BienDong.Net: Tháng 9/2013, trong một bài diễn văn tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan, ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến chính sách đối ngoại mới được gọi là “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa”. Ông Tập kêu gọi hợp tác và phát triển khu vực Á – Âu thông qua sáng kiến mới này, đồng thời nêu ra 5 mục tiêu của sáng kiến này là: tăng cường hợp tác kinh tế; cải thiện kết nối đường bộ; xúc tiến thương mại và đầu tư; tạo thuận lợi cho chuyển đổi tiền tệ; và thúc đẩy sự giao lưu giữa người dân với nhau. Tiếp đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh công tác vận động ngoại giao cho sáng kiến này nhằm lôi kéo các nước đi theo quỹ đạo do Trung Quốc điều hành.
Tháng 10/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 được tổ chức ở Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất việc xây dựng một “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 để cùng nhau thúc đẩy hợp tác hàng hải, kết nối, nghiên cứu khoa học và môi trường, và các hoạt động khai thác hải sản.
Vài ngày sau đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này và tuyên bố Trung Quốc sẽ đóng góp kinh phí để “phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác hàng hải trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển” của thế kỷ 21, kéo dài từ bờ biển Trung Quốc đến Địa Trung Hải.
Trong bài phát biểu của mình, Tập Cận Bình nhấn mạnh mối liên kết hữu nghị trong lịch sử giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Tại Kazakhstan, ông cho rằng sứ thần Tây Hán Trương Khiên đã “gánh vác sứ mệnh hòa bình và hữu nghị” đồng thời mở ra cánh cửa liên lạc Đông – Tây và thiết lập nên “Con đường Tơ lụa”. Tại Indonesia, ông Tập đã tán dương Đô đốc Trịnh Hòa nhà Minh vì đã để lại “những câu chuyện đẹp về mối giao lưu hữu nghị giữa dân tộc Trung Hoa và Indonesia”. Với phát biểu này, ông Tập muốn giải thích rằng đề xuất của ông về xây dựng “Con đường tơ lụa” là nhằm hướng đến việc khôi phục lại các mối quan hệ hữu nghị cổ xưa trong một thế giới toàn cầu hóa và hiện đại.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy ông Tập đã cố tình bóp méo sự thực lịch sử, không hề đề cập đến những bi kịch xung đột và nỗ lực nhằm truyền bá một trật tự thế giới “dĩ Hoa vi Trung” (lấy Trung Quốc làm trung tâm). Ông Tập đã đưa ra một cách phiến diện, méo mó về mục đích chuyến đi của sứ thần Trương Khiên tới các nước được gọi là Tây Vực. Nhà Hán đã phái Trương Khiên đi tìm đồng minh nhằm chống lại Liên minh Hung Nô hùng mạnh, địch thủ hàng đầu của Đế chế Tây Hán. Với các chính sách bành trướng, nhà Hán đã góp phần biến những người Hung Nô du mục thành một thực thể bán nhà nước vốn đã luôn đối đầu với các lực lượng người Hán.
Năm 138 trước Công nguyên, nhà Hán phái Trương Khiên tới Trung Á để tìm người Nguyệt Chi theo hành trình của người Hung Nô trước đó. Tuy nhiên, sứ mệnh của ông Trương Khiên đã thất bại, ông bị người Hung Nô cầm tù và bị ép hôn với một nữ nhân trong tộc. Trốn thoát sau 10 năm bị giam cầm, Trương Khiên nhận ra rằng người Nguyệt Chi không hề quan tâm đến việc thành lập liên minh quân sự (với nhà Hán để chống người Hung Nô). Đóng góp duy nhất của Trương Khiên cho triều đình nhà Hán là biểu tấu về các thể chế và tộc người trong khu vực Trung Á.
Tương tự, Tập Cận Bình vẽ ra hình ảnh của Đô đốc Trịnh Hòa như là một sứ thần của hòa bình và hữu nghị cũng là sự xuyên tạc lịch sử. Trên thực tế, Đô đốc Trịnh Hòa đã sử dụng vũ lực trong bảy chuyến thám hiểm từ năm 1405 đến năm 1433 tại các vùng lãnh thổ mà hiện nay là Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, và Ấn Độ, nhằm phong chư hầu và kiểm soát hành lang chiến lược trên Ấn Độ Dương. Trịnh Hòa đã can thiệp vào việc triều chính của Sri Lanka và Indonesia, sau đó đưa tù nhân về Nam Kinh, kinh đô nhà Minh.
Thực tế ban đầu Hoàng đế Vĩnh Lạc phái Trịnh Hòa ra biển Tây là để nhằm truy lùng đứa cháu trai đã bị chính Vĩnh Lạc soán ngôi, đồng thời truyền bá nền văn minh Trung Hoa. Trong quá trình thám hiểm, Trịnh Hòa đã thu phục rất nhiều vị vua chúa về làm chư hầu dưới trướng của Vĩnh Lạc cùng với các vật phẩm triều cống. Các chuyến đi này sau đó đã bị dừng lại vì quá tốn kém, và dưới góc nhìn của các triều thần, một hoạn quan như Trịnh Hòa đã được trao quyền quá mức.
Đế chế Hán đã sử dụng chiến thuật tương tự tại Trung Á, đặc biệt là tại các vị trí chiến lược trên những tuyến đường thương mại. Như vậy, chẳng có tuyến đường bộ hay đường biển nào, gọi chung là Tuyến đường Tơ lụa, cho thấy sự giao lưu hòa bình hoặc thúc đẩy tình hữu nghị thông qua sự hiện diện của Trung Quốc như ông Tập Cận Bình đã nêu trong phát biểu của mình.
