Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC VÀ PHILIPPINES LẠI ĐẤU KHẨU VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG...

TRUNG QUỐC VÀ PHILIPPINES LẠI ĐẤU KHẨU VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG Ở LIÊN HỢP QUỐC

BienDong.Net: Ngày 19/9/2014, ông Libran Cabactula, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên hợp quốc đã có Thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đề nghị Liên hợp quốc cho lưu hành Tài liệu kèm theo Thư có tên gọi: “Đề xuất của Philippines: Kế hoạch hành động 3 giai đoạn để giải quyết vấn đề Biển Đông” (văn bản số A/69/401).

Ngày 02/10/2014, Ban Thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành Thư và tài liệu này ở Liên hợp quốc. Nội dung của Tài liệu này đã được Philippines trình bày tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tháng 8/2014 ở Mianma.

Trong Tài liệu lưu hành ở Liên hợp quốc, Philippines liệt kê 8 hành vi vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 của Trung Quốc và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2012 đến nay như: hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu cá ngư dân; đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông; cải tạo bất hợp pháp các cấu trúc ở Biển Đông và khả năng đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Tài liệu của Philippines nhấn mạnh nguyên nhân chính của các hành động hiếu chiến nói trên của Trung Quốc là do yêu sách “đường lưỡi bò” vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Các hành động này của Trung Quốc là nhằm thay đổi nguyên trạng tạo ra cục diện mới có lợi cho Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông trước khi các bên liên quan bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và Tòa Trọng tài thụ lý vụ kiện của Philippines đưa ra phán quyết.

Philippines đề xuất Kế hoạch ba bước: (i) Ngắn hạn: các bên cần chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và làm bất ổn tình hình khu vực; các bên tạm ngừng tất cả các hoạt động làm leo thang căng thẳng; (ii) Trung hạn: trong thời kỳ tạm ngừng các hoạt động, các bên đặc biệt cần kiểm soát căng thẳng cho đến khi đạt được một giải pháp cuối cùng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm tiến tới ký kết COC; (ii) Cuối cùng là thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Philippines đang theo đuổi một giải pháp như vậy thông qua con đường Trọng tài.

Philippines đề xuất danh mục các hành động làm gia tăng căng thẳng và trái với DOC, cần phải cấm như: không được chiếm đóng thêm các cấu trúc trước đây chưa có ai chiếm đóng; cấm các hoạt động lấn biển quy mô lớn làm thay đổi đặc điểm tự nhiên của cấu trúc; không được dịch chuyển và hạ đặt các giàn khoan di động trong vùng biển của nước khác; cấm các hành vi cưỡng ép, đâm, phun vòi rồng, bao vây đối với ngư dân và tàu công vụ; cấm các cuộc tập trận mang tính chất đe dọa, máy bay bay lượn ở độ cao thấp; không đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá; không đơn phương ban hành các quy định mới khẳng định chủ quyền đối với các cấu trúc hay vùng biển tranh chấp… Philippines đề xuất đối với các cấu trúc chiếm đóng trước năm 2002 (năm ký kết DOC) có thể cho phép các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và tiếp tế.

Phản ứng lại việc Philippines cho lưu hành tài liệu nói trên ở Liên hợp quốc, ngày 07/10/2014, ông Liu Jieyi, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc gửi Thư tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đề nghị Liên hợp quốc cho lưu hành Tài liệu về “Lập trường của Trung Quốc đối với “Kế hoạch hành động 3 giai đoạn” của Philippines để giải quyết vấn đề Biển Đông” (văn bản số A/69/429). Trong tài liệu này, Trung Quốc đã nhắc lại lập trường lâu nay của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhất là đối với bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là “đảo Hoàng Nham”) và vụ việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Đáng chú ý, liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò”, điểm 6 Tài liệu của Trung Quốc viết: “Philippines cho rằng Trung Quốc có yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ “Nam Hải” (Biển Đông) qua đường 9 đoạn. Đó hoàn toàn là một sự bóp méo lập trường của Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) là rõ ràng và nhất quán. Chủ quyền, các quyền liên quan và các yêu sách của Trung Quốc ở “Nam Hải” (Biển Đông) đã được xác lập từ rất lâu trong lịch sử, và được gìn giữ qua các Chính phủ kế tiếp nhau của Trung Quốc”.

Trong Tài liệu của mình Trung Quốc đã vu cáo Philippines “bóp méo lập trường của Trung Quốc”, nhưng mọi người đều biết yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” (Tài liệu Trung Quốc viết là “đường 9 đoạn” chiếm đến 80 – 90% diện tích Biển Đông và lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia; thời gian qua Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông với các nước này nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Đó là một sự thật không thể phủ nhận, vậy thì chính Trung Quốc mới là kẻ bóp méo sự thật.

Tài liệu của Trung Quốc viết cái gọi là “chủ quyền, các quyền liên quan và các yêu sách của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) đã được xác lập từ rất lâu trong lịch sử, và được gìn giữ qua các Chính phủ kế tiếp nhau của Trung Quốc” thì lại càng là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử vì cho đến tận những năm đầu của thế kỷ 20, dưới triều đại nhà Thanh thì các tài liệu, bản đồ của Trung Quốc đều giới hạn lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam và Trung Quốc hoàn toàn không có yêu sách gì đối với các đảo và vùng nước ở Biển Đông. Cho mãi đến năm 1947 thì “đường lưỡi bò” do một cá nhân của Trung Quốc vẽ ra mới xuất hiện trên bản đồ của Trung Quốc với cái tên “Vị trí các đảo Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”. Như vậy, làm gì có chuyện là Trung Quốc “xác lập chủ quyền, các quyền và các yêu sách” của họ ở Biển Đông “từ lâu trong lịch sử”. Đây là một sự bịa đặt mà giới cầm quyền ở Bắc Kinh nêu ra để biện hộ cho yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông.

Đầu tháng 9/2014, ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan trong bài phát biểu của mình tại Lễ khai mạc triển lãm về Biển Đông ở Đài Bắc đã làm rõ yêu sách về “đường lưỡi bò”. Theo đó, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh rằng vào lúc tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” xuất hiện năm 1947 thì chưa có khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và chỉ sau Hội nghị quốc tế về Luật biển năm 1958 thì mới hình thành khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Trên cơ sở đó, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh: “Năm 1947, nước ta (Trung Hoa Dân quốc) công bố “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) ”, khi đó ngoài lãnh hải ra thì chưa hề có chủ trương khái niệm về các vùng biển khác”. Ông Mã Anh Cửu là một luật sư được đào tạo ở Mỹ nên ông hiểu rõ về luật pháp quốc tế. Ông Mã cho rằng “dù là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển thì vẫn phải phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển” của Luật biển”, đồng thời ông cho rằng khi xem xét “đường lưỡi bò” phải áp dụng luật pháp khi yêu sách đó xuất hiện, hàm ý rằng bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” chỉ là yêu sách về các đảo bên trong “đương lưỡi bò” với vùng biển lãnh hải 3 hải lý theo quy định của luật pháp lúc bấy giờ.

Nội dung phát biểu trên đây của ông Mã Anh Cửu đã phủ nhận quan điểm của Trung Quốc yêu sách về các vùng biển rộng lớn trong toàn bộ yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời bác bỏ ý kiến yêu sách của Trung Quốc “được gìn giữ qua các Chính phủ kế tiếp nhau của Trung Quốc” nêu trong Tài liệu của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc vì ông Mã Anh Cửu, đại diện cao nhất của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc – “tác giả” của tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” đã phủ nhận yêu sách phi lý của những người cầm quyền ở Bắc Kinh thì làm sao có chuyện nó “được gìn giữ qua các Chính phủ kế tiếp nhau” như Bắc Kinh rêu rao.

Phát biểu của ông Mã Anh Cửu đã bác bỏ nội dung điểm 6 trong Tài liệu của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc ngày 07/10/2014, đồng thời ủng hộ cho việc Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ra Tòa Trọng tài quốc tế.

Việc Philippines và Trung Quốc đưa ra Liên hợp quốc các lập luận liên quan đến Biển Đông nói chung và “đường lưỡi bò” nói riêng càng làm cho thế giới hiểu rõ bản chất của vấn đề và thấy rõ sự tham lam, xảo trá của Bắc Kinh, đồng thời thấy rõ chính nghĩa của các nước ven Biển Đông. Trung Quốc đã và đang dùng mọi thủ đoạn để hiện thực hóa các yêu sách phi lý của họ bất chấp luật pháp quốc tế, tạo ra nguy cơ lớn đối với hòa bình ổn định ở khu vực, gây mối lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế.

Tài liệu ngày 07/10/2014 của Trung Quốc là để đáp lại Tài liệu ngày 19/9/2014 của Philippines. Tuy nhiên, nội dung của Tài liệu này, nhất là điểm liên quan đến “đường lưỡi bò” ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Trên thực tế, Tài liệu của Trung Quốc đã đề cập đến cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Để tránh những hệ quả pháp lý mà Tài liệu nói trên của Trung Quốc tạo ra, Việt Nam cần có Tài liệu gửi đến Liên hợp quốc bác bỏ quan điểm phi lý này của Trung Quốc; khẳng định chủ quyền, các quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông; đồng thời, bảo lưu các quyền của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới