Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÁC HỌC GIẢ NÓI GÌ VỀ HÀNH VI HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN...

CÁC HỌC GIẢ NÓI GÌ VỀ HÀNH VI HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN 981 CỦA TRUNG QUỐC TẠI HỘI THẢO Ở ĐÀ NẴNG?

BienDong.Net: Đánh giá về hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là chủ đề chính của cuộc Tọa đàm diễn ra bên lề Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 19 – 21/6/2014.

Phát biểu tại Tọa đàm, nhiều học giả cho rằng hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là bước leo thang mới nhằm thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Đông; về mặt pháp lý thì nhìn từ bất kỳ góc độ nào, hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc cũng là bất hợp pháp. Đây chính là nguyên nhân gây tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Xin giới thiệu với độc giả ý kiến của một số chuyên gia và học giả.

Tiến sĩ Christopher Roberts, Giảng viên cao cấp thuộc Nhóm nghiên cứu về an ninh và chính trị Châu Á của Trường Cao đẳng An ninh Úc (NSC) – ĐH Quốc gia Úc (ANU), Nghiên cứu viên tại Học viện Quốc phòng Úc thuộc ĐH Tổng hợp New South Wales (NSW) cho rằng: Vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan hoàn toàn là vùng biển của Việt Nam và không có tranh chấp. Hay kể cả trong trường hợp đây là vùng biển có tranh chấp thì việc làm của Trung Quốc cũng vi phạm UNCLOS bởi vì họ đã làm thay đổi nguyên trạng qua những hành động đơn phương. Vì thế, Việt Nam có tất cả các quyền, kể cả quyền phòng thủ và các quyền khác, để bảo vệ quyền lợi trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cho dù Trung Quốc có lập luận thế nào về các sự việc đâm tàu thì ở đây tôi thấy Việt Nam vẫn là nạn nhân.

Những gì họ thực hiện thực sự đang làm leo thang căng thẳng, và cho thấy rõ ràng rằng tất cả đều được Trung ương lên kế hoạch ở Bắc Kinh. Điều này gửi đi cho thế giới một cảnh báo. Indonesia đã ra tuyên bố phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Indonesia…”.

GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ – Châu Á, ĐH Luật New York, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông:

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan đến khu vực tranh chấp chắc chắn đã gây ra thách thức cho hòa bình và ổn định của khu vực, bởi vì họ buộc Việt Nam phải phản ứng lại. Trung Quốc có thể cũng đã dự đoán trước được điều này nên họ đã triển khai một số lượng lớn các tàu thực thi pháp luật, ngư dân và cả một số ít tàu hải quân. Rõ ràng rằng việc đơn phương sử dụng vùng tranh chấp là đi ngược lại với nhận thức thông thường về các hành vi an toàn và bảo đảm an ninh, mâu thuẫn với tinh thần và lời văn/ngôn ngữ của DOC, và chắc chắn trái ngược với những điều khoản của UNCLOS về quy định liên quan tới cách hành xử tại khu vực có tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế.

Theo quan điểm của tôi, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan là việc làm bất hợp pháp nếu xét đến các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Vì khu vực đó là khu vực được Việt Nam yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, và cũng được Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hoặc vùng tiếp giáp, do đó, theo các điều khoản của Công ước Luật biển thì rõ ràng những vùng biển chưa được phân định hay nói cách khác là còn đang tồn tại tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế sẽ là đối tượng để thực hiện các biện pháp tạm thời để quản lý xung đột chứ không phải để các bên tiến hành các hoạt động khai thác đơn phương. Vì thế, tôi thấy rằng Việt Nam nên coi đó là khu vực có tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế, hơn là nói đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là khu vực mà cả Việt Nam mà Trung Quốc đều yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, vì vậy không bên nào được phép đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác ở đó”.

Ông Gregory Poling, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định: Trước hết cần phải khẳng định rằng đây không phải là một hoạt động thương mại của CNOOC mà Trung Quốc làm như vậy là để truyền đi một thông điệp, đó là Trung Quốc có quyền làm như vậy tại vùng biển này dựa trên chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Tri Tôn. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ đây là vùng biển có tranh chấp. Và theo Công ước Luật Biển, tại vùng biển có tranh chấp, các quốc gia được yêu cầu phải tiến hành các hoạt động hợp tác cùng phát triển như là một sự dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi sự phân định rõ ràng, và Trung Quốc thì chưa làm điều đó.

Tôi thấy rằng cho đến nay thì Việt Nam đang có hướng đi đúng. Việt Nam vẫn tiếp tục tranh luận về hoạt động của giàn khoan. Việt Nam chưa điều động tàu quân sự ra khu vực đó. Đó là bài học mà chúng ta thấy được từ vụ việc bãi Scarborough. Philippines đã có bước đi sai lầm trong việc quân sự hóa tranh chấp với Trung Quốc tại bãi Scarborough và Trung Quốc đã lấn tới và thay đổi nguyên trạng tại khu vực. Vì thế, việc Việt Nam chỉ điều động tàu cảnh sát biển, kiểm ngư cùng với tàu cá ra khu vực đó là một bước đi đúng đắn. Việt Nam cũng tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, làm cho hình ảnh của Trung Quốc xấu đi… Tôi không nói đó là một cách làm hoàn hảo, nhưng đó là một vũ khí hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng vào thời điểm này.

Ý kiến của các học giả thể hiện rõ sự bất bình cao độ của cộng đồng quốc tế trước hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp công luận của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Qua đó càng thấy rõ cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại trước sự bành trướng và chủ nghĩa dân tộc đại Hán của những người cầm quyền ở Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình đứng đầu.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới