Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLẤP BIỂN, XÂY DỰNG ĐẢO NHÂN TẠO - MỘT HÀNH VI NGUY...

LẤP BIỂN, XÂY DỰNG ĐẢO NHÂN TẠO – MỘT HÀNH VI NGUY HIỂM TRONG MƯU ĐỒ ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Chúng ta đều biết mưu đồ thôn tính, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không phải là điều gì mới. Tuy nhiên có một điều mới diễn ra thời gian gần đây là Trung Quốc lấp biển, xây dựng đảo nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự ở Trường Sa để đẩy nhanh quá trình thực hiện mưu đồ nuốt trọn Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế bằng việc công khai công bố về những hành vi thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Tân Hoa xã ngày 08/10/2014 đưa tin đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được xây dựng hoàn tất. Tân Hoa xã còn tuyên bố một cách trắng trợn rằng đường băng này dài 2.000 m và được dùng cho mục đích quân sự. Sau khi hoàn tất, Trung Quốc có thể điều động các máy bay quân sự đến Hoàng Sa.

Trung tuần tháng 10/2014, tạp chí China NewsWeek của Trung Quốc cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh có quyền tiến hành bất kỳ hoạt động nào ở Trường Sa, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc đang xây dựng một sân bay mới trên bãi đá Chữ Thập để phục vụ cho không quân nước này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong thì dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc có thể biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã lấp biển mở rộng đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo với diện tích khoảng 1 km2, lớn hơn cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa. Đến nay, công việc lấn biển vẫn đang tiếp diễn và quá trình mở rộng đang diễn ra nhanh hơn.

Ông Wang Hanling, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã xây dựng được khoảng 1 km2 ở bãi đá Chữ Thập và sẽ tiếp tục và vẫn chưa rõ khi được biến thành đảo nhân tạo thì Chữ Thập sẽ có diện tích to cỡ nào, nhưng ông Wang khẳng định Bắc Kinh sẽ đặt các cơ sở dân sự và quân sự tại đây.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin: Ông Jin Canrong, Giáo sư khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định đảo nhân tạo mà Trung Quốc định xây có kích thước ít nhất gấp đôi kích thước căn cứ căn cứ quân sự Mỹ (diện tích 44 km2) ở đảo san hô vòng Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Cơ quan nghiên cứu, thiết kế và đóng tàu Trung Quốc số 9, có trụ sở ở thành phố Thượng Hải sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đảo nhân tạo này. Trung Quốc sẽ xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và một cảng hải quân, một khu nhà nghỉ, tòa nhà văn phòng, nhà thi đấu thể thao và một nông trại trên hòn đảo nhân tạo này. Tờ Hoàn Cầu còn nhấn mạnh thêm hòn đảo nhân tạo này sẽ giúp các tàu chiến Trung Quốc phản ứng nhanh nếu có xung đột trong khu vực.

Vậy mục tiêu của Trung Quốc trong việc lấp biển mở rộng đá Chữ Thập với quy mô lớn như vậy?

Trước hết, một điều có thể khẳng định là Trung Quốc đang biến đá Chữ Thập thành tiền đồn ở phía Nam Biển Đông để thực hiện tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông. Đá Chữ Thập được Trung Quốc coi là có vai trò quan trọng chiến lược bởi không có căn cứ của nước nào trong vòng bán kính 70km. Bãi Chữ Thập cách bờ Nam lục địa Trung Quốc tới khoảng 740 hải lý nhưng lại nằm gần bờ biển Việt Nam. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng việc mở rộng tiếp đá Chữ Thập cuối cùng là để biến nơi đây thành một tiền đồn quan trọng cho các hoạt động quân và dân sự của Trung Quốc trên các vùng biển ở phía Nam “đường lưỡi bò”, nơi mà hiện nay Trung Quốc chưa đủ khả năng tác chiến và kiểm soát do nằm cách bờ biển Trung Quốc gần một ngàn hải lý. Không loại trừ khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến quân sự lớn ở Trường Sa.

Hai là, xây dựng đá Chữ Thập thành một căn cứ cung cấp hậu cần hỗ trợ cho các hoạt động hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp ở vùng biển của Việt Nam hay của Malaysia ở phía Nam “đường lưỡi bò”. Lâu nay, do vấn đề địa lý, các khu vực này nằm xa đất liền Trung Quốc, tàu của Trung Quốc chưa thể hoạt động dài ngày ở các khu vực này do hạn chế về nhiên liệu. Xây dựng được căn cứ ở Chữ Thập, Trung Quốc sẽ khắc phục được điểm yếu này. Sau khi hoàn thành đảo nhân tạo ở Chữ Thập, chắc chắn Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn mới trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam và vùng biển của Malaysia. Sau khi hoàn thành việc lấn biển, mở rộng đá Chữ Thập, Trung Quốc sẽ biến nơi đây thành căn cứ trú ngụ của các tàu chấp pháp và tàu quân sự sẵn sàng triển khai các hoạt động hiếu chiến ở Nam Biển Đông bất cứ lúc nào. Tháng 5/2014, Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu các loại để hộ tống cho giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam. Đây là cuộc tập dượt để Trung Quốc tiếp tục hoạt động xâm lấn ở phía Nam Biển Đông. Khi căn cứ hải quân và cảng biển được thiết lập ở đảo nhân tạo Chữ Thập, Trung Quốc có thể điều hàng trăm tàu đến hoạt động ở các vùng biển Nam Biển Đông như đã làm tháng 5/2014. Điều này tạo ra nguy cơ lớn không chỉ đối với Việt Nam, Philippines mà cả Malaysia, Brunei, thậm chí Indonesia.

Ba là, lấn biển xây dựng đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập là một bước đệm để Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm hết Biển Đông, tương tự như Trung Quốc đã làm tại biển Hoa Đông. Một vị tướng nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Bốn là, Trung Quốc lấp biển, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, kể cả ở đá Chữ Thập là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đối với các đảo, đá thuộc Trường Sa, tạo ra vùng biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, biến vùng biển của các nước này hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để rồi đòi “cùng khai thác”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định: “Sau khi củng cố xong các căn cứ đủ mạnh ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ đòi quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế để kiểm soát tất cả các hoạt động giao thương qua lại trên Biển Đông. Đây là âm mưu thâm độc của Trung Quốc nhằm củng cố sức mạnh và tiến tới khống chế toàn bộ tuyến hàng hải quốc tế”.

Hành vi lấn biển mở rộng các bãi ở Trường Sa nói chung và ở đá Chữ Thập nói riêng đã tạo mối lo ngại chung cho cộng đồng quốc tế và vấp phải sự phản đối chỉ trích của các nước cũng như dư luận quốc tế. Giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo, bằng việc mở rộng các bãi ngầm, Trung Quốc đã tìm cách củng cố sự hiện diện trên Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, làm mất cân bằng lực lượng ở khu vực. Trung tuần tháng 10/2014, trang web Guancha.cn đăng tải thông tin cho biết bãi Chữ Thập đã được nâng cấp lên thành đảo; giờ đây Chữ Thập đã lớn hơn cả đảo Ba Bình. Trang này đưa hình ảnh vệ tinh của trang web DigitalGlobe, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy hoạt động của Trung Quốc đã gia tăng ở khu vực đá Chữ Thập lên gấp 11 lần. Các nhà phân tích cảnh báo việc Trung Quốc chiếm bãi đá Chữ Thập sẽ làm tổn hại quan hệ giữa nước này với các nước láng giềng.

Hành vi lấn biển, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa còn gây bất bình cả đối với một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc. Ông Jin Canrong, Giáo sư khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh cho rằng không thể đổi tên một bãi ngầm thành đảo bởi “nó còn liên quan đến luật pháp quốc tế và sẽ vô cùng phức tạp”.

Đánh giá về các hành vi này của Trung Quốc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho rằng: “Việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách về chủ quyền, tạo ưu thế chiến lược trên Biển Đông”. Rõ ràng, những hành động này về bản chất là cuộc xâm lược, trái ngược hoàn toàn với tuyên bố “không có máu xâm lược và bành trướng” như lãnh đạo Trung Quốc bấy lâu nay vẫn rêu rao./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới