Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnKhai quật những con tàu cổ tại Quảng Ngãi: “Con đường tơ...

Khai quật những con tàu cổ tại Quảng Ngãi: “Con đường tơ lụa” trên Biển Đông

BienDong.Net: Các nhà khảo cổ học dưới nước vừa phát hiện các mảnh vỡ gốm sứ và các phiến đá cổ ở vùng biển đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) được cho là dấu tích của hai con tàu cổ đắm nằm lại ở vùng biển này.

Những phát hiện mới nhất cho một hình dung rõ hơn về “con đường tơ lụa” trên Biển Đông, mở ra hướng nghiên cứu cho các nhà khảo cổ, cũng như tiềm năng phát triển du lịch biển ở Quảng Ngãi.

 

Vị trí phát hiện dấu tích tàu cổ chở gốm, sứ ở vùng biển Lý Sơn. Ảnh: Công ty Đoàn Ánh Dương cung cấp

Phong phú di sản văn hóa dưới nước

Từ năm 1999 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 10 xác tàu cổ đắm ở các vùng biển Quảng Ngãi, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bình Châu (H. Bình Sơn, gần đảo Lý Sơn). Theo quan điểm của các chuyên gia khảo cổ, vùng biển Bình Châu – Bình Sơn thực sự là một “nghĩa địa tàu cổ đắm” với những phát lộ liên tục trong những năm qua.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VH – TT – DL Quảng Ngãi – từ xa xưa cư dân Đông Nam Á đã đóng được những con tàu vượt biển, đi lại và buôn bán với các nước trên thế giới, vùng Biển Đông Nam Á là nơi neo đậu tàu thuyền của các nhà buôn Phương Tây và Phương Đông. Con đường hàng hải trên Biển Đông là con đường giao thương và truyền giáo quan trọng. Những năm qua, dấu tích của các con tàu cổ đắm được phát hiện nằm rải rác ở các vùng biển Việt Nam. Riêng khu vực miền Trung và Quảng Ngãi có đường bờ biển dài và nhiều đảo, là cầu nối quan trọng kết nối các nền văn hóa trên thế giới.

Điều này gợi lại ký ức về con đường hải hàng từng tồn tại nhiều thế kỷ trước. Theo miêu tả của William Dampier trong cuốn “Một chuyến du hành đàng ngoài” năm 1688, hòn Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) và các đảo ven bờ khác có nhiều tàu thuyền tới lui để giao thương buôn bán. William Dampier cũng đề cập tới những con tàu bị đắm và giới cai trị khét tiếng với việc nô dịch hà khắc những thủy thủ bị chìm tàu.

Ngày 13.10, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức trưng bày triển lãm “Di sản văn hóa dưới nước” tại bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 500 hiện vật là di sản được trục vớt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là di sản của văn hóa Chăm Pa, gốm sứ Chu Đậu thời Lê thế kỷ XV, đồ đồng triều Tuyên Đức (thời Minh – Trung Quốc) (1426 – 1435), gốm sứ thời Minh thế kỷ XV, súng đạn thần công triều Nguyễn thế kỷ XIX…

Ông Nguyễn Đăng Vũ cho rằng ngoài những di sản đã được phát hiện, trục vớt, vùng biển Quảng Ngãi còn chứa đựng trong lòng nó nhiều điều bí ẩn cần được nghiên cứu sâu hơn.

Các nhà khảo cổ học quốc tế đến Lý Sơn khảo sát

Từ 14 – 16.10, Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” sẽ được tổ chức Quảng Ngãi. Hội thảo có 170 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có 48 nhà khoa học nước ngoài đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài. PGS.TS Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cho biết, các nhà khoa học nước ngoài sẽ chia sẻ về kinh nghiệm khảo cổ dưới nước, cũng như cách bảo tồn và phát huy tiềm năng các di sản này theo điều kiện đặc thù của mỗi nước.

 

Các nhà khảo cổ học quốc tế tranh luận về niên đại các đồng tiền cổ được tìm thấy trong xác tàu đắm. Ảnh: L.P

 Trong khuôn khổ chương trình, các nhà khoa học sẽ khảo sát vùng biển Vũng Tàu (Bình Châu, Bình Sơn), cảng Sa Kỳ và đảo Lý Sơn, để có cái nhìn chân thực hơn về di sản văn hóa dưới nước nằm lại ở các vùng biển này.

Một câu hỏi quan trọng cần lời giải là cân nhắc 2 phương án: Giữ hiện trạng các hiện vật dưới lòng biển, hay đưa vào bảo tàng để phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch. Ông Nguyễn Giang Hải cho rằng, điều này tùy thuộc vào từng loại hiện vật cụ thể, nhưng xác tàu cổ đắm thì phương án để nguyên hiện trạng dưới nước là lựa chọn tối ưu hơn. Giáo sư Mark Standiforth – chuyên gia khảo cổ học đến từ Đại học LA TROBE, Australia – cho rằng cần nghiên cứu sâu các di sản này để lựa chọn bảo tồn dưới nước hay đưa lên trên cạn.

Theo ông Nguyễn Giang Hải, hội thảo khoa học sẽ thảo luận các vấn đề hàn lâm, vì các nhà khảo cổ học đến đây đều là các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng ông Hải cũng nhấn mạnh đến mục tiêu “khảo cổ học cộng đồng”, tức người dân tham gia vào việc phát hiện, bảo tồn và được hưởng lợi vì việc bảo tồn di sản. Các nghiên cứu hàn lâm sẽ được ứng dụng vào thực tiễn để phát triển du lịch.

BDN (theo LĐ)

RELATED ARTICLES

Tin mới