BienDong.Net: Ngày 14/5/2014, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Quyết định trên được thông qua trong phiên họp thứ 2 Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia.Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn” đã lọt vào danh sách 19/20 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 30/7/2014, Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh những giá trị mang tính lịch sử về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa xã hội, Châu bản triều Nguyễn còn có giá trị trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Toàn bộ khối châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập, 85 nghìn văn bản, tương đương gần 200.000 tờ tài liệu của 11 triều vua nhà Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đến Bảo Đại (1802 – 1945). Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam; trên các châu bản có lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước. Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Đây là kho tư liệu gồm hơn 20 loại hình văn bản của triều đình nhà Nguyễn như: chiếu, dụ, chỉ, sắc, sớ, tấu, khải, bẩm, tư, phúc, phiến trình, trát sức, thông tri, phiếu nghĩ… điều hành mọi hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… của quốc gia. Nhân việc Châu bản triều Nguyễn được vinh danh là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, xin giới thiệu với bạn đọc về các Châu bản triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến nay, đã phát hiện 19 Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung của các văn bản thể hiện việc triều đình nhà Nguyễn hàng năm đã cử đội Hoàng Sa đi thực thi chủ quyền và khai thác sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa với một số công việc rất cụ thể như khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, trồng cây, khai thác sản vật… Những hoạt động đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Qua nghiên cứu 19 tờ châu bản này, chúng ta thấy triều đình nhà Nguyễn đã có những kế hoạch và phương thức thực thi chủ quyền, khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng những hành động rất cụ thể
Trong các Châu bản nói rõ về thời hạn đi và về của các đội Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở giữa Biển Đông có nhiều gió bão nên trong điều kiện kỹ thuật thủ công, con người không thế sinh sống thường xuyên trên đảo. Vì vậy từ kinh nghiệm của cư dân đánh cá ven biển, thời chúa Nguyễn đã sớm xác lập thời gian thích hợp nhất để ra khảo sát Hoàng Sa là khoảng tháng 3 thuyền ra đảo và ở lại đó cho đến tháng 8 âm lịch, trước mùa bão tố, trở về, tức trong mùa hè – thu. Đó là thời gian tốt nhất cho hoạt động của con người trên vùng hải đảo này và cũng phù hợp với thời tiết và chế độ gió để đi và về. Chế độ gió vùng ven biển và quần đảo khá phức tạp. Nói chung, trong mùa hè, gió mùa tây – nam chiếm ưu thế rất thuận tiện cho việc từ ven bờ ra đảo, thuyền phải trở về khoảng tháng 8, trước mùa giông bão và khi gió mùa tây – nam đã yếu và bắt đầu gió mùa đông – bắc. Nhờ kinh nghiệm đi biển dày dạn của dân chài ven biển Quảng Ngãi nên các đoàn thuyền đã vượt qua sóng gió biển khơi để đi và về an toàn, nhưng không ít hiểm nguy do sự thất thường của gió bão và thuyền nhỏ yếu. Theo một số tờ Châu bản, từ tháng 2 bắt đầu công việc chuẩn bị, điều quân, thuê thuyền, tập trung về Quảng Ngãi rồi chờ gió thuận sẽ ra khơi. Thời hạn đi và về quy định chặt chẽ là tháng 3 khởi hành và tháng 8 trở về kinh. Nếu vì thời tiết mà không thể ra khơi được thì các đội Hoàng Sa đều phải báo cáo, tấu trình xin ý kiến triều đình như trong Châu bản ngày 02 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1938).
Châu bản cũng thể hiện rất rõ nhiệm vụ của các đội Hoàng Sa là khảo sát, đo đạc, ghi nhật ký, vẽ bản đồ. Việc đo đạc đã được thực hiện từ thời chúa Nguyễn và đầu thời Nguyễn. Nhưng đến thời Minh Mệnh công việc này được coi là nhiệm vụ trọng yếu, được tổ chức chặt chẽ và đạt nhiều tiến bộ. Đo đạc bao gồm đo độ nông sâu của đường biển và đo độ dài ngắn, rộng hẹp của các đảo, bãi cát để vẽ thành bản đồ. Kết quả khảo sát, đo vẽ được báo cáo rất chi tiết lên triều đình. Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1938) Viên ngoại lang Đỗ Mậu Thưởng và Thị vệ Lê Trọng Bá, khi trở về, đã báo cáo cho Bộ Công tâu lên: “Lần này đã đến được 25 đảo của ba sở, trong đó hàng năm đã lần lượt đến là 12 đảo, chưa từng đến là 13 đảo. Theo người hướng dẫn Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 sở, lần này đến được 3 sở, còn 1 sở ở phía nam các sở trên, khoảng cách khá xa, lại vì gió Nam thổi mạnh, việc đến đó không thuận tiện, chờ gió thuận thì muộn, đợi đến năm sau lại đến đó. Lại xem 4 bản đồ đem về, 3 bức vẽ riêng, 1 bức vẽ chung, đối chiếu thì chưa thật minh bạch, cùng một bản Nhật ký cũng chưa được hoàn thiện, xin cho Bộ thần hỏi rõ ràng và sai vẽ lại cho hoàn thiện để tiến trình”.
Châu bản còn thể hiện rõ những hành vi củng cố chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa, Trường Sa thông qua việc thực hiện cắm mốc giới, dựng bia miếu của các đội Hoàng Sa. Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1936) hiện đang được lưu giữ dưới dạng Microfilm tại Đại học Hawaii và Đại học Harvard của Mỹ viết: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ, dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc, khắc sâu dòng chữ: Minh Mệnh thập thất niên, năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”.
Vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật như chim, cá, san hô, ốc, đồi mồi, hải sâm và quần đảo này lại là vùng hiểm yếu, có nhiều bãi cát, đá ngầm gây tai nạn cho tàu thuyền qua lại. Một số tàu thuyền qua đây bị tai nạn, để lại một số vũ khí, của cải các loại. Các Châu bản viết về việc thu lượm sản vật, của cải của các đội Hoàng Sa. Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1938) viết: “Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được một súng đại bác bằng đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim và rùa biển”.
Châu bản còn viết về hoạt động cứu hộ của nhà Nguyễn đối với thuyền buôn nước ngoài. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với những đảo và bãi cát, bãi đá ngầm thường gây tai nạn cho những tàu thuyền qua đây. Điều đó đã được ghi nhận qua nhiều tư liệu từ thời chúa Nguyễn và tư liệu của nước ngoài. Châu bản ghi lại một số trường hợp tàu nước ngoài bị nạn tại Hoàng Sa đã được chính quyền nhà Nguyễn tổ chức cứu hộ. Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 11 (1830) 41 ghi lại và miêu tả khá cụ thể một tàu buôn của Pháp bị nạn ở Hoàng Sa. Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) viết: “Ngày 20 thuyền rời bến thì ngày 27 thấy tài phó Y – đóa và 11 thủy thủ trở về trên một thuyền nhẹ, cho biết ngày 21 thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập hơn 8 thước (3,2m), còn chủ thuyền và phái viên đem 2 hòm bạc cùng 15 thủy thủ lên một thuyền khác đi sau”. Được tin, Thủ ngự Đà Nẵng đã “lập tức cho thuyền tuần tiễu ở cửa tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm”. Châu bản ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 22 (1869) viết về việc 540 người tỉnh Phúc Kiến đi trên tàu buôn gặp nạn ở Hoàng Sa, Quan coi quản cửa biển Đà Nẵng đã cứu vớt và trợ giúp cho người bị nạn. Qua đây có thể thấy tinh thần trách nhiệm quản lý cương giới lãnh thổ của Vương triều Nguyễn.
Đặc biệt, các Châu bản đã viết về chế độ thưởng phạt đối với những người được cử ra Hoàng Sa, Trường Sa thi hành nhiệm vụ thực thi chủ quyền của đất nước. Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1937) viết: “Duy có việc Bộ thần đã xem xét công việc năm ngoái, các viên Quản suất, dẫn đường được phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt, còn binh, đinh được thưởng một tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền 2 quan. Lần này trở về, trừ bốn viên là bọn Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ân thưởng gia ân, nhưng việc ban thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không dám nghi bàn, duy có viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực, năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu, lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ”.
Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1938) viết về chế độ thuế đối với các tàu ra Hoàng Sa khai thác sản vật: “Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động hai chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với hai thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đấy theo Phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Nay thuyền đã trở về, thần xin đem số thuyền quá lệ để xin miễn trừ thuế năm nay. Thuế khóa của thuyền bè là rất quan trọng thần xin làm tờ tấu trình, cúi mong nhận được chỉ chuẩn. Tất cả các hạng thuyền phải nộp thuế cả năm là bao nhiêu cùng tên, tuổi, quê quán của chủ thuyền, theo từng khoản cung kính ghi phía sau. Thần kính cẩn tấu trình”.
Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Đây là loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến hầu hết các hoạt động triều đình. Châu bản được coi là tài liệu có ý giá trị pháp lý lịch sử bởi trong nó chứa đựng những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các Châu bản viết về hoạt động của đội Hoàng Sa là bằng chứng hùng hồn về việc Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng nhà nước, bởi nhà nước một cách hòa bình liên tục phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng các Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu chính thức của Vương triều Nguyễn có giá trị pháp lý cao trong việc khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý, làm chủ và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương càng làm tăng thêm giá trị của các Châu bản triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với giá trị của các văn bản, tư liệu lịch sử triều Nguyễn mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chứng cứ pháp lý, lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
BDN