Năm 2012, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng trong hơn 10 năm qua, DOC không được thực thi một cách nghiêm túc và trong thời gian gần đây thì việc vi phạm DOC càng trở nên nghiêm trọng hơn do Trung Quốc đơn phương tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông. Đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông chưa được triển khai do Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi những quy định về giữ nguyên trạng ở Biển Đông.
Trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc, Philippines đã phải tìm đến sự hỗ trợ của luật pháp quốc tế nhằm quản lý tranh chấp thông qua Tòa Trọng tài bắt đầu từ tháng 1/2013. Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, trong đó yêu cầu Tòa phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp và trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ vụ kiện của Philippines và luôn tìm mọi cách để cô lập Philippines, yêu cầu Philippines phải từ bỏ vụ kiện.
Trung Quốc là một nước lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do vậy Trung Quốc nên nhìn thẳng vào sự thật và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Hơn thế nữa, Bắc Kinh luôn lớn tiếng nói rằng “có đầy đủ cơ sở pháp lý” đối với các yêu sách của họ ở Biển Đông thì Bắc Kinh hãy tham gia vào vụ kiện để làm rõ cái gọi là “cơ sở pháp lý” của mình. Việc Bắc Kinh né tránh giải quyết tại Tòa Trọng tài sẽ phủ nhận mọi luận điệu của Trung Quốc bấy lâu nay và đó là một hành động thiển cận về mặt chiến lược và hèn nhát không xứng danh với một nước lớn Trung Quốc.
Sự hèn nhát yếu kém của Bắc Kinh còn thể hiện qua việc muốn “đi đêm” với Philippines để Philippines rút đơn kiện thông qua việc yêu cầu Philippines hoãn việc nộp Bản lập luận theo thời hạn ấn định của Tòa Trọng tài là 30/3/2014 để đổi lấy việc Trung Quốc rút tàu khỏi khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã khống chế từ tháng 4/2012.
Việc Tòa Trọng tài tiếp tục vụ kiện theo đúng lộ trình được quy định bởi Công ước Luật biển 1982 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc là một “cái tát” vào bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Bắc Kinh. Trung Quốc lớn tiếng cho rằng họ luôn tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế, nhưng điều đó cần được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà phải bằng các hành động cụ thể để các nước khác không bị lo ngại. Trung Quốc đã từng tham gia, thậm chí chủ động đưa các vấn đề tranh chấp về thương mại ra giải quyết tại các cơ chế trọng tài trong khuôn khổ WTO thì hãy dũng cảm tham gia vào các vụ kiện của Philippines để chứng minh cho cái hình ảnh “phát triển hòa bình” của Trung Quốc.
Các nước lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước Châu Âu đều ủng hộ cho việc Philippines đưa tranh chấp ở Biển Đông ra phân xử ở Tòa Trọng tài, nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng phản đối. Điều này càng thể hiện sự ngang ngược bất chấp luật pháp của Bắc Kinh và làm cho hình ảnh của Bắc Kinh ngày càng xấu thêm trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Sau khi tiếp nhận Bản lập luận của Philippines, Tòa Trọng tài đã ấn định thời hạn cho Bắc Kinh nộp Bản phản lập luận là 15/12/2014. Thời gian còn lại 1 tháng rưỡi nữa để cho Bắc Kinh sửa chữa sai lầm của mình để có quyết định sáng suốt tham gia vào vụ kiện của Philippines. Nếu đến thời hạn 15/12/2014, Trung Quốc lại vẫn không tham gia vào vụ kiện thì chứng tỏ các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn bất hợp pháp và không có cơ sở pháp lý. Dư luận quốc tế đang mong đợi Bắc Kinh hành động một cách có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng các định chế tài phán quốc tế, bao gồm Tòa Trọng tài Phụ lục 7 mà Philippines đã sử dụng để phân xử các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
BDN