Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBáo chí Đức: Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng trên...

Báo chí Đức: Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông

BienDong.Net: Trả lời phỏng vấn của hãng DW có trụ sở tại Đức, nhà nghiên cứu Gregory Poling thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho biết: Bất chấp sự phản đối của Philippines, Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền của nước này trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết liên quan đến chủ quyền quần đảo.

“Hàng triệu tấn đá và cát đã được nạo vét từ đáy biển và đưa lên các bãi đá ngầm để xây dựng các đảo nhân tạo. Các xe chở xi măng, cần trục xây dựng, ống thép lớn và ánh sáng phát ra từ các mỏ hàn điện”. Đó là những từ ngữ mà nhà báo Rupert Wingfield – Hayes của đài BBC đã sử dụng để mô tả các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đá Gạc Ma thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Theo các nhà nghiên cứu James Hardy và Sean O’Connor thuộc hãng IHS Jane, cho đến đầu năm 2014, công trình nhân tạo duy nhất trên bãi đá ngầm này là một tòa nhà bằng bê tông là nơi lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc, đồn trú quân đội và cầu tàu. Tuy nhiên, tòa nhà này hiện nay đã được bao quanh bởi một hòn đảo nhân tạo với khoảng cách giữa hai điểm xa nhất lên đến 400 mét và rộng 100.000 mét vuông, các chuyên gia này đã cho biết trong một báo cáo gần đây.

Trung Quốc hiện đang xây dựng 5 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm, là một phần của các dự án lấn biển. Philippines đã phản đối các động thái này của Trung Quốc, cho rằng các đảo nhân tạo này có thể được sử dụng để xây dựng sân bay hoặc căn cứ quân sự trên biển trong một khu vực căng thẳng đang gia tăng. Năm ngoái, Philippines đã chính thức gửi đơn kiện lên Liên Hợp Quốc phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian tòa án thụ lý đơn kiện, hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Gregory Poling, chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á thuộc CSIS trả lời phỏng vấn của hãng DW rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng, từ đó nhằm mục đích ngây khó khăn cho tòa án trong việc xác định tình trạng ban đầu của các bãi đá ngầm này.

DW: Tại sao Trung Quốc lại xây dựng các đảo nhân tạo này trên Biển Đông?

Gregory Poling: Việc Trung Quốc lựa chọn xây dựng năm đảo nhân tạo này trên nền các đảo, đá, đảo nửa chìm nửa nổi – là các đảo được đề cập trong vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc lên tòa án quốc tế – không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng thay đổi nguyên trạng thực địa nhằm gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định tình trạng ban đầu của các bãi đá ngầm này.

Có thể các đảo này sẽ là nơi Trung Quốc sử dụng cho các máy bay quân sự cỡ nhỏ và tàu tuần tra, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này. Những đảo nhân tạo này nhiều khả năng sẽ không có năng lực lớn trong tương lai như Đài Loan đã làm trên đảo Ba Bình và Việt Nam đã làm trên đảo Trường Sa.

Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo này trong bao lâu?

Hoạt động xây dựng và lấn biển mà Trung Quốc tiến hành trên quần đảo Trường Sa không phải là mới – Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên đảo Vành Khăn ngay sau khi Trung Quốc chiếm đảo này năm 1995. Cũng cần phải nhớ rằng vào thời điểm Trung Quốc tiến ra quần đảo Trường Sa những năm 1980, khu vực này chỉ còn lại các đảo nửa chìm nửa nổi, đảo đá và bãi đá ngầm.

Hoạt động lấn biển của Trung Quốc bao gồm việc nạo vét đá và cát từ đáy biển và đổ lên các bãi đá ngầm. Quá trình này được diễn ra từng bước, che lấp trạng thái ban đầu của các bãi đá ngầm ở phía dưới.

Sau đó chỗ cát này được san phẳng bởi các máy ủi và các thiết bị khác. Khi một diện tích đất nhất định được tạo ra, Trung Quốc xây một hàng rào bê tông bao quanh để chống xói mòn và những cơn bão, cũng giống như Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam đã làm với các hòn đảo khác mà họ hiện đang chiếm giữ. Sau đó Trung Quốc tiến hành xây dựng bến tàu, bãi đỗ trực thăng, các cơ sở quân sự và dân sự và có khả năng xây dựng các sân bay nhỏ.

Tại sao Trung Quốc lại chọn những địa điểm này trên Biển Đông để xây dựng các đảo nhân tạo?

Lý do chính trị và pháp lý đằng sau hoạt động xây dựng này của Trung Quốc xuất phát từ địa vị pháp lý của các bãi đá nửa nổi nửa chìm và đảo đá, một điều mà Trung Quốc muốn che dấu. Không có đảo nào trong số này nằm gần khu vực có nhiều dầu khí, nguồn lực kinh tế khác cũng không đáng kể, trong khi rất khó có thể xác định các hoạt động xây dựng này sẽ hỗ trợ như thế nào cho hoạt động đánh cá.

Về mặt luật pháp, địa vị pháp lý của các đảo này có thay đổi gì không nếu như Trung Quốc đưa người đến các đảo này?

Việc đưa người lên đảo sẽ hầu như không tạo ra thay đổi gì về mặt pháp lý. Liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với các đảo, bất kỳ tòa án nào cũng sẽ xác định rằng “ngày quyết định” – một thuật ngữ pháp lý để xác định ngày mà tranh chấp giữa các quốc gia được hình thành mà sau đó bất cứ thay đổi nào trên thực địa sẽ không ảnh hưởng tới địa vị pháp lý – đã trôi qua từ lâu trong quá khứ.

Đối với việc liệu các công trình xây dựng và lấn biển này có ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của các đảo nhân tạo giống như các đảo tự nhiên đối với các vùng biển xung quanh và thềm lục địa, hoặc chỉ là các đảo đá và đảo nửa chìm nửa nổi, câu trả lời chắc chắn là “không”.

Phần lớn các học giả về luật quốc tế đã đi kết luận rằng các hoạt động lấn biển không làm thay đổi tình trạng của đảo. Các hoạt động này chỉ đơn thuần tạo ra một “đảo nhân tạo”, mà theo Công ước Quốc tế về Luật biển, không tạo ra chủ quyền đối với các vùng biển và thềm lục địa ở xung quanh. Tất nhiên, các hoạt động lấn biển này sẽ làm các tòa án trong tương lai không thể xác định được tình trạng ban đầu của các đảo này, do đó các công trình của Trung Quốc có thể làm thay đổi quá trình xét xử.

Liệu có phải Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ với các đảo này?

Vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đây là một tiền lệ. Cho tới nay, các bên tuyên bố chủ quyền khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ rằng hoạt động lấn biển này vi phạm tinh thần của Tuyên bố của các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông năm 2002 (DOC). Hi vọng điều đó có nghĩa là họ sẽ kiềm chế thực hiện các hoạt động tương tự trên các đảo mà họ đang chiếm giữ. Philippines nhiều khả năng sẽ không thực hiện hành động này bởi nước này đang trong một vụ kiện Trung Quốc về địa vị pháp lý của các bãi đá ngầm và sẽ không muốn đưa ra hành động đi ngược lại với các lý lẽ của mình.

Việt Nam cũng nhiều khả năng sẽ không thực hiện các hành động này trong tương lai gần, tuy nhiên nước này đang chiếm giữ một số lượng lớn các đảo đá và đảo nửa nổi nửa chìm và do vậy có thể sẽ phải đối mặt với sức ép phải củng cố địa vị pháp lý của các đảo trước khi tòa án đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines có thể làm gì để phản ứng lại hoạt động của Trung Quốc?

Phần lớn các biện pháp họ đang tiến hành hiện nay bao gồm việc nhấn mạnh tính bất hợp pháp trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng như việc các hoạt động này vi phạm tinh thần và nội dung của các văn kiện đã ký kết. Việc chỉ trích Trung Quốc trên trường quốc tế hiện là biện pháp tốt nhất của Việt Nam và Philippines cho đến khi vụ kiện của Philippines chứng tỏ luật pháp có lợi cho hai nước hay không.

Trong thời gian chờ đợi, một việc mà Philippines và Việt Nam nên làm là có các nỗ lực cùng nhau để lật tẩy ý đồ của Trung Quốc trong việc che giấu địa vị pháp lý thực của các đảo này, thông qua việc đo đạc chính xác đặc điểm địa lý của các đảo này trước khi các hoạt động lấn biển của Trung Quốc khiến cho việc xác định đặc điểm địa lý ban đầu trở lên bất khả thi.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới