Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH “HƯỚNG ĐÔNG” CỦA ẤN ĐỘ

VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH “HƯỚNG ĐÔNG” CỦA ẤN ĐỘ

BienDong.Net: Việc Tổng thống Ấn Độ Mukherjee đến thăm Việt Nam (từ 14 – 17/9/2014), ngay trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình (từ 17 – 19/9/2014) sang thăm Ấn Độ cho thấy Ấn Độ hết sức coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ.

Điều này phản ánh tầm quan trọng về chính trị và chiến lược mà Ấn Độ dành cho Việt Nam, coi Việt Nam như một nước chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á và có vai trò cân bằng tiềm lực an ninh tại Châu Á. Chuyến thăm còn thể hiện rõ ý định của Ấn Độ hành động như một “cổ đông có trách nhiệm” tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông là một nội dung quan trọng mà Tổng thống Ấn Độ đã trao đổi trong các cuộc gặp với Lãnh đạo Việt Nam. Trong Thông cáo chung Việt Nam – Ấn Độ khi kết thúc chuyến thăm, hai bên đã khẳng định lại quan điểm trên vấn đề Biển Đông. Điểm 13 trong Thông cáo chung Việt – Ấn ghi rõ: Hai bên nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Hai bên hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện DOC và hợp tác tiến tới thông qua COC trên cơ sở đồng thuận. Hai bên kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh biển, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trên biển.

Ấn Độ cũng cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian chuyến thăm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký với Tập đoàn Dầu khí quốc gia hải ngoại Ấn Độ (ONGC) Nghị định thư về tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Báo chí Ấn Độ đánh giá rằng Nghị định thư về hợp tác dầu khí có ý nghĩa “chiến lược quan trọng”. Phát biểu với báo giới, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PETRO Việt Nam xác nhận rằng “ONGC đã tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam trong nhiều năm nay. Thỏa thuận vừa ký kết sẽ mở đường cho việc hợp tác song phương tại những lô khác ngoài khơi Việt Nam”.

ONGC của Ấn Độ đang hợp tác với PETRO Việt Nam thăm dò dầu khí tại lô 128. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và việc Trung Quốc mời thầu trái phép 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam (lô 128 nằm trong phạm vi 9 lô này), ONGC của Ấn Độ khẳng định kiên trì triển khai hợp tác dầu khí với PETRO Việt Nam. Ngay trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj lần đầu tiên thăm Hà Nội (từ 26 – 26/8/2014), Việt Nam đã gia hạn hợp đồng cho ONGC của Ấn Độ thăm dò dầu khí tại lô 128 thêm một năm nữa. Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi (Ấn Độ) Alka Acharya nhận định ONGC của Ấn Độ gia hạn thăm dò ở lô 128 là quyết định mang tính chiến lược vì nếu rút khỏi lô 128 sẽ tạo cảm giác Ấn Độ đang đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông.

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Ấn Độ hy vọng các bên tìm ra cách giải quyết tình trạng hiện nay và đảm bảo tự do lưu thông hàng hải. Báo chí Ấn Độ cũng có nhiều bài viết đánh giá, nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông. Trong đó, báo The Indian Express đăng tải bài viết cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi liên quan của nước này tại Biển Đông.

Trung Quốc luôn phản đối việc hợp tác dầu khí giữa Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông. Ngày 16/9/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh không phản đối các thỏa thuận chính đáng và hợp pháp giữa Việt Nam với nước thứ ba, nhưng sẽ không ủng hộ các thỏa thuận đó nếu chúng liên quan đến các vùng biển do Trung Quốc quản lý hay các dự án hợp tác không được nhà nước Trung Quốc chấp thuận

Tuy nhiên, Ấn Độ tỏ ra khá cương quyết trong việc hợp tác dầu khí ở Biển Đông bởi lẽ điều này sẽ giúp Ấn Độ phát huy vai trò ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash tuyên bố New Delhi sẽ kiên quyết thực hiện kế hoạch hợp tác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông và khẳng định ý kiến phản đối của Trung Quốc là “không có cơ sở pháp lý”. Tờ Hindustan Times dẫn lời ông Vishnu Prakash yêu cầu Trung Quốc từ bỏ việc cố ngăn cản công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại hai lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Ông khẳng định “Ấn Độ sẽ quyết tâm thực hiện các kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Công ty ONGC Videsh Ltd đã phối hợp với Việt Nam thăm dò dầu khí ngoài khơi trong một thời gian và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác và một công ty khác là Essar Oil Ltd cũng đã được cấp phép thăm dò một lô khí đốt tại Việt Nam”.

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nhận định sự phản đối của Bắc Kinh không là trở ngại cho thỏa thuận vừa ký giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ông Carl Thayer nói: “Ấn Độ dốc toàn tâm lực vào thỏa thuận này và sẽ không thoái lui vì sức ép của Trung Quốc”; “Trung Quốc khó có thể làm gì khác hơn trừ khi họ muốn dùng tới sự đe dọa bằng vũ lực và cố tìm cách quấy nhiễu các hoạt động của dụ án thăm dò này”.

Quan hệ quân sự cũng là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD để Việt Nam mua trang thiết bị của Ấn Độ tăng cường tiềm lực quốc phòng. Ngoài ra, Ấn Độ còn sẵn sàng cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam và giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua từ Nga.

Ngoài ra, Ấn Độ sẵn sàng thay thế Trung Quốc trong việc cung cấp các nguyên liệu dệt may cho Việt Nam để giúp Việt Nam không bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc đe dọa trừng phạt về kinh tế, bao gồm việc cung cấp các nguyên liệu dệt may cho Việt Nam là con bài luôn được Trung Quốc sử dụng để gây sức ép đối với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.

Đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, Giáo sư Bharat Karnad, chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi nhận định: Việt Nam là đối tác trụ cột trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và mục tiêu của New Delhi là muốn giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực để trở thành một quốc gia mạnh trên Biển Đông.

Tổng thống Ấn Độ Mukherjee nói với Thông tấn xã Việt Nam rằng “quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam chưa bao giờ tốt như hiện nay”. Các chuyến thăm dồn dập giữa hai nước đã phản ánh điều này. Tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ thăm Việt Nam; tháng 10 này, Thủ tướng Việt Nam sẽ sang thăm Ấn Độ.

Ấn Độ có vấn đề tranh chấp biên giới trên bộ rất phức tạp với Trung Quốc; nhiều lần xảy ra đụng độ giữa 2 bên ở khu vực biên giới và Trung Quốc luôn mưu toan xâm lấn vùng đất trên biên giới Ấn – Trung. Ấn Độ đang cố gắng trở thành một cường quốc trên biển song điều này đang gặp thắc thức lớn từ phía Trung Quốc. Nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Trung Quốc đang đẩy mạnh “chiến lược biển xa”, hình thành chuỗi ngọc trai, mở rộng ảnh hưởng ra khắp các vùng biển từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy Ấn Độ tăng cường quan hệ mật thiết với Việt Nam để duy trì vai trò ở Biển Đông và khu vực.

Việt Nam đang đứng trước mối đe dọa lớn từ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông nên cần hợp tác mở rộng quan hệ quân sự, nhất là trong lĩnh vực biển với các nước để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Ấn Độ là sự lựa chọn rất phù hợp với Việt Nam bởi giữa hai nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời và hai nước không có vấn đề gì gay cấn trong quá khứ.

Những nguyên nhân khách quan nói trên đã thúc giục Ấn Độ và Việt Nam thắt chặt mối quan hệ mọi mặt giữa hai nước, nhất là trên vấn đề Biển Đông bới hai nước cùng có chung một lợi ích là chống lại sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới