Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỆN PHÁP XÂY DỰNG LÒNG TIN TẠI BIỂN ĐÔNG THÔNG QUA TRỌNG...

BIỆN PHÁP XÂY DỰNG LÒNG TIN TẠI BIỂN ĐÔNG THÔNG QUA TRỌNG TÀI VÀ TÒA ÁN QUỐC TẾ

BienDong.Net: Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ hôm 30/9 đã xuất bản bài viết về một số biện pháp xây dựng lòng tin trong giải quyết vấn đề Biển Đông của GS. Jerome Cohen, Giám đốc Viện Luật Mỹ – Á thuộc Đại học Luật New York.

Nội dung bài viết chỉ trích các hoạt động đơn phương, coi thường luật pháp quốc tế của TQ tại Biển Đông; khuyến khích các quốc gia có tranh chấp với TQ bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua việc xây dựng lòng tin, nhất là sử dụng biện pháp pháp lý. BDN xin giới thiệu bản dịch bài viết này của GS. Cohen.

 

Có nhiều biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) cho các bên mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình hoặc giới hạn mức độ quan trọng hoặc ít nhất là giảm căng thẳng có liên quan. Trong hơn thập kỷ qua, các nhà bình luận có quan tâm đã đưa ra hàng loạt biện pháp xây dựng lòng tin được cho là hữu ích trong việc nâng cao triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, và một số biện pháp đã được thử nghiệm. Tuy vậy, tình hình dường như chuyển biến theo hướng ngày càng xấu đi.

Với nỗ lực nhằm giảm bớt những xung đột nguy hiểm tại Biển Đông, các diễn giả trong phiên thảo luận sáng nay đã trình bày những phân tích và đề xuất có giá trị về biện pháp xây dựng lòng tin. Tôi muốn bổ sung thêm một vài ý, mặc dù những ý kiến này khó có thể coi là mới. Thí dụ, tôi mong muốn tất cả các bên, bao gồm cả Đài Loan, hợp tác trong việc thành lập nhóm làm việc chuyên gia (expert working group) để thống nhất danh sách các cấu tạo vật chất trên Biển Đông và phân loại từng cấu tạo vật chất này thành thành đảo, đá, đá ngầm… một cách hợp lý.

Đối với những tranh chấp chính, tôi cũng mong muốn thành lập các nhóm làm việc chuyên gia phi chính phủ liên tục, không chính thức – có thể gồm những thành viên ngoài các bên tranh chấp – để đề xuất hàng loạt giải pháp đối với từng tranh chấp và tổ chức các cuộc gặp không chính thức với quan chức các bên, cùng nhau hay riêng biệt, để đánh giá tính khả thi của các đề xuất và điều chỉnh các đề xuất này. Mỗi nhóm làm việc chuyên gia có thể có trụ sở trung lập, cố định và tổ chức các cuộc gặp tại nhiều địa điểm khác nhau.

Tuy nhiên, các biện pháp xây dựng lòng tin không thể có hiệu quả nếu các bên tranh chấp chính không có thiện chí phối hợp và quan tâm tới những lợi ích chung cũng như các thủ tục và kết quả hơn là những điều họ coi là tối ưu. Nếu không có thiện chí sẽ không có cách giả quyết. Cụ thể, nếu Trung Quốc nhất định cho rằng không có tranh chấp nào cần giải quyết liên quan chủ quyền lãnh thổ đối với các cấu tạo vật chất mà nước này chiếm đóng, bằng vũ lực hoặc cách thức khác, thì khó thấy được vai trò của các biện pháp xây dựng lòng tin. Tương tự, nếu Trung Quốc nhất định cho rằng, liên quan luật về các vấn đề biển mà họ cho là có tranh chấp, đàm phán song phương là biện pháp hợp pháp duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp thì vai trò của các biện pháp xây dựng lòng tin sẽ bị hạn chế và kết quả chắc chắn sẽ phản ánh sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị áp đảo mà Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán.

Về nguyên tắc, chúng ta không nên loại trừ khả năng lãnh đạo Trung Quốc, do chứng kiến các kết quả của chính sách và hành động gần đây của họ liên quan vấn đề Biển Đông, có thể quyết định sẽ tiếp tục thực hiện những gì họ đã làm trong một số trường hợp khác khi đối mặt với những thách thức ngoại giao khó khăn, nghĩa là thể hiện khả năng phản ứng sáng tạo, linh hoạt và thực sự táo bạo khiến cho cộng đồng quốc tế ngạc nhiên và hài lòng. Hãy trở lại với Tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972 và các điều khoản mà Trung Quốc nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ gần bảy năm sau đó. Hãy nhớ lại Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 và việc vận dụng tốt khái niệm về “một quốc gia, hai chế độ” đối với Hồng Kông. Đặc biệt lưu ý là sự nhượng bộ khác thường, gần như là nhục nhã, mà Trung Quốc đã chấp nhận một cách khôn ngoan để được gia nhập WTO. Và, chắc chắn không ít trong số những tiền lệ ấn tượng này là thiện ý của Trung Quốc trong việc phát triển cách thức “bán chính thức” cho phép Trung Quốc và Đài Loan nhất trí không dưới 21 thỏa thuận giữa hai bờ trên cơ sở bình đẳng, mặc dù Bắc Kinh thường thể hiện lập trường rằng chính quyền trung ương của Trung Quốc không bao giờ đàm phán chỉ với một tỉnh của Trung Quốc một cách bình đẳng!

Nếu Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự khôn ngoan và kỹ năng ngoại giao tương tự đối với Biển Đông, nước này sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay và hàn gắn quan hệ với Việt Nam, Philippines và các bên tranh chấp khác cũng như Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, Trung Quốc đã sử dụng chính sách bành trướng dần dần mà họ thử nghiệm lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ trước nhưng đã làm dấy lên mối quan ngại ngày càng tăng về sự trỗi dậy của nước này trong những năm gần đây.

Thí dụ, lãnh đạo mới của Trung Quốc ít thể hiện thiện chí để đổi mới và thỏa hiệp, dẫn đến những dàn xếp được hai bên chấp nhận về biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc và sự bất đồng về những vùng biển trên Vịnh Bắc Bộ. Tập Cận Bình đang tự chứng minh rằng ông ta rất khác so với Giang Trạch Dân trong lĩnh vực này, chưa kể đến Đặng Tiểu Bình. Mặc dù ông Tập đã công nhận luật pháp trong cộng đồng quốc tế và, chỉ trong tuần qua tại Seoul, đã mô tả Trung Quốc là “quốc gia hòa bình” và kêu gọi “công lý và lợi ích đôi bên trong quan hệ quốc tế”, ông dường như sẵn sàng đàm phán vấn đề Biển Đông chỉ theo cách riêng của ông.

Khi quan điểm này tồn tại, các biện pháp xây dựng lòng tin thông thường không có tác dụng. Tất nhiên, không nên bỏ những biện pháp này, và các nước phản đối yêu sách của Trung Quốc nên thể hiện sự khéo léo, thuyết phục và kiên nhẫn với hy vọng có thể làm cho các biện pháp xây dựng lòng tin hấp dẫn hơn đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, sẽ là không khôn ngoan khi bỏ qua cơ hội nhận được sự phán xét công bằng đối với các tranh chấp bởi tòa án và trọng tài quốc tế.

Việc dựa vào sự trợ giúp của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và các toà trọng tài có thẩm quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không phải là một giải pháp triệt để cho tất cả các vấn đề phức tạp diễn ra trên Biển Đông nhưng có thể giải quyết một số vấn đề thành phần và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết cho các vấn đề khác. Thí dụ, nếu ICJ có cơ hội xem xét vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa thì cơ quan này có thể đưa ra một quyết định khôn ngoan “đôi bên đều có lợi” để tạo ra sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được mà chính trị có thể ngăn cản các bên tranh chấp đạt được mục đích riêng.

Hoặc nếu tòa trọng tài UNCLOS có thể bác bỏ “đường chín đoạn”, nằm trên Biển Đông như cơn ác mộng, của Trung Quốc thì đó sẽ là một bước tiến khổng lồ trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan, giống như nỗ lực mà trọng tài xử vụ kiện của Philippines hy vọng có thể chứng minh được. Trọng tài trong vụ kiện của Philippines cũng có thể làm rõ về việc áp dụng các điều khoản UNCLOS cần giải thích, chẳng hạn như sự khác biệt chủ yếu giữa một “đảo” và “bãi đá” trong Điều 121.3. Như Peter Dutton đã chỉ ra, các bên tìm cách giải quyết tranh chấp trong bối cảnh tôn trọng lẫn nhau vì thiện chí chung sẽ tìm ra những tiền lệ về luật pháp quốc tế đa dạng cho việc áp dụng sáng tạo trong kiện tụng quốc tế.

Thật không may, Chính phủ Trung Quốc, như một phần không thể tách rời của những gì dường như đối với nhiều nhà quan sát là chính sách không khoan nhượng gia tăng, gần đây bắt đầu lập luận rằng việc thông qua tòa án và trọng tài quốc tế không được coi biện pháp giải quyết tranh chấp “hòa bình” và chỉ đàm phán mới hợp pháp. Điều này tất nhiên là sự bóp mép trắng trợn thông lệ quốc tế truyền thống và hệ thống hiệp ước sau Thế chiến thứ II được công nhận rộng rãi, bắt đầu là Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 33 của Hiến chương quy định rõ không chỉ đàm phán mà “việc dàn xếp, hòa giải, thông qua trọng tài, xét xử thông qua tòa án, thông qua các tổ chức hoặc thỏa thuận khu vực, hoặc biện pháp hòa bình khác” cũng như thông qua chính LHQ. Tuy nhiên, để củng cố lập luận của mình, Trung Quốc đã bắt đầu bao hàm, một cách sai lầm, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký kết với ASEAN (DOC) là một biên bản mang tính ràng buộc trong đó các bên đồng ý từ bỏ quyền giải quyết các tranh chấp của họ cho một tổ chức gồm các chuyên gia pháp lý công minh.

Thật vậy, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Philippines Aquino gần đây kêu gọi sử dụng luật pháp luật để giải quyết tranh chấp trong khu vực, ngày 27 tháng 6 Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA), rõ ràng lo ngại rằng Nhật Bản cũng có thể dựa vào việc kiện tụng như một vũ khí phòng thủ, đã cáo buộc những nước trên “khiêu khích, khuấy động căng thẳng… và phỉ báng các nước khác khi viện cớ về luật pháp”. Điều này chắc chắn cũng có nghĩa là sự cảnh báo đối với Việt Nam, mà Thủ tướng nước này, trong chuyến thăm gần đây tới Manila, đã hể hiện quan điểm rõ ràng hơn Thủ tướng Nhật Bản Abe, rằng, nếu nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh vẫn không có kết quả, Hà Nội cũng sẽ đệ trình hồ sơ kiện đối với Bắc Kinh, đây sẽ là một đòn choáng váng đối với sự quyết đoán của Bắc Kinh.

Do ở thế phòng thủ vì Trung Quốc đã từ chối biện hộ cho các lập luận của họ theo UNCLOS trước tòa trọng tài quốc tế do Philippines triệu tập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, một cách thiếu thuyết phục, rằng Trung Quốc không ngần ngại đưa ra bằng chứng trước tòa trọng tài nhưng đã từ chối cơ hội đó vì “đó là quyền của Trung Quốc được làm như vậy theo UNCLOS”. Tuy nhiên, UNCLOS không cho phép Trung Quốc hay bất kỳ bên nào khác của Công ước trên chống lại phán quyết bất lợi bởi tòa trọng tài, dù nước đó có tham gia thủ tục pháp lý của trọng tài hay không.

Thực tế là Trung Quốc và tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông đã tự ràng buộc với UNCLOS, và hệ thống trọng tài/tòa án của Công ước này là sự phản bác rõ ràng đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạ thấp uy tín của hệ thống đó và các nước đang ra sức kêu gọi sự trợ giúp của hệ thống này. Tòa trọng tài có thể quyết định hoặc không quyết định rằng tòa thiếu thẩm quyền đối với vụ kiện do những ngoại lệ mà phía Trung Quốc đưa ra liên quan thời điểm nước này tham gia UNCLOS, nhưng đó là do quyết định của các chuyên gia công minh của tòa trọng tài, không do quyết định đơn phương của Trung Quốc, Philippines hay bất kỳ bên nào mà có thể tham gia vụ kiện.

Chắc chắn rằng, nếu không có suy nghĩ sáng suốt và “cải cách tư tưởng” đáng kể, thì TQ sẽ khó có thể xem việc thông qua trọng tài và tòa án quốc tế là các biện pháp xây dựng lòng tin tiềm năng, do những biện pháp này sẽ được xem xét nếu các bên tranh chấp quan tâm tới những lợi ích chung mang tính lâu dài. Về nguyên tắc, do truyền thống pháp lý nội địa hàng nghìn năm của Trung Quốc, việc hòa giải thông qua bên thứ ba, bởi ASEAN, Liên Hợp Quốc hoặc một tổ chức công minh khác, sẽ khiến Bắc Kinh dễ dàng chấp nhận việc kiện tụng hơn và dễ được công nhận là biện pháp xây dựng lòng tin hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng bác bỏ khả năng đó. Do Trung Quốc muốn coi xung đột như “tranh chấp”, nước này cố tình sử dụng đàm phán song phương để cho phép họ huy động sức mạnh không thể phản kháng, và gây phiền nhiễu cho những quốc gia bất đồng! Tân Hoa Xã (Xinhua) đề cập việc này không mấy tế nhị khi bình luận về các nỗ lực tuyệt vọng của Philippines trong việc truy tố ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ tại những vùng biển tranh chấp cách lãnh thổ không có tranh chấp của Philippines 60 hải lý và cách lãnh thổ không có tranh chấp của Trung Quốc 650 hải lý: “Sự thiếu hiểu biết về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng mà một số quốc gia nào đó phải gánh chịu”.

Liệu ASEAN có thể tìm ra được những biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả hơn không? Điều này dường như không thể về mặt chính trị. Còn LHQ thì sao? Việt Nam đã gửi thư kèm công hàm phản đối TQ cho Tổng thư ký LHQ, yêu cầu luân chuyển cho các thành viên LHQ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và thể hiện nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng do TQ hạ đặt giàn khoan 981 ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.

Việc này đã khích động TQ tăng cường các biện pháp bảo vệ lập trường gây quan ngại, nhưng chi tiết hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ít nhất là tại điểm này, Hội đồng bảo an hoặc Đại hội đồng không thể đóng vai trò gì vì Việt Nam và TQ tin rằng không thể đạt được kết quả về chính trị từ hai diễn đàn này. Việt Nam biết rằng không thể đánh bại TQ tại LHQ, trong khi TQ miễn cưỡng “quốc tế hóa” hơn nữa vấn đề này, vì việc đó có thể làm giảm những lợi thế lớn mà Trung Quốc đang có khi theo đuổi chính sách đối với các bên tranh chấp yếu hơn về quân sự và kinh tế ở xung quanh.

Liệu Mỹ có vai trò ở đây không? Mặc dù không can dự vào vấn đề Biển Đông, song Mỹ không ngừng ủng hộ Philippines trong việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và cả các quốc gia đang dự tính những bước đi tương tự. Brad Glosserman mới đây lưu ý rằng cách hành xử gần đây Trung Quốc “đã nhấn mạnh tính cấp bách của việc Mỹ kêu gọi củng cố các tổ chức và cơ chế của trật tự quốc tế, đặc biệt liên quan đến các quy định của luật pháp và biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp”. Tuy nhiên, Mỹ đang trong tình trạng yếu thế, không thể làm gì hơn việc đứng ngoài phát biểu vì nước này chưa phê chuẩn việc tham gia UNCLOS, là hệ thống quốc tế quan trọng có liên quan.

Để tìm hiểu triết lý đằng sau chính sách hiện nay của Trung Quốc, cần chú ý đến việc giải thích lại đáng chú ý về sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc được Zhang Jiangang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Hàng hải tại Đại học Hải Dương Quảng Đông đưa ra ngày 16/6. Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện ở phiên bản tiếng Anh trên tờ Global Times, một chuyên trang của tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói đáng tin cậy Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù Global Times thiếu thẩm quyền của cơ quan chủ quản, tờ báo này thường nêu quan điểm phân tích sâu sắc của ít nhất là một số lãnh đạo Đảng.

Ông Zhang nhấn mạnh rằng “trỗi dậy hòa bình không có nghĩa là bỏ việc sử dụng vũ lực hoàn toàn”. Ông nói: “Chiến lược phát triển hòa bình vĩ mô” của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nếu chúng ta sử dụng vũ lực một cách có chọn lựa trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Thí dụ, chúng ta có thể sử dụng 10% vũ lực kết hợp với 90% đàm phán để dập tắt tranh chấp. Điều này không hề đi sai con đường trỗi dậy hòa bình. Khi nói đến việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không nên tự rơi vào bẫy bởi việc gắn một cách cứng nhắc với các khái niệm phát triển hòa bình”. Khi có các cơ hội chiến lược xuất hiện để thực hiện hóa sự tái thống nhất của đất nước thông qua việc bảo vệ chủ quyền biển và thu hồi lãnh thổ bị mất, ông kết luận, “chúng ta phải nắm bắt lấy những cơ hội đó không do dự….giành thế chủ động để chiến thắng trong tương lai”.

Nếu đây là quan điểm của Tập Cận Bình, thì chúng ta đang lãng phí thời gian thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin! Trung Quốc nên xem xét lại chính sách hiện tại của họ.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới