Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQUAN ĐIỂM CỦA ĐÀI LOAN VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐỐI LẬP VỚI...

QUAN ĐIỂM CỦA ĐÀI LOAN VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐỐI LẬP VỚI QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Quan điểm của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan về tranh chấp Biển Đông và nhất là về “đường lưỡi bò” được ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan đưa ra trong Lễ khai mạc “Triển lãm đặc biệt về tài liệu lịch sử biên cương phía Nam của Trung Hoa Dân quốc” tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi ngược lại quan điểm của Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu đã đưa ra quan điểm của Đài Loan trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là không phản đối cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với sự tham gia của Đài Loan.

Ông Mã Anh Cửu đưa ra một số dẫn chứng để minh họa cho cái gọi là sự “đóng góp” của Đài Loan trong việc quản lý, sử dụng các đảo liên quan ở Biển Đông và khẳng định “Trung Hoa Dân quốc không thể vắng mặt trong bất cứ cuộc đàm đàm phán, thương lượng nào liên quan đến Nam Hải (Biển Đông), vì nước ta (Đài Loan) có vai trò vô cùng quan trọng”.

Quan điểm này hoàn toàn đối lập với quan điểm của Chính quyền Bắc Kinh về việc phản đối “quốc tế hóa và đa phương hóa” mà chỉ chấp nhận đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Với lập trường “một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc”, những người cầm quyền ở Bắc Kinh phản đối việc Đài Loan tham gia vào giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong khi đó ông Mã Anh Cửu kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục giúp Chính phủ Trung Hoa Dân quốc trong việc thu thập các lập luận vững vàng và lấy đó làm cơ sở “đảm bảo cho việc Trung Hoa Dân quốc không bị gạt ra bên ngoài trong bất kỳ cuộc thương lượng, đàm phán hoặc chế định quy tắc ứng xử nào trong tương lai liên quan đến Nam Hải (Biển Đông) ”.

Đáng chú ý là nội dung ông Mã Anh Cửu giải thích về yêu sách đường lưỡi bò thì hoàn toàn đối lập với quan điểm của Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh: “Vào thời điểm nước ta (Đài Loan) tuyên bố “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) ”, khi đó ngoài lãnh hải thì chưa có chủ trương hoặc khái niệm đối với những vùng biển khác, vì vậy vẫn tồn tại những ý kiến bất đồng giữa các bên khi bàn về việc nên áp dụng “Luật quốc tế” như thế nào trong việc giải quyết tranh chấp Nam Hải (Biển Đông). Ông Mã Anh Cửu cho rằng khi xảy ra tranh chấp quốc tế, thì luật quốc tế áp dụng lúc đó hoàn toàn không phải là bộ luật của thời điểm xảy ra tranh chấp mà phải là bộ luật ở thời điểm yêu sách được nêu trước đó “như vậy thì tương đối phù hợp với tình hình thực tế”; và bất kể là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển thì vẫn phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển” của Luật Biển”.

Ông Mã Anh Cửu còn giải thích rõ vào năm 1947, khi “đường lưỡi bò” lần đầu tiên xuất hiện trong tấm bản đồ với cái tên gọi “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) ” thì chưa có khái niệm về thềm lục địa mà theo quy định lúc đó thì lục địa cũng như các đảo chỉ có lãnh hải là 3 hải lý. Mãi cho đến năm 1958, khi Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị lần thứ nhất về “Luật Biển”, đồng thời đưa ra 4 Công ước như “Công ước về thềm lục địa”… thì “quốc tế mới chính thức hình thành khái niệm về thềm lục địa”.

Với cách giải thích này của ông Mã Anh Cửu thì yêu sách “đường lưỡi bò” là yêu sách về các đảo nằm trong đó và vùng biển cho các đảo này là 3 hải lý đúng với tên gọi của tấm bản đồ này, ngoài ra không còn yêu sách về các vùng biển nào khác.

Quan điểm nói trên của Đài Loan đã phủ nhận yêu sách của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với toàn bộ vùng nước nằm bên trong “đường lưỡi bò”. Quan điểm của Bắc Kinh cho rằng các cấu trúc ở Trường Sa có vùng đặc quyền và thềm lục địa riêng được nêu trong Công hàm của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc tháng 4/2011; quan điểm cho rằng các cấu trúc ở Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp báo ngày 08/6/2014 và trong tài liệu gửi lên Liên hợp quốc ngày 09/6/2014. Yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, Trường Sa là trái với các quy định của Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 về quy chế đảo vì các cấu trúc của Hoàng Sa, Trường Sa không đủ điều kiện cho con người sinh sống hoặc không thể có đời sống kinh tế riêng. Yêu sách này của Trung Quốc lại càng không phù hợp với luật pháp quốc tế những năm 40 của Thế kỷ 20 khi các đảo và cả lục địa chỉ có lãnh hải tối đa 3 hải lý.

Trung Quốc chắc chắn tức giận vì phát biểu của ông Mã Anh Cửu, nhưng không thể vu cáo cho ông ta là từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Hoa Dân quốc bởi trong phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu vẫn khẳng định chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và vùng lãnh hải cho các đảo này. Ông Mã không tham lam như những người đứng đầu ở Bắc Kinh nên đã dũng cảm giải thích về “đường lưỡi bò” theo cách của Đài Bắc.

Giải thích của ông Mã Anh Cửu chắc chắn nhận được hoan nghênh của các chuyên gia, học giả và cả chính quyền của một số nước bởi lẽ giải thích này giúp làm sáng tỏ yêu sách ở Biển Đông mà bấy lâu nay chính quyền Bắc Kinh luôn im lặng “ngậm miệng ăn tiền” trước yêu cầu của dư luận.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới