Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC TIẾP TỤC BỊ CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ TẠI HỘI THẢO...

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC BỊ CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 6

BienDong.Net: Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam đã tập trung đánh giá thực trạng tình hình Biển Đông một năm qua và đưa ra dự báo về tình hình Biển Đông trong thời gian tới. Các ý kiến tại Hội thảo đã bày tỏ sự thất vọng về những hành động đơn phương hung hăng của Trung Quốc, gây tình hình căng thẳng, bất ổn ở Biển Đông.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao đã cho rằng năm qua có lẽ là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông Quý nhấn mạnh: “Có những vụ việc đã từng xảy ra nhưng được lặp lại với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước. Tình hình có lúc căng thẳng tới mức mà các bên liên quan chỉ thiếu sự kiềm chế một chút thôi thì xung đột đã nổ ra”.

Đánh giá về tình hình trên Biển Đông, Ông Đặng Đình Quý đã đưa ra những nhận định khá bi quan: “Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang”.

Những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Đến dự Hội thảo, các đại biểu đều có chung một mong muốn Trung Quốc hành động một cách có trách nhiệm xứng đáng với một nước lớn, của một nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Đi sâu đánh giá về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong một năm qua, các học giả đều cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam xét từ bất kỳ góc độ nào cũng đều là bất hợp pháp; các hành vi lấp biển, mở rộng các bãi với quy mô lớn để xây dựng căn cứ quân sự là vi phạm Điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ý đồ của Trung Quốc là thông qua các việc làm này để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, phá vỡ cân bằng chiến lược hiện nay ở Biển Đông, tạo ra một cục diện mới ở Biển Đông do Trung Quốc khống chế, kiểm soát.

Một số học giả cho rằng chính tham vọng trở thành cường quốc biển đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực Châu Á; bức tranh địa chính trị Châu Á trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, làm vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó giải quyết. Trung Quốc đang ráo riết nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình, để thực hiện tham vọng thống trị Biển Đông. Qua những hành động quyết liệt ở Biển Đông, Trung Quốc muốn cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức phức tạp do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện tham vọng khống chế Biển Đông, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 đã tạo cơ hội cho các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá lại tình hình và thảo luận về những giải pháp nhằm duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Phát hiểu tại Hội thảo, Ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar – nước Chủ tịch ASEAN năm 2014, cho rằng chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở khu vực” là rất kịp thời và phù hợp vì duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông là mối quan tâm của cả thế giới. ông Myint Thu nhấn mạnh: “Trong năm Myanmar làm chủ tịch, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”. Ồng cho biết Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 giữa tháng 10 vừa qua đã tiếp tục khẳng định mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và đẩy nhanh đàm phán để hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại Hội thảo, các học giả đã đánh giá tình trạng và xu hướng quan hệ quốc tế liên quan đến việc thiết lập, duy trì trật tự hàng hải tại Biển Đông; các yếu tố chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc; vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan như Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực. Một số ý kiến cho rằng với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước ở Biển Đông liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế, các học giả đã tập trung phân tích chế độ pháp lý đối với các thực thể trên biển, các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các ý kiến đều cho rằng căn cứ vào quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các quốc gia ven biển có thẩm quyền đặc biệt để phát triển và quản lý quy chế bảo tồn các nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình; đồng thời nhấn mạnh các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng những hành động hiếu chiến làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin giữa các nước trong khu vực. Để giảm căng thẳng, tạo dựng lòng tin, trước hết các bên cần làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đồng thời, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.

Dự báo về tình hình Biển Đông trong thời gian tới, các đại biểu bày tỏ lo ngại rằng tình hình Biển Đông sẽ ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc thi hành một chính sách “cá lớn nuốt cá bé” bất chấp công luận và luật pháp quốc tế. Hội thảo quốc tế về Biển Đông có sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, học giả đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Đài Loan… Các đại biểu của Trung Quốc trở nên lạc lõng và phải chịu một sức ép rất lớn trước những ý kiến thẳng thắn của các đại biểu tham dự Hội thảo./.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới