Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCẠNH TRANH TÀU NGẦM TRUNG - MỸ Ở BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN...

CẠNH TRANH TÀU NGẦM TRUNG – MỸ Ở BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG

BienDong.Net: Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển, Bắc Kinh đang ra sức phát triển lực lượng tàu ngầm của họ. Địa bàn hoạt động chính của tàu ngầm Trung Quốc hiện nay là Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Vịnh Á Long – Tam Á gần đảo Hải Nam, bao gồm cả hầm ngầm. Căn cứ tàu ngầm trong Vịnh Á Long, hướng ra Biển Đông này có thể chứa được cả tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm thông thường.

Gần đây, Trung Quốc mới hoàn thành đường ống ngầm để tàu ngầm có thể di chuyển vào trong hầm ngầm tại vùng biển gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Căn cứ theo các hình ảnh chụp từ vệ tinh, các nhà quan sát quân sự cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc có thể từ hầm thông qua đường ống ngầm bí mật này xuất kích ra Biển Đông mà không bị các máy bay trinh sát Mỹ đang giám sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển này phát hiện. Vì vậy, mọi động thái liên quan đến tàu ngầm ở khu vực này đều là lĩnh vực có độ bảo mật cao nhất.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội Mỹ, hải quân Trung Quốc hiện có 56 tàu ngầm tấn công, gồm: 51 tàu động cơ diesel, 5 tàu động cơ hạt nhân (trong đó có 3 tàu động cơ hạt nhân có thể mang tên lửa đạn đạo). Trong năm nay, Trung Quốc sẽ trang bị cho các tàu này tên lửa hành trình Julang – 2 với tầm bắn 740 km, từ Tây Thái Bình Dương có thể bắn tới Hawai, nếu từ miền Trung Thái Bình Dương có thể bắn tới California. Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 5 tàu loại này, giúp hải quân Trung Quốc nâng cao đáng kể sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển. Những tàu ngầm được trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình chống hạm sẽ giúp Bắc Kinh thực hiện mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho quân đội Trung Quốc chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến tranh cục bộ ở thời đại thông tin hiện nay.

Trong trường hợp chiến sự nổ ra, Trung Quốc có thể huy động các tàu ngầm, không quân và sức mạnh tên lửa từ trên bờ và trên biển với hệ thống chỉ huy hiện đại, điều hành các lực lượng, xử lý thông tin từ máy tính tới tình báo. Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trên bình diện tác chiến tàu quân sự, tàu ngầm. Gần đây, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã phải thừa nhận về “sự tiến bộ rất đáng kể năng lực tàu ngầm của Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự không hài lòng về kế hoạch cắt giảm hạm đội tàu ngầm của Mỹ từ 55 chiếc xuống còn 42 chiếc vào năm 2029.

Ông Dean Cheng, chuyên gia quân sự Quỹ Heritage của Mỹ nhận định “tàu ngầm là vũ khí quan trọng nhất, ngoài bom hạt nhân, vì chúng có khả năng tàng hình, ít tiếng ồn và có khả năng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên biển, tàu ngầm có khả năng sẽ gây đổ máu đầu tiên cho đối phương”.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông và biển Hoa Đông để thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích an ninh và việc triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Để đối phó với hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng, từ cuối năm 2013, Hải quân Mỹ đã điều động 6 máy bay tuần biển và săn tàu ngầm hiện đại nhất P – 8 Poseidon đến căn cứ Kadena (ở Okinawa Nhật Bản), theo dõi nhất cử nhất động của tàu ngầm Trung Quốc. Đây là hành động của Mỹ đáp trả lại việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Cả Tokyo và Washington khẳng định họ không có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của Trung Quốc trong khu vực này, trong khi Bắc Kinh đã đe dọa sử dụng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát hầu hết biển Hoa Đông.

Quần đảo Okinawa có tầm quan trọng đối với chiến lược của Mỹ bởi nó án ngữ một bề của biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đó cũng là nơi Mỹ có căn cứ gần nhất tới Biển Đông nơi Trung Quốc đang sa vào tranh chấp chủ quyền với một loạt nước Đông Nam Á.

Theo báo The Wall Street Journal (WSJ), chiếc P – 8 có các thiết bị do thám gồm radar, vệ tinh định vị và ống kính hồng ngoại. Hoặc các phao dò sóng sonar hình ống, tổ bay có thể thả xuống biển để nó nổi khoảng 8 giờ dò tìm các vật thể lặn dưới biển. Một số nhà quan sát nhận định P – 8 có khả năng “thay đổi cuộc chơi” ở Biển Đông. P – 8 đạt tốc độ cao 907 km/giờ, có khả năng săn tàu ngầm, tàu nổi, thu thập tin tình báo, trinh sát và giám sát biển.

Máy bay tuần biển P – 8 làm việc với các vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các căn cứ tàu ngầm, và thả các máy nghe dưới lòng biển để nghe tiếng tàu ngầm di chuyển, phối hợp với các tàu mặt nước có thiết bị sonar dò tìm dưới nước. Một khi xác định được mục tiêu tiềm tàng, chiếc P – 8 liền thả các phao chìm mang thiết bị dò tìm sonar, sau đó bay vòng vòng trên khu vực này để nhận tín hiệu từ phao chìm truyền lên.

Máy bay P – 8 có bán kính tác chiến 2.222 km và hoạt động 4 giờ trước khi bay trở về căn cứ. Điều có nghĩa từ căn cứ Kadena (ở Okinawa Nhật Bản), máy bay P – 8 có thể bay đến phía nam Biển Đông. Đại tá Mike Parker, Chỉ huy Lực lượng số 72 Hải quân Mỹ xác nhận “khả năng của máy bay cho phép chúng tôi xuống đến tận phía nam của Biển Đông… Chúng tôi vẫn thường xuống đó. Chúng tôi có đủ khả năng xác định vị trí của tàu ngầm, và nếu cần, thông báo cho họ rằng chúng tôi biết họ ở đâu”. Mặt khác, Mỹ đang xúc tiến các bước để cho phép máy bay P – 8 thậm chí hoạt động nhiều thời gian hơn trên Biển Đông. Đó là việc đàm phán thỏa thuận với các nước trong khu vực Biển Đông để cho máy bay P – 8 sử dụng sân bay của các nước này trong các phi vụ dò tìm tàu ngầm.

Với mục tiêu biến Biển Đông thành nơi hoạt động chính của tàu ngầm Trung Quốc trước khi vươn ra các vùng biển xa, dĩ nhiên Trung Quốc không hài lòng với các hoạt động của máy bay P – 8. Tháng 8/2014 đã xảy ra vụ tiêm kích J – 11 của Trung Quốc bay cản đầu một chiếc P – 8 của Hải quân Mỹ ở Bắc Biển Đông. Phía Mỹ nói rằng máy bay P – 8 lúc đó đang hoạt động trong không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam hơn 200 km.

Hình ảnh do Mỹ công bố cho thấy chiến đấu cơ của Trung Quốc nhào lộn và khoe vũ khí ngay trước mũi P – 8, phía trên đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm. Phía Trung Quốc khẳng định phi công của họ bay an toàn và yêu cầu Mỹ ngừng các chuyến bay trinh sát gần căn cứ của Trung Quốc.

Những động thái nói trên của Trung Quốc và Mỹ cho thấy một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Mỹ hiểu rất rõ rằng việc Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm để khống chế Biển Đông đe dọa nghiêm trọng lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực. Do vậy Mỹ đã phải tăng cường lực lượng để giám sát hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Việc Trung Quốc gia tăng hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông và biển Hoa Đông và cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ trong lĩnh vực tàu ngầm đã thôi thúc các nước khác trong khu vực vào cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực tàu ngầm.

Các chuyến đi của tàu ngầm Trung Quốc qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương đang gây mối lo ngại cho Ấn Độ. Tháng 8/2014, Ấn Độ đã cho ra mắt tàu chiến chống ngầm tự sản xuất đầu tiên và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết sẽ tăng cường sự phòng thủ để “không kẻ nào dám coi thường Ấn Độ”. Tháng 9/2014, ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tàu ngầm lớp Song – 039 của Trung Quốc đã ghé thăm một cảng biển ở thủ đô Colombia của Srilanka. Ấn Độ Dương lâu nay được coi là “sân nhà” của Ấn Độ, việc Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của tàu ngầm ra Ấn Độ Dương đe dọa trực tiếp lợi ích an ninh của Ấn Độ. Do vậy, Ấn Độ phải tăng cường khả năng chống lại tàu ngầm của mình để đối phó. Ấn Độ đang tăng cường hạm đội 15 tàu ngầm và sẽ dành 13 tỷ USD để chế tạo tàu ngầm trong nước.

Các nước khác trong khu vực cũng tìm cách đối phó. Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga và sẽ nhận 4 chiếc còn lại từ nay đến năm 2016 trong tổng hợp đồng trị giá 2 tỷ USD ký năm 2009; Indonesia có kế hoạch vận hành 12 tàu ngầm và sẽ mua 2 chiếc từ Công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc. Úc đang tìm cách thay thế 6 tàu ngầm diesel lớp Collins cũ, nước này đang cân nhắc việc chi 17,6 tỷ USD để trang bị 12 tàu ngầm mới. Singapore, hiện có 6 tàu ngầm, đã đặt mua thêm 2 chiếc khác từ công ty ThyssenKrupp của Đức. Đài Loan hiện có 4 tàu ngầm, nhưng 2 chiếc đã quá hạn sử dụng và chỉ dùng để huấn luyện. Để đối phó với mối đe dọa thôn tính từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan có kế hoạch tự chế tạo các tàu ngầm của riêng mình và đang cần sự trợ giúp của Mỹ trong lĩnh vực này.

Việc Trung Quốc liên tục tăng cường ngân sách quốc phòng, tập trung vào phát triển hải quân, trong đó có lực lượng tàu ngầm không chỉ tạo cớ cho Mỹ tăng cường lực lượng săn tàu ngầm ở khu vực để kiềm chế Trung Quốc mà đã đẩy các nước khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang mới trong lĩnh vực tàu ngầm, gây nguy cơ bất ổn ở khu vực. Mặc dù các nước đang cố gắng tăng cường lực lượng tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc, nhưng xem ra chỉ có Mỹ mới đủ khả năng tạo ra sự răn đe với Trung Quốc trong lĩnh vực tàu ngầm để duy trì ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông./.  

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới