh bạn láng giềng có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam là Lào và Campuchia đều im lặng trước hành động gây hấn của Trung Quốc. Nước có mối quan hệ bạn bè truyền thống với Việt Nam và thu nhiều món lợi kếch xù từ việc bán vũ khí, tàu ngầm cho Việt Nam là Nga cũng im hơi lặng tiếng. Mà giữa lúc Hà Nội đang gặp hoạn nạn do những hành động xâm lấn của Bắc Kinh thì ông Putin, Tổng thống nước Nga lại đi Trung Quốc để chứng kiến việc ký những hợp đồng kinh tế lớn với Bắc Kinh. Điều này càng khẳng định một chân lý là chỉ có lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là bất biến chứ ý thức hệ hay bạn bè đều có thể thay đổi.

Trái lại những nước lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất phê phán hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc lại là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Âu, G7. Thực ra, những nước này lên tiếng ủng hộ Hà Nội, phản đối Bắc Kinh cũng không phải họ có thể “hy sinh” vì Hà Nội, nhưng trong bối cảnh hiện nay họ đang có những lợi ích trùng hợp với Hà Nội là cùng muốn kiềm chế Bắc Kinh, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Việt Nam cần tranh thủ những lợi ích song trùng đó trong cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

Từ những phân tích trên đây, từ góc độ một người đang ở xa Tổ quốc, tôi xin đóng góp một vài đề xuất cụ thể sau.

Một là, Việt Nam cần công khai thách thức Trung Quốc đưa vấn đề tranh chấp, kể cả vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Bắc Kinh sẽ không tham gia vì họ không có căn cứ pháp lý lịch sử. Đây là cách thức hữu hiệu nhất để phản bác lại những lập luận thiếu thuyết phục mà Trung Quốc đưa ra gần đây, kể cả lưu hành ở Liên hợp quốc để bảo vệ cho cái luận điệu sai trái của họ. Thế giới sẽ thấy rõ ngay bộ mặt thật của Bắc Kinh. Việc này Hà Nội cần làm ngay để vừa nêu cao chính nghĩa của mình, vừa để đập lại những lời lẽ vu cáo, sai sự thật của Bắc Kinh.

Hai là, Hà Nội cần sớm triển khai biện pháp đấu tranh pháp lý tại các cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông. Đến nay, khi mà con đường giải quyết thông qua biện pháp chính trị ngoại giao đã đóng lại thì biện pháp phù hợp nhất để Hà Nội sử dụng là các công cụ pháp lý, kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Bắc Kinh sẽ từ chối vụ kiện, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để kiện Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến áp dụng và giải thích Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 như Phi – líp – pin đã làm, nhất là kiện về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì yêu sách này hoàn toàn trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đang bị cả thế giới lên án. Có các hình thức khác nhau để Việt Nam lựa chọn như tham gia vào vụ kiện của Phi – líp – pin để cùng kiện “đường lưỡi bò” hoặc tiến hành một vụ kiện riêng tùy vào từng vấn đề cụ thể. Yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” là cái gốc để Trung Quốc có các hành động xâm lấn vùng biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông. Một khi “đường lưỡi bò” bị phán là bất hợp pháp thì Trung Quốc sẽ mất đi cái gốc để tiến hành các hoạt động gây hấn. Đây là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất hiện nay, là “gót chân Asin” của Trung Quốc. Hà Nội cần sớm triển khai biện pháp khởi kiện Trung Quốc để đặt Trung Quốc vào tình thế phải đối phó. Một điều thuận lợi cho Hà Nội là người láng giềng Phi – líp – pin đã khởi kiện Trung Quốc 1 năm rưỡi nay và tiến trình vụ kiện đang diễn ra theo đúng trình tự bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Ba là, trong lúc nên chăng Hà Nội cần có đồng minh? Hà Nội nhiều lần nói thi hành chính sách độc lập, tự chủ, không liên minh liên kết với bất kỳ ai. Trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của đất nước đang bị lâm nguy, Hà Nội cần có cái nhìn thực tế trên vấn đề này, cần có cách nhìn nhận rộng hơn về sự liên minh liên kết hay đồng minh. Trong thời đại ngày nay, thế giới đang trong quá trình hội nhập, liên minh hay đồng minh có thể chỉ trên từng vấn đề cụ thể mà các bên có lợi ích song trùng. Trong vấn đề Biển Đông hiện nay Việt Nam có chung một vận mệnh và lợi ích với Phi – líp – pin là chống lại yêu sách phi lý và sự xâm lấn của Trung Quốc. Việt Nam và Phi – líp – pin trở thành đồng minh tự nhiên trên vấn đề đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ các lợi ích trên biển của mình. Nhật Bản cũng có chung lợi ích với Việt Nam trong việc đấu tranh với những hành động xâm lấn trên biển của Trung Quốc. Mỹ cũng có những lợi ích trùng hợp với Việt Nam trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là 2 nước lên tiếng mạnh mẽ nhất ủng hộ Việt Nam trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Việt Nam có thể liên kết với 2 nước này tạo thành một mặt trận chống lại mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, tạo thêm sức mạnh và chỗ dựa cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Để có được điều này, Việt Nam phải vượt qua những quan niệm cũ về ý thức hệ.

Với tư cách một người Việt ở xa đất nước, xin nêu một vài ý kiến cá nhân để góp phần vào công việc chung bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới