BienDong.Net: Mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam trước thời hạn 1 tháng (theo kế hoạch giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động đến 15/8, nhưng Trung Quốc đã rút giàn khoan này hôm 15/7/2014) nhằm ngăn vấn đề Biển Đông được đưa ra thảo luận tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+ và Diễn đàn An ninh khu vực ARF, EAS) từ mồng 8 đến 10/8/2014.
Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề bao trùm lên các hội nghị lần này bất chấp sự vận động ráo riết và gây sức ép của Bắc Kinh đối với những nước tham dự hội nghị lần này.Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã kết thúc với một Thông cáo chung, trong đó thúc giục các bên trong tranh chấp Biển Đông kiềm chế, tránh gây phức tạp tình hình, sau một loạt hành động quyết liệt mới đây của Trung Quốc. Thông cáo chung được đưa ra sau loạt hội nghị diễn ra cuối tuần này ở Myanmar, giữa các nước ASEAN với nhau và với các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. Thông cáo chung nhấn mạnh sự “quan ngại sâu sắc” của các Bộ trưởng các nước ASEAN “về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”; “thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, kể cả thông qua đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” và kêu gọi sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC. Thông cáo chung “ghi nhận tài liệu về Kế hoạch hành động 3 bước (TAP) do Philippines đề xuất, trong đó đáng chú ý là đề nghị “đóng băng” toàn bộ các hoạt động làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Bên lề hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Tại cuộc gặp, ông Phạm Bình Minh yêu cầu phía Trung Quốc không lặp lại hành động tương tự như việc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam diễn ra hồi tháng 5/2014. Ông Phạm Bình Minh cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình và quan trọng nhất là không để tái diễn vụ việc tương tự như vừa qua, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết ổn thỏa tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những nhận thức chung giữa hai nước như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh, tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông cho thấy sự cần thiết phải nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.
Vấn đề Biển Đông cũng là một nội dung chính trong các cuộc gặp giữa ASEAN với các đối tác Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản và đặc biệt là tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF diễn ra trong ngày 10/8/2014. Với sự tham dự của 27 quốc gia trong đó có các nước lớn Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Liên minh Châu Âu (EU)…, hầu hết các nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu đã đưa ra đề xuất kêu gọi các bên “đóng băng” mọi hành động gây căng thẳng. Ông Kerry nói Mỹ chia sẻ trách nhiệm chung với khối ASEAN để đảm bảo an ninh hàng hải của đường biển và cảng có tầm quan trọng toàn cầu này. Ông Kerry nhấn mạnh “Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề của khu vực và Mỹ, mà còn là vấn đề với tất cả mọi người trên thế giới, thấy một Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên quy tắc, dựa trên luật pháp quốc tế”. Dẫn lại Tuyên bố ứng xử DOC mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002, ông Kerry đề nghị các bên tự nguyện không thực hiện những hành động có thể làm phức tạp hoặc làm tranh chấp căng thẳng thêm.
Cuộc tấn công ngoại giao của Mỹ tại ARF 21 lần này thể hiện một bước tiến mới trong việc Washington can dự vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, giữa lúc các nước liên quan trong vùng ngày càng lo ngại về những hành động hung hăng, đơn phương khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ hành động quyết liệt như vậy bởi lẽ, những hành động của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn và đe dọa đến lợi ích chiến lược của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và ở cả khu vực nói chung. Mỹ không thể ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành và bành trướng ở Biển Đông.
Đề xuất của Mỹ về “đóng băng” mọi hành động gây căng thẳng ở Biển Đông cũng chính là nội dung Kế hoạch hành động 3 bước về thực hiện DOC, trong đó quy định những hành vi bị cấm thực hiện ở Biển Đông và những hành động được cho phép ở Biển Đông đã được Ngoại trưởng các nước ASEAN ghi nhận trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 47.
Sau những hành động hung hăng ở Biển Đông thời gian qua, Trung Quốc đã chịu áp lực lớn trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị lần này. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Là quốc gia đã có nhiều hành động khiêu khích và thay đổi nguyên trạng các thực thể trên Biển Đông trong thời gian qua, Trung Quốc đã phản đối đề xuất “đóng băng” các hoạt động lấn chiếm mới ở Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn lớn tiếng yêu cầu Mỹ không nên can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, và khẳng định Trung Quốc sẽ “có phản hồi rõ ràng và cứng rắn” với hành động của các nước liên quan mà Bắc Kinh cho là khiêu khích. Trao đổi với đại diện Philippines, Ngoại trưởng Vương Nghị thúc giục Manila từ bỏ vụ kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc về những yêu sách của Bắc Kinh.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ASEAN – Trung Quốc tại thủ đô của Myanmar, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Quan điểm của Trung Quốc là bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích trên biển là vững chắc và không thể thay đổi được”.
Ngay trước các hội nghị, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định về thái độ cứng rắn của Trung Quốc, ông Rajaram Panda, nhà phân tích chiến lược về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Reitaku, Nhật Bản nói “Tôi không trông đợi bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại diễn đàn ARF này. Vì thế, Bắc Kinh tiếp tục bị cô lập”.
Việc các bên trao đổi sâu rộng vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN lần này cho thấy cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại về các hành động bành trướng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua. Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tục xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam và liên tục tranh chấp với Philippines trên Biển Đông. Ngoài hành động đặt giàn khoan trái phép ở gần Hoàng Sa, Trung Quốc còn tiến hành lấn biển mở rộng các bãi đá Trung Quốc đã chiếm đóng ở Trường Sa năm 1988, thay đổi hiện trạng, trái với Tuyên bố về ứng xử Biển Đông DOC ký năm 2002 với các nước Đông Nam Á. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã lấn biển mở rộng các bãi, biến các bãi này thành các đảo nhân tạo rộng hàng chục héc ta. Ý đồ của Trung Quốc là biến các bãi này thành căn cứ quân sự để làm bàn đạp mở rộng các hoạt động lấn chiếm xuống phía Nam Biển Đông. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hành động này khiến căng thẳng và nguy cơ xung đột ở Biển Đông gia tăng.
Điểm nổi bật tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị ASEAN, bao gồm Diễn đàn ARF và EAS lần này là Trung Quốc đã phải đương đầu với áp lực ngoại giao lớn nhất từ nhiều nước, đòi Bắc Kinh ngừng các hành động hung hăng ở Biển Đông, nhằm hiện thực hóa yêu sách vô lý “đường lưỡi bò” chiếm đến 90% khu vực này.
BDN