BienDong.Net: “Không hy vọng sau Nghị quyết (NQ) 412 của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc (TQ) sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng đây là thông điệp, lập trường rõ ràng của nhân dân Mỹ yêu cầu TQ không được dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Với thái độ mạnh mẽ như vậy, tôi hy vọng chính quyền TQ phải tính toán lại chính sách của mình… ”.
Đó là đánh giá của Tiến sĩ – luật sư Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia nghiên cứu về Luật Biển quốc tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Việt Nam khi trao đổi với phóng viên báo quốc nội Lao Động.Tiến sĩ – luật sư Hoàng Ngọc Giao
– Thưa tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về việc Thượng viện Mỹ thông qua NQ lên án TQ sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn để thay đổi hiện trạng, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?
– NQ 412 của Thượng viện Mỹ là một văn bản có tính quyền lực rất cao, do cơ quan lập pháp của Mỹ ban hành. Văn bản có tính giá trị pháp lý cao nhưng lại hết sức cụ thể. NQ nêu rất rõ: Yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5.2014; lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương… Thông thường, mỗi một NQ khi được đem ra bàn thảo thông qua thường có sự phân hóa, thế nhưng NQ 412 được Thượng viện Mỹ thông qua với 100% phiếu thuận là một điều ít thấy. Điều này thể hiện QH Mỹ nhất trí hoàn toàn việc lên án sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn của TQ với mưu đồ nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
– Dư luận khá bất ngờ là nghị quyết của QH Mỹ đã thẳng thừng yêu cầu TQ phải rút giàn khoan Hải Dương 981…?
– Tôi đánh giá cao nội dung NQ 412 về 2 điểm cụ thể rất quan trọng. Thứ nhất, yêu cầu TQ phải rút giàn khoan Hải Dương 981, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5.2014. Đây là yêu cầu mạnh mẽ, dù Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Điều này VN cũng nên hiểu rằng, Mỹ tuyên bố như vậy không phải là để ủng hộ VN, mà là Mỹ phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quy tắc ứng xử quốc tế trên biển. Thứ hai, NQ của QH Mỹ lên án và phản đối rất rõ hành động dùng vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp, thay đổi hiện trạng…
Việc ban hành NQ 412 cũng cho thấy thái độ kiên quyết hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với hành động ngang ngược của TQ thời gian qua. Trước đây chỉ thấy những phát ngôn – dù mạnh mẽ, nhưng đơn lẻ của các chính trị gia Mỹ; còn đây là tiếng nói của QH Mỹ. Hy vọng thái độ của QH Mỹ sẽ gây sức ép cho chính quyền trước sự leo thang hành động của TQ trên biển.
– Thưa ông, chính quyền TQ sẽ có động thái gì sau NQ 412 của QH Mỹ?
– NQ 412 đưa ra đúng vào dịp Ngoại trưởng nước này J.Kerry sang thăm, làm việc tại TQ và tại đây, phía Mỹ cũng đã có nhắc nhở, yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế trong hành động và ứng xử ở Biển Đông, biển Hoa Đông… Điều này cho thấy sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Mỹ chống lại hành vi của TQ.
Lưu ý, không có hy vọng sau nghị quyết này của QH Mỹ, TQ sẽ rút giàn khoan hạ đặt phi pháp ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN. Thế nhưng đây là một thông điệp, một lập trường của nhân dân Mỹ yêu cầu TQ không được dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Với yêu cầu này, tôi hy vọng chính quyền TQ phải cân nhắc, tính toán lại chính sách, thái độ của mình!
– NQ 412 của Mỹ – trước đó là sự kiện Nhật Bản thay đổi chính sách quốc phòng… – những động thái cho thấy đã đến lúc phải vào cuộc nghiêm túc ngăn chặn hành động của TQ dùng sức mạnh cưỡng bức trên biển?
– Mỹ là một siêu cường, chính sách của Mỹ có ảnh hưởng đến các nước. Việc QH Mỹ ra NQ là một sự kiện làm cho lòng tin ở khu vực đối với nước Mỹ tăng lên. Điều này cũng cho thấy Mỹ là một cường quốc có trách nhiệm trong việc duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chính sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á – Thái Bình Dương là nhất quán. Việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp, cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này được tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể hay những chính sách mới của Philippines đối phó với TQ…; tất cả cho thấy, chính TQ – bằng hành động – đã đẩy các quốc gia láng giềng cũng như các nước có lợi ích về an toàn và thông thương hàng hải trên vùng biển có sách lược phù hợp, có tiềm năng quân sự và có hợp tác với nhau để đối phó lại mưu đồ của TQ.
Ông Cù Chí Lợi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trao đổi thêm với báo quốc nội Lao Động một số đánh giá như sau:
– Thưa ông, Thượng viện Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về Biển Đông, nhưng nếu mọi khi họ chỉ tuyên bố “ủng hộ các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” thì lần này đã ra một nghị quyết, trong đó liệt kê hàng loạt hành động gây hấn của TQ trên Biển Đông. Tại sao Mỹ lại thể hiện thái độ một cách mạnh mẽ hơn như vậy?
– Mỹ luôn có lập trường ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp, song cơ bản là đứng về các nước nhỏ hơn, bởi Mỹ không muốn thay đổi một trật tự an ninh đã được thiết lập ở Châu Á. Với nghị quyết này, Thượng viện Mỹ lên tiếng mạnh hơn về Biển Đông vì Trung Quốc đã đơn phương dùng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, đưa cả giàn khoan và tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam, thể hiện một thái độ hung hăng và bất chấp. Thái độ của Mỹ thể hiện xu hướng chung trong lập trường của họ, nhưng lần này mạnh mẽ và cương quyết hơn.
Mỹ đã có một số biện pháp ngoại giao với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, song không hiệu quả. Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn phát hành bản đồ 10 đoạn trên Biển Đông, thể hiện một chiến lược bành trướng lãnh hải của họ. Khi các nỗ lực ngoại giao không được như mong muốn thì Thượng viện Mỹ lên tiếng mạnh hơn để hối thúc chính quyền Obama có những đối sách mới với Trung Quốc.
– Nghị quyết này của Thượng viện Mỹ liệu có giá trị pháp lý gì và có ảnh hưởng thế nào đến chính sách của Mỹ về Biển Đông?
– Nghị quyết này có ý nghĩa thúc đẩy bên hành pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ tăng cường tiếng nói và vai trò đối với hòa bình, an ninh trong khu vực. Nghị quyết đó cũng cần thiết ở chỗ phải có những tiếng nói như vậy để thay đổi nhận thức của nhiều người về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và thái độ của một cường quốc như Mỹ. Có thể nhiều người còn nghi ngờ về chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ, nên Mỹ cần phải khẳng định vai trò trong khu vực, khẳng định lại chiến lược và cam kết của Mỹ với Châu Á. Đối thoại chiến lược Mỹ – Trung, trong đó có vấn đề Biển Đông vừa qua, không hiệu quả. Trong một bối cảnh như vậy thì một nghị quyết mạnh mẽ hơn của Thượng viện Mỹ càng có ý nghĩa và cần thiết.
BDN (Tổng hợp)