Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhà Trắng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc chấm...

Nhà Trắng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc chấm dứt các chuyến bay do thám

BienDong.Net: Theo hãng tin Washington Free Beacon, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các chuyến bay do thám mặc dù lãnh đạo Trung Quốc đã gây sức ép lên Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice trong chuyến thăm của bà tới Trung Quốc vào tuần trước.

Một quan chức chính quyền Mỹ, khi trả lời phỏng vấn Washington Free Beacon, cho biết: “Chúng tôi đã khẳng định rằng các chuyến bay này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, và chúng tôi không có kế hoạch thay đổi dưới sức ép của Trung Quốc”.

 

Hôm 9/9, bà Rice bị các quan chức Trung Quốc, trong đó có tướng Fan Changlong – Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, gây sức ép, yêu cầu Mỹ chấm dứt các chuyến bay do thám trên biển sau một vụ đối đầu nguy hiểm giữa một chiếc máy bay Su-27 của Trung Quốc và một chiếc máy bay P-8 của hải quân Mỹ trên khu vực Biển Đông.

Ngày 19/8 vừa qua, chiếc máy bay của Trung Quốc đã bay với khoảng cách chưa đến 10 mét so với chiếc máy bay P-8 trong một vụ đối đầu mà Lầu Năm Góc gọi là nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Patrick Ventrell đã xác nhận rằng vấn đề các chuyên báy do thám của Mỹ đã được đề cập trong các cuộc gặp của bà Rice tại Bắc Kinh song đã từ chối không đề cập việc bà đã trả lời đề nghị của phía Trung Quốc như thế nào.

Khi trả lời email, ông tuyên bố: “Các quan chức Mỹ kiên quyết lập trường bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với phía Trung Quốc về hành động chặn máy bay thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm. Các vụ đối đầu này trực tiếp đe dọa an toàn của phi hành đoàn, không tuân theo luật tập quán quốc tế và cản trở sự phát triển mối quan hệ quân sự giữa hai nước.”

“Mỹ tiến hành các chuyến bay quân sự thường kỳ trong khu vực không phận quốc tế và đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực”, ông cho biết. “Những chuyến bay này là phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: Vấn đề này cũng được thảo luận trong cuộc gặp của bà Rice với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các quan chức cho biết, đã có sự lo ngại trong giới quân sự Mỹ rằng Nhà Trắng có thể nhượng bộ trước đề nghị của Trung Quốc về việc chấm dứt các chuyến bay do thám sau các cuộc hội đàm của bà Rice.

Giới quân sự Trung Quốc không đồng ý với quan điểm của Mỹ rằng phi công của họ bay quá gần với máy bay P-8 của Mỹ và khẳng định rằng phi công của họ đã làm việc một cách chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết, chiếc máy bay Su-27 đã nhào lộn qua đầu chiếc máy bay P-8 và có lúc đã bay với khoảng cách chưa đến 10 mét. Lầu Năm Góc có video quay lại vụ đối đầu song vẫn chưa công bố đoạn video này.

Sự cố trên được coi là vụ ngăn chặn trên không nguy hiểm nhất kể từ vụ va chạm trên không hồi tháng 4/2001 giữa một máy bay J-8 của Trung Quốc và một báy bay do thám EP-3 của Mỹ. Chiếc máy bay của Trung Quốc bị hỏng và phi công của Trung Quốc bị thiệt mạng. Chiếc máy bay EP-3 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn bị giam giữ trong thời gian 11 ngày.

Trong cuộc hội đàm tuần trước, ông Fan đã nói với bà Rice rằng Mỹ cần phải chấm dứt các hoạt động do thám trên không và trên biển dọc bờ biển Trung Quốc, theo tin từ Tân Hoa Xã.

Theo ông Fan, Mỹ phải có quan điểm “đúng đắn” về việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và “giảm thiểu và thậm chí chấm dứt các hoạt động do thám trên không và trên biển gần Trung Quốc”.

Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ thúc đẩy xây dựng một mối quan hệ quân sự Mỹ – Trung với các bước đi vững chắc”, ông Fan – người được cho là lãnh đạo quyền lực nhất của quân đội Trung Quốc, cho biết.

Lầu Năm Góc công bố vụ đối đầu của chiếc máy bay P – 8 vài ngày sau khi vụ việc diễn ra và khẳng định rằng các vụ chặn máy bay nguy hiểm tương tự đã diễn ra và sẽ gây cản trở mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Lầu Năm Góc đã tiến hành một chương trình hợp tác quân sự tham vọng với Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã tăng cường gây rối máy bay Mỹ trong năm nay.

Tăng cường hoạt động do thám là một trong các yếu tố quan trọng trong chiến lược tái cân bằng hướng tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama, nhằm mục đích giám sát Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng phần lớn diễn ra trong bí mật thời gian qua.

Các yếu tố quan trọng khác của chiến lược này bao gồm tái bố trí lại tàu chiến và tàu ngầm trong khu vực và tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Sự bác bỏ của Nhà Trắng đối với đề nghị của Trung Quốc có nội dung thống nhất với phát biểu của Đô đốc Jonathan Greenert tuần trước.

“Chúng ta sẽ tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế”, vị đô đốc này cho biết. “Chúng tôi đã bày tỏ quan điểm rằng hoạt động do thám sẽ tiếp tục diễn ra”.

Sau bài phát biểu tại Carnegie Endowment, ông Greenert cũng cho biết Malaysia sẽ cung cấp căn cứ cho các máy bay P – 8 trong tương lai.

“Gần đây Malaysia đã đề nghị sẽ cung cấp căn cứ cho các máy bay P – 8 ngay tại khu vực phía đông Malaysisa, ông cho biết. “Khu vực này rất gần với Biển Đông”.

Các cuộc đàm phán về việc Malaysia cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại Sabah ở phía đông bắc nước này, đã diễn ra một thời gian.

Việc Mỹ triển khai máy bay P – 8 tại khu vực này sẽ làm Trung Quốc thất vọng bởi Trung Quốc tuyên bố hầu hết khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc, gây giận dữ cho các nước láng giềng.

Bà Rice đã đến Bắc Kinh để thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Trung Quốc vào tháng 11 dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Trong các cuộc hội đàm, bà Rice cho biết giới quân sự hai nước sẽ tiếp tục hợp tác hướng tới tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các hoạt động quân sự của hai nước trong không phận và các vùng biển quốc tế trong khu vực.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới