BienDong.Net: Ngày 25/8, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời một quan chức Thái Lan với nội dung đề nghị các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đảm bảo không để leo thang căng thẳng trên khu vực Biển Đông bởi căng thẳng tại khu vực này sẽ ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình khu vực – yếu tố được coi là cơ sở cho sự phát triển kinh tế của các nước.
Các bên tranh chấp tại Biển Đông cần cùng nhau thảo luận để đi tới các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa các sự cố xảy ra trên biển, Thư ký thường trực kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết.Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các tập quán và luật quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, trong đó bao gồm các nỗ lực sớm kết thúc đàm phán bộ tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Ông Sihasak Phuangketkeow, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan. Ảnh: Pierre-Michel Virot
Trong bài phát biểu tại Hội nghị khu vực về “Tương lai của An ninh Châu Á – Thái Bình Dương: Các thách thức mới, Thúc đẩy quản lý và tăng cường hợp tác trên lĩnh vực hàng hải” được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 25/8, ông Sihasak cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà tất cả các bên cùng có lợi, như nghiên cứu môi trường, tìm kiếm cứu nạn.
Ông cho biết các nước lớn cần đóng vai trọng trong việc quản lý mối quan hệ giữa các nước này với nhau, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để giải quyết các vấn đề có liên quan đến hàng hải.
Trong xu thế có sự thay đổi về địa chính trị, ông Sihasak cũng nhấn mạnh nhu cầu cần phải tăng cường vai trò của các thể chế đa phương trong đó có hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) do các nước ASEAN khởi xướng.
Một việc chúng ta cần phải triển khai là đưa EAS thực sự trở thành diễn đàn có tính chiến lược, qua đó giúp quản lý các vấn đề hiện gây lo ngại cho các nước trong khu vực, ông cho biết.
Ông Sihasak cho rằng, mặc dù quan hệ địa – kinh tế trong khu vực vẫn duy trì đà phát triển ổn định với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng với các mối quan hệ được tăng cường, thì quan hệ địa – chính trị giữa các nước trong khu vực không phát triển theo xu hướng tích cực như vậy.
Ông Sihasak gọi đây là sự tương phản giữa quan hệ địa – kinh tế gia tăng và quan hệ địa – chính trị thụt lùi.
Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đối mặt với “các điểm nóng khu vực”, như tranh chấp lãnh hải do có sự chồng lấn về tuyên bố chủ quyền trên biển, các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng lương thực, năng lượng và nguồn nước tới các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Ông cho biết khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua những thay đổi quan trọng mang tính chất chiến lược. Những thay đổi này có liên quan tới các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Ấn Độ và Nga là các nước đang tìm cách gia tăng vai trò tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ông cũng cho rằng hơn bao giờ hết, ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm của mình.
ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò là diễn đàn cho các cơ chế đối thoại và hợp tác cho tất cả các nước, qua đó giải quyết được các bất đồng còn tồn tại, ông Sihasak cho biết.
BDN