Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines hoan nghênh Việt Nam lên tiếng trong vụ kiện Biển Đông

Philippines hoan nghênh Việt Nam lên tiếng trong vụ kiện Biển Đông

BienDong.Net: Trong thông báo hôm 13/12, Bộ Ngoại giao Philippines hoan nghênh việc Việt Nam bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, trong đó có “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, trước thời hạn ngày 15/12 mà tòa án trọng tài yêu cầu Bắc Kinh đưa ra phản biện đối với vụ kiện, đồng thời cho rằng lập trường của Việt Nam giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

“Quan điểm của Việt Nam rất hữu ích trong việc thúc đẩy luật pháp và tìm kiếm các giải pháp hòa bình, không bạo lực đối với các yêu sách ở Biển Đông”, GMA Network dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.

Trước đó, hôm 11/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam kiên quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm đường 9 đoạn. Ông Bình đề nghị Tòa trọng tài, nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam khi xem xét vụ kiện.

Đề cập tới Văn kiện lập trường của Trung Quốc hôm 7/12, ông Bình nhấn mạnh Việt Nam một lần nữa tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông. Cùng ngày, Trung Quốc tái khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp chủ quyền Biển Đông tại tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye) do Philippines đương đơn. 

Cũng trong ngày 11/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức cho biết là đã thông báo cho Toà án Trọng tài Thường trực lập trường của Việt Nam về vụ kiện của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông.

Tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ rằng nội dung thông báo của Việt Nam gửi Tòa Trọng tài gồm ba điểm phản bác rõ rệt các lập trường về vụ kiện mà Trung Quốc công bố ngày 07/12.

Điểm đầu tiên là Việt Nam công nhận thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý đơn kiện của Philippines, đối lập trực tiếp với quan điểm của Trung Quốc theo đó Tòa án Trọng tài không có quyền thụ lý hồ sơ Biển Đông.

Điểm thứ hai là Việt Nam yêu cầu Tòa án, khi xem xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines, nên “quan tâm thích đáng” đến quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, và trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Điểm cuối cùng là Việt Nam phản bác toàn bộ “đường chín đoạn” – cơ sở các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, cho đây là một điều không có cơ sở pháp lý.

Theo giới quan sát, khi chính thức tuyên bố lập trường trên vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Việt Nam vừa tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình, vừa tấn công vào các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Không trực tiếp kiện nhưng sẽ tham gia vụ kiện

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, đã nêu bật một ý nghĩa quan trọng trong động thái của Việt Nam: đó là mở đường tham gia vụ kiện của Philippines dù không trực tiếp đứng ra kiện Trung Quốc.

Khi bày tỏ mối quan tâm của mình trong trường hợp này, Việt Nam không tham gia cùng Philippines vào vụ kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, bản tuyên bố của Việt Nam sẽ được các thẩm phán của Toà án ghi nhận trong vụ xét xử kiện tụng giữa Trung Quốc và Philippines. Điều này sẽ có tác dụng nâng cao – tuy chỉ là một chút – tầm quan trọng của vụ kiện.

Nói một cách khác, cho dù vụ kiện chỉ là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng việc phân xử của các thẩm phán sẽ phải tính tới các lợi ích của các bên khác có thể bị phán quyết ảnh hưởng.

Rất có thể là với việc gửi bản tuyên bố về các quyền tới Tòa án Trọng tài, Việt Nam sẽ được mời đến trình bày các quyền và lợi ích của mình. Có thể nói, Việt Nam tiến hành kiện tụng “qua cửa hậu”.

Đây cũng là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Đối với giáo sư Long, việc Việt Nam công bố lập trưởng trên vụ kiện là một động thái cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc kiện Trung Quốc trong tương lai, nhất là “trong bối cảnh Việt Nam là nước bị thiệt hại nhất vì “đường lưỡi bò” (mà vụ kiện của Philippines chủ yếu là về đòi hỏi phi lý và phi pháp này của Trung Quốc), cũng như những hành động xâm chiếm khác của Trung Quốc.”

Theo giáo sư Long: “Nếu Việt Nam đã không lên tiếng khẳng định quyền lợi tại Biển Đông khi Trung Quốc đưa ra công bố chính thức về vụ kiện của Philippines, cũng như trước thời hạn hết được nộp ý kiến, thì Việt Nam đã bỏ đi một cơ hội rất lớn để bảo vệ quyền lợi của chính mình.”

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc hiện nay, Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ủng hộ Manila một cách cụ thể, và đã không ngần ngại đương cự lại Bắc Kinh.

Giới phân tích đang chờ đợi xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao. Câu trả lời có thể sẽ được thấy vào bước đầu tại một Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các nước lưu vực sông Mêkông, sẽ mở ra vào tuần tới tại Bangkok, với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Bắc Kinh hồi 2009 công bố yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm gần 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa để biến các bãi đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách “đường 9 đoạn”. 

Trong nghiên cứu công bố hôm 6/12, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn lời diễn giải yêu sách không tuân theo luật quốc tế.

Manila hồi tháng 3/2014 nộp gần 4.000 tài liệu lên tòa án trọng tài, đề nghị Trung Quốc làm rõ yêu sách với đường 9 đoạn ở Biển Đông.

Vụ kiện này bắt đầu vào tháng 1/2013, khi Philippines nộp đơn lên Tòa án Trọng tài tại La Hay, Hà Lan, yêu cầu xem xét việc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Phía Trung Quốc đã vài lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và khăng khăng chỉ tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Philipines, nhưng tòa án vẫn cho Bắc Kinh thời hạn chót tới ngày 15/12/2014 để gửi phản biện.

BDN (tổng hợp theo RFI, NLĐO, VnExpress)

RELATED ARTICLES

Tin mới