BienDong.Net: Từ thời Lý đến thời nhà Nguyễn, các nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm đến cương giới lãnh thổ của đất nước. Việc các nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông được ghi chép lại trong các tư liệu Hán Nôm.
Rất nhiều tài liệu Hán Nôm ghi chép về chủ đề này đều khẳng định một cách nhất quán rằng các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hữu hiệu. Trong bài viết này xin giới thiệu một số bộ sách Hán Nôm viết về Hoàng Sa, Trường Sa.Trước hết các tài liệu Hán Nôm đã viết về việc nhà nước hàng năm cử người ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ mang về trình tấu triều đình.
Từ thế kỷ 18, vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) có cuốn Đại Việt sử ký tục biên ghi lại những hoạt động của đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra Hoàng Sa để thực thi chủ quyền của đất nước. Đại Việt sử ký tục biên viết: “Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền ra bãi Hoàng Sa tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Xương phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trả về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta, tức Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu viết thư đáp. Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo gồm hơn 130 đảo, cách nhau một vài ngày đi thuyền hoặc vài canh giờ. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi Hoàng Sa dài hơn 30 dặm, bằng phẳng nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi,… Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Hàng năm, tháng 3 ra khơi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền 3 ngày, 3 đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, thu được bao nhiêu, đến tháng 8 trở về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong thời gian ấy, cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, sung, khí giới, ngà voi, bát sứ,…”.
Sách Phủ biên tạp lục viết về hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải như sau: “Chúa Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải không định suất, hoặc lấy người thôn Tứ Chính, hoặc người xã Cảnh Dương phủ Bình Thuận, ai tình nguyện thì cấp giấy cho đi; lại sai quan đội Hoàng Sa này kiêm quản…”.
Bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán biên soạn từ năm Minh Mệnh thứ hai (1821) đến năm Duy Tân thứ ba (1909) và lần lượt cho in từ năm Thiệu Trị thứ tư (1844) đến năm Duy Tân thứ ba (1909), hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và tại Pháp. Bộ ván khắc Đại Nam thực lục đang được lưu giữ trong khi Mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Đà Lạt); năm 2009, Mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức Thế giới. Theo ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người di thăm dò đường biển ra quần đảo Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc để khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo này. Cụ thể là:
Năm Gia Long thứ 14 (1815), vua đã sai đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển đi ra Hoàng Sa, Đại Nam thực lục viết: “Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815),… sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình”. Năm Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long tiếp tục phái đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển đi ra quần đảo Hoàng Sa Đại Nam thực lục viết: “Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816),… sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò đo đạc thủy trình”. Những ghi chép nói trên chứng minh tiếp theo các chúa Nguyễn, vua Gia Long đã luôn quan tâm tới quần đảo Hoàng Sa, coi đây là lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, thường xuyên phái người ra đây để thực thi chủ quyền.
Dưới thời vua Minh Mệnh, nhà nước tiếp tục thăm dò, khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa thường xuyên hơn, quy mô rộng lớn hơn và cụ thể hơn. Đại Nam thực lục viết: “Tháng 3, mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834),… sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.
Sau đó 2 năm, việc khảo sát quần đảo Hoàng Sa được vua Minh Mệnh ra lệnh hết sức cụ thể, đặc biệt vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục viết: “Tháng Giêng, mùa xuân năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836)… Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước đây, hàng năm thường phái người đi thăm dò khắp nơi để thông thuộc đường biển. Xin cho phép từ năm nay về sau mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, tuyển chọn phái Biền binh thủy quân và Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, đến thượng tuần tháng 2 thì tới 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, theo bốn thuyền thuê của dân dẫn đường chở đến đúng xứ Hoàng Sa, không kể đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, phàm khi đến nơi thì xem xét ngay xứ đó chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chu vi và mực nước biển chung quanh nông sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, khó dễ thế nào, phải đo đạc tường tận, vẽ thành bản đồ. Lại ghi rõ ngày khởi hành, xuất phát từ cửa biển bào, đi thế nào đến xứ đó, căn cứ vào đường đi, tính ước lượng bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ, chiếu thẳng vào tỉnh hạt nào, đối chếch là tỉnh hạt nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất ghi lại, thuyết minh rõ ràng, đem về dâng trình. Nhà vua chuẩn y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, lại mang theo 10 cọc gỗ đến đâu thì cắm vào để làm mốc. Mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc. Trên mặt cọc gỗ khắc dòng chữ năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836). Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đến Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc”.
Với sự quan tâm lớn của vua Minh Mệnh và sự cố gắng của các quan viên, nên vào năm 1838, vua Minh Mệnh đã có bản vẽ tường tận hơn về quần đảo Hoàng Sa. Đại Nam thực lục viết: “Ngày 01 tháng 7 mùa thu năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838),… Viên ngoại lang Bộ Công là Đỗ Mậu Thưởng vâng mệnh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa trở về đem bản đồ dâng trình. Nhà vua thấy (viên này) đi thăm dò nhiều nơi, đo vẽ tường tận, so với các phái viên lần trước thì hơn hẳn. Đỗ Mậu Thưởng và những người đi cùng làm việc được thưởng thêm áo quần và tiền”.
Quốc triều chính biên toát yếu, một bộ sử khác của triều Nguyễn, cũng đã ghi chép khá chi tiết về các hoạt động của nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Xin trích dẫn một đoạn viết trong Quốc triều chính biên toát yếu để chứng minh điều này: “Sai viên Suất đội thủy quân là Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không kể đảo lớn nhỏ nào cồn cát nào, có độ dài, ngang, rộng, cao, chu vi bao nhiêu và bốn phía gần đó có bãi cát, bãi đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở thế nào. Từ cửa biển ra đó đường thủy bao nhiêu dặm và thuộc bờ biển địa phương nào, nhất nhất ghi chép rõ ràng, chuẩn cho mang cọc gỗ cắm mốc làm dấu, đo vẽ bản đồ đem về dâng trình”.
Trong các sách dạy học chữ Hán Nôm cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Sách Khải đồng thuyết ước, được khắc in thời vua Tự Đức năm Tân Tỵ (1881) là cuốn sách dạy về kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý…, trong sách có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tóm lại, qua các bộ sách Hán Nôm của triều đình nhà nước phong kiến Việt Nam, có thể khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ 17, 18, 19 đã thực sự làm chủ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng các hoạt động của nhà nước, bởi nhà nước một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Đây là những tài liệu xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
BDN