Năm 1877, nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đã sử dụng thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” hay “Tuyến đường Tơ lụa” để chỉ các tuyến đường bộ thương mại cổ xưa xuyên qua Trung Á. Kể từ đó, nhiều tuyến đường kết nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài đều được gọi là “Con đường Tơ lụa” hay “Tuyến đường Tơ lụa”, cho dù tơ lụa không phải là sản phẩm đầu tiên, cũng không phải là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trên bất kỳ tuyến đường nào. Các học giả Trung Quốc ra sức sử dụng thuật ngữ này để đề cao vai trò của Trung Quốc trong các tương tác liên khu vực cận đại một cách vô căn cứ. Điều này là kết quả của việc phớt lờ các ảnh hưởng ngoại lai tới xã hội và kinh tế Trung Quốc trong suốt 2000 năm qua.
Có lẽ quan điểm của Tập Cận Bình về Con đường Tơ lụa được định hình bởi hệ thống giáo dục của CHND Trung Hoa không chấp nhận việc phân tích phê phán và diễn giải xác đáng các nguồn sử liệu. Có thể Tập Cận Bình chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc gia đình xuất thân gần kinh đô Tây An của Trung Quốc cổ đại, hay còn được biết đến trong lịch sử là Trường An, địa danh được sử sách công nhận là điểm khởi đầu của con đường tơ lụa trên bộ; hoặc Tập Cận Bình không nhận thức được những phản ứng tiêu cực mà việc sử dụng chủ nghĩa tượng trưng văn hóa Trung Quốc trong lĩnh vực chính sách đối ngoại đã gây ra ở ngoại quốc; hoặc cũng có thể ông kiên quyết tiến hành sáng kiến này đến cùng, với sức mạnh kinh tế Trung Quốc đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Thế nhưng, một số quốc gia đã bị mê hoặc, họ đã cố tình quên đi sự thật lịch sử vì những lý do kinh tế mà sẵn sàng chấp nhận những câu chuyện lịch sử bị bóp méo. Có thể lấy 2 ví dụ để chứng minh cho điều này.
Một là, năm 2013 Chính phủ Sri Lanka đã tiếp nhận một bức tượng Trịnh Hòa mạ vàng như một món quà từ Hiệp hội Quản lý Du lịch Quốc tế của Trung Quốc. Hai bên tuyên bố rằng Trịnh Hòa và các cuộc thám hiểm của ông đại diện cho những mối quan hệ thương mại và hòa bình cổ xưa giữa Trung Quốc và Sri Lanka. Các chi tiết lịch sử quan trọng đã bị bỏ qua như việc Trịnh Hòa đã thay đổi chế độ vốn có trong khu vực; bắt cóc quốc vương Alaskawera; áp giải ông này về Nam Kinh như một tù nhân. Trịnh Hòa cũng chiếm đoạt Xá lợi răng Phật nổi tiếng tại Kandy, một biểu tượng xa xưa về chủ quyền của Sri Lanka.
Hai là, xung đột quân sự cũng đã xảy ra ở Indonesia, nhưng một số tờ báo của quốc gia này lại hoan nghênh đề xuất của Tập Cận Bình và ghi nhận rằng các đề xuất này có thể mang lại “những cơ hội to lớn cho sự phát triển của khu vực”. Một thực tế đã không được nhắc tới là vào năm 1407, Trịnh Hòa đã thay đổi chế độ trên đảo Sumatra bằng cách bắt cóc Trần Tổ Nghĩa, thủ lĩnh địa phương người Trung Quốc bị triều đình nhà Minh coi là cướp biển. Sau khi bị hành hình công khai ở Nam Kinh, Trần Tổ Nghĩa bị thay thế bởi một người đại diện cho lợi ích của triều đình nhà Minh trong khu vực. Cũng năm đó, Trịnh Hòa còn can thiệp vào công việc nội bộ của Vương quốc Majapahit trên đảo Java, dường như để làm suy yếu cường quốc khu vực này của Đông Nam Á.
Cũng giống như những xung đột diễn ra trong các khu vực khác với cùng một mục đích là mở ra một trật tự thế giới dưới trướng Trung Hoa Thiên tử, những can thiệp quân sự này mới là mục tiêu của các cuộc thám hiểm do Trịnh Hòa dẫn đầu.
Với dòng tiền và đầu tư dồi dào, sáng kiến Con đường Tơ lụa của chính phủ Trung Quốc có thể thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia Châu Á và Châu Âu, miễn là các nước này tự nguyện tuyên bố có mối liên kết với đế chế Trung Quốc cổ đại.
Trung Quốc đang tiến hành cuộc vận động ngoại giao mạnh mẽ để tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho sáng kiến này bởi lẽ, sự thành công của sáng kiến này sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong việc quy thuộc theo quỹ đạo do Trung Quốc điều phối. Sự thành công của sáng kiến này cũng hết sức quan trọng đối với việc thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đã đề ra không lâu.
Với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc vừa qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng sáng kiến “Con đường Tơ lụa” của ông Tập không chỉ bó hẹp trong việc chinh phục các quốc gia liên quan trong lĩnh vực kinh tế, chính trị mà nó mang đậm một màu sắc xâm lược các vùng lãnh thổ, biển đảo theo chủ trương mà Trung Quốc đã theo đuổi bấy lâu nay là “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Vì vậy các quốc gia hãy tỉnh ngộ và cảnh giác với sáng kiến của ông Tập Cận Bình./.
BDN