Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia đề nghị cung cấp căn cứ cho máy bay do thám...

Malaysia đề nghị cung cấp căn cứ cho máy bay do thám Mỹ

BienDong.Net: Theo báo New York Times dẫn lời một một chuyên gia phân tích, đề nghị của Malaysia về việc cung cấp căn cứ cho máy bay do thám của Mỹ hoạt động tại khu vực Đông Malaysia và vành đai phía nam Biển Đông nhiều khả năng sẽ làm gia tăng sự tức giận của Trung Quốc đối với các hoạt động do thám của Mỹ trên các tuyến hàng hải chiến lược và các quần đảo tranh chấp.

Đô đốc Jonathan Greenert – lãnh đạo các chiến dịch hải quân Mỹ, phát biểu trong một cuộc hội thảo ở Washington DC tuần trước cho biết, đề nghị gần đây của Malaysia về việc cho phép máy bay P-8 Poseidon sử dụng khu vực phía đông của nước này làm căn cứ sẽ giúp Mỹ tiếp cận nhanh hơn với khu vực Biển Đông.

Malaysia, nước có quan hệ tốt với Trung Quốc, vẫn chưa đưa ra xác nhận chính thức về đề nghị này. Mỹ đã tuyên bố sẽ duy trì ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, và trong năm nay Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Philippines về việc cho phép quân đội, tàu chiến và máy bay Mỹ tiếp cận các căn cứ quân đội của nước này.

Phát biểu của Đô đốc Greenert được đưa ra một ngày trước khi tướng Fan Changlong, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nói với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, trong chuyến thăm của bà tới Bắc Kinh rằng chính quyền Obama nên dừng các hoạt động do thám trên khu vực Biển Đông và dọc bờ biển Trung Quốc.

Khi Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh hoạt động tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và tăng cường đội tàu ngầm, nước này đã thách thức quyền của Mỹ tiến hành các chuyến bay do thám trên khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Cùng với các chức năng khác, máy bay P-8 Poseidon có thể phát hiện ra tàu ngầm.

Tháng trước, một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay trong phạm vi cách một chiếc máy bay P-8 của Mỹ chỉ 10 mét, và suýt gây ra một vụ va chạm trên không, Lầu Năm Góc cho biết. Chiếc máy bay P-8 này là một loại máy bay mới, bay ở tầm cao và có tốc độ lớn, được sản xuất bởi hãng Boeing và được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại. Chiếc máy bay này nằm trong phi đội gồm 6 chiếc máy bay cùng loại, được bố trí hoạt động tại căn cứ Kadena ở Nhật Bản từ năm ngoái. Lầu Năm Góc hiện còn hơn 100 đơn đặt hàng máy bay P-8 tại hãng Boeing.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein trong phần trả lời tại một cuộc họp báo về việc liệu chính quyền Malaysia đã cho phép các máy bay Mỹ hoạt động ở khu vực phía đông Malaysia đã trả lời rằng “Điều đó là không chính xác”.

Các cuộc thảo luận giữa Malaysia và Mỹ về việc sử dụng sân bay quân sự tại Sabah ở khu vực đông bắc Malaysia đã diễn ra một thời gian, theo một nhà ngoại giao cấp cao của Châu Á, người có nhiều thông tin về các cuộc thảo luận này. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này không muốn tiết lộ danh tính bởi sự bí mật của vấn đề.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa có phát ngôn chính thức liên quan tới tin này.

Malaysia, không giống như Philippines và Việt Nam, có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc mặc dù nước này cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Ví dụ, Malaysia tuyên bố chủ tuyền tại James Shoal chỉ 50 dặm tính từ bờ biển nước này song có khoảng cách tới 930 dặm từ đại lục Trung Quốc. Trung Quốc cho biết bãi đá này đánh dấu khu vực tận cùng phía Nam của đường chín đoạn, một đường ranh giới trên bản đồ do người Trung Quốc vẽ ra sau Chiến tranh thế giới II mà Trung Quốc cho là biên giới của nước này trên Biển Đông – một đường biên giới mà không có nước nào công nhận.

Công ty dầu lửa Petronas của Malaysia đang tiến hành thăm dò dầu khí trong khu vực đường chín đoạn mà không có sự trả đũa của Trung Quốc.

Đằng sau thiện chí của hai nước, Malaysia đã cảm thấy nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự, và tìm cách cân bằng thông qua Mỹ, nhà ngoại giao cấp cao Châu Á cho biết.

Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Greenert cho biết, “Chúng ta có cơ hội ở đây, và tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng các cơ hội này”.

Đề nghị của Malaysia cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân một phần là do “Trung Quốc gây bất ngờ cho Malaysia trong việc đưa tàu chiến vào vùng biển nước này và đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của Malaysia”, Ernie Bower, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết.

Malaysia cũng bị áp lực từ phía Trung Quốc sau khi chiếc máy bay MH370 mang theo 153 hành khách Trung Quốc bị mất tích trên đường tới Bắc Kinh hồi tháng Ba.

Trung Quốc sẽ hiểu một thỏa thuận giữa Mỹ và Malaysia là một thách thức trực tiếp tới quan điểm của nước này về việc các máy bay do thám của Mỹ tại khu vực là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, Wu Xinbo, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ thuôc Đại học Fudan, Thượng Hải cho biết.

Mỹ tuyên bố các máy của nước ngoài được phép bay trong khu vực ngoài 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc tuyên bố các máy bay nước ngoài không có quyền được bay trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà không được phép.

“Thông qua thỏa thuận này với Malaysia, Mỹ ngầm ý rằng ‘Các nước láng giềng của quý vị chấp nhận các chuyến bay do thám này, thì tại sao quý vị lại phàn nàn?’ “, ông Wu cho biết.

Mục tiêu của Mỹ trong việc sử dụng Malaysia làm căn cứ cho các máy bay do thám là một vấn đề gây sức ép đối với Trung Quốc và khả năng quân sự của nước này. “Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có chấp nhận thất bại trước sức ép của Mỹ và liệu sức ép gia tăng có làm thay đổi các hành vi của Trung Quốc”, ông Wu cho biết.

Trong bài phát biểu, Đô đốc Greenert cho biết ông đã gặp Đô đốc Wu Shengli – lãnh đạo Hải quân Trung Quốc bốn lần trong năm ngoái và đã thiết lập quan hệ tốt, mặc dù vậy ông cho biết là Mỹ sẽ không từ bỏ các hoạt động trên Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới