BienDong.Net: Trước việc Trung Quốc ra sức đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, ngày 05/02/2014, phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã lần đầu tiên phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò”.
Trong phát biểu của mình, ông Daniel Russel bày tỏ quan ngại trước những hành vi của Trung Quốc “nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và bất chấp sự thiếu hụt lời giải thích hoặc cơ sở rõ ràng theo luật quốc tế liên quan đến chính phạm vi của yêu sách này. Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc liên quan đến các yêu sách của nước này tại Biển Đông đã tạo nên sự không chắc chắn, bất an và bất ổn tại khu vực. Ông Daniel Russel nhấn mạnh: “Việc sử dụng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc nhằm yêu sách các quyền trên biển không dựa trên các yêu sách cấu trúc đất là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh nếu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh “đường 9 đoạn” của mình nhằm đưa yêu sách này phù hợp với luật biển quốc tế”.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến ý kiến của Mỹ mà lại còn hiếu chiến hơn như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5/2014; ngang nghiên lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng ở Hoàng Sa, Trường Sa nhằm kiểm soát “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, ngày 05/12/2014 Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố một văn kiện chính thức, đưa ra các lập luận bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”.
Văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố dưới dạng Báo cáo Các giới hạn trên Biển (Limits in the Seas) số 143 do Vụ Đại dương và các vấn đề Khoa học và Môi trường Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo, trong đó phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ 9 đoạn và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp trong các đòi hỏi của Trung Quốc.
Ngay trong phần mở đầu, tài liệu dài 24 trang, kèm theo rất nhiều bản đồ dẫn chứng, đã nhắc lại sự kiện Bắc Kinh gởi công hàm cùng tấm bản đồ 9 đường gián đoạn đến Liên hợp quốc vào tháng 05/2009 để khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông, một sự khẳng định đã bị các nước Việt Nam, Indonesia và Philippines phản đối, cho rằng tấm bản đồ đó không có cơ sở pháp lý dựa theo luật biển Liên hợp quốc.
Báo cáo điểm lại lịch sử của “đường 9 đoạn”, từ đường 11 đoạn do Chính phủ Đài Loan công bố năm 1947, đến đường 9 đoạn và thay đổi thành đường 10 đoạn vào năm 2013 và 2014; mô tả về địa lý vị trí và khoảng cách từ các đoạn của “đường lưỡi bò” đến bờ của các quốc gia ven biển và các thực thể gần nhất nằm giữa Biển Đông. Nhận định chung của Báo cáo là các đoạn thuộc “đường lưỡi bò” được vẽ rất lung tung, tuỳ tiện, thiếu nhất quán trong các bản đồ đã được công bố. Đặc biệt, so với bản đồ năm 1947, các đoạn trong bản đồ năm 2009 đã được mở rộng về gần các quốc gia ven biển.
Trang 5 bản Báo cáo ghi nhận: “Công việc mô tả các đường đứt đoạn của Trung Quốc về mặt địa lý rất phức tạp do mâu thuẫn giữa bản đồ năm 2009 và những tấm bản đồ khác cũng của Trung Quốc, chẳng hạn như bản đồ năm 1947, thậm chí cả các bản đồ đương đại (xuất bản năm 2013 – 2014) vì các bản đồ này cho thấy những đường gián đoạn có kích cỡ khác nhau và ở những vị trí khác nhau”.
Nhận xét khác là các nét vạch của “đường 9 đoạn” lại gần bờ biển các nước bao quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia, hơn là gần các hòn đảo, chưa nói đến việc rất xa bờ biển Trung Quốc. Một ví dụ: Vạch số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý, và cách đảo Lý Sơn 36 hải lý; Kỷ lục là vạch số 4, chỉ cách đảo Borneo của Malaysia 24 hải lý mà thôi.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xem xét ba cách giải thích khác nhau về “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông: (i) Ranh giới xác định chủ quyền trên các hòn đảo; (ii) Biên giới trên biển của một quốc gia – mà ở đây là Trung Quốc; (iii) Ranh giới xác định chủ quyền lịch sử.
(i) “Đường 9 đoạn” là đường yêu sách các đảo: Đây cũng chính là tên tấm bản đồ đầu tiên vẽ “đường 9 đoạn” năm 1947. Ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan cũng đã giả thích tấm bản đồ này là yêu sách các đảo và vùng biển cho nó phù hợp với luật pháp đương thời tức là chỉ có 3 hải lý cho các đảo này vào năm 1947. Giả sử Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông thì cũng không thể đòi hỏi một vùng biển rộng lớn như “đường 9 đoạn” vì không phù hợp với các quy định của Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Báo cáo khẳng định bãi nửa nổi nửa chìm không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền, không tạo ra vùng biển; đảo nhân tạo, các công trình nổi trên biển không tạo ra lãnh hải và các vùng biển.
Đặc biệt, trong Tuyên bố về lãnh hải năm 1958, Trung Quốc đã khẳng định sự tồn tại của biển cả ở Biển Đông. Chỉ trong Công hàm năm 2011, Trung Quốc mới yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trường Sa nhưng Trung Quốc chưa làm rõ cụ thể vùng biển yêu sách từ các thực thể tại Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei có các quyền được UNCLOS ghi nhận đối với các vùng biển tạo ra từ đất liền.
Mặt khác, Báo cáo nhận định rằng các quyền yêu sách vùng biển của Trung Quốc cần được xem xét trong bối cảnh: Hoàng Sa cũng là đối tượng yêu sách chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan; Trường Sa cũng là đối tượng yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei và Đài Loan.
(ii) Đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia: Trong các bản đồ hiện đại về “đường 9 đoạn”, các ký hiệu được sử dụng mô tả đường lưỡi bò là ký hiệu của đường biên giới quốc gia hoặc quốc tế. Theo quy định tại Điều 74 và 83 của UNCLOS, các quốc gia có nghĩa vụ thoả thuận để phân định biển nhằm đạt được kết quả công bằng. “đường 9 đoạn” là đường hoạch định đơn phương, không có toạ độ cụ thể, dưới dạng các đường đứt đoạn, không thể hiện kết quả công bằng do cách quá gần bờ biển của các quốc gia ven biển. Vì những lý do đó, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận “đường 9 đoạn” không thể được coi là đường biên giới quốc gia.
(iii) Đường lưỡi bò là đường yêu sách lịch sử: Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích yêu sách lịch sử có thể là yêu sách vùng nước lịch sử, danh nghĩa lịch sử hoặc quyền lịch sử. Báo cáo cho rằng một số tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, Luật Vùng đặc quyền kinh tế, Công hàm năm 2011, việc mở thầu 9 lô dầu khí tại Biển Đông có thể thể hiện quan điểm yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Tuy nhiên, yêu sách lịch sử đó không phù hợp với luật pháp quốc tế trên hai góc độ:
Một là, Trung Quốc chưa đưa ra yêu sách lịch sử (vùng nước lịch sử hay quyền lịch sử) với cộng đồng quốc tế. Bản đồ năm 1947 chưa phải là một yêu sách về vùng biển, trong khi đó Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc lại khẳng định sự tồn tại của biển cả ở Biển Đông. Điều 14 Luật Vùng đặc quyền kinh tế không đề cập đến “đường 9 đoạn”. Các nghiên cứu của cộng đồng quốc tế về vùng nước lịch sử không đề cập đến “đường lưỡi bò”. Nhiều nước đã chính thức phản đối “đường 9 đoạn” khi Trung Quốc cho lưu hành “đường 9 đoạn” ở Liên hợp quốc năm 2009.
Hai là, để một yêu sách lịch sử được công nhận, yêu sách đó phải công khai, minh bạch, thể hiện việc thực thi chủ quyền liên tục của các cơ quan có thẩm quyền và không gặp phải sự phản đối từ các quốc gia hữu quan. Khi đòi hỏi chủ quyền lịch sử, một quốc gia phải công bố rộng rãi yêu sách đó để quốc tế biết đến. Điều này thường được thực hiện qua các thông báo chính thức. Trong khi đó, “đường 9 đoạn” được vẽ một cách mơ hồ, không có tọa độ và luôn thay đổi và quan trọng hơn cả là Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ bản chất yêu sách vùng nước bên trong “đường 9 đoạn”. Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện quyền quản lý đối với vùng nước bên trong “đường 9 đoạn” và vùng nước bên trong “đường 9 đoạn” chưa bao giờ thuộc chủ quyền riêng biệt của Trung Quốc. Các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đã sử dụng, khai thác tài nguyên tại Biển Đông trong thời gian dài. Đồng thời không quốc gia nào công nhận hiệu lực của yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong “đường 9 đoạn”.
Ngoài ra, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa ra bản đồ “đường 9 đoạn” trước khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra đời không có nghĩa là Trung Quốc không cần tuân thủ Công ước. Luật biển không cho phép các quyền dựa trên danh nghĩa lịch sử phủ nhận các quyền Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quy định cho các quốc gia ven biển.
Tóm lại, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với yêu sách “đường 9 đoạn” không đáp ứng ba yêu cầu căn bản đối với một vùng nước lịch sử: thẩm quyền không được hành xử một cách công khai, thực thụ và được mọi người biết đến; thẩm quyền không được hành xử một cách liên tục; thẩm quyền không có sự chấp thuận của các nước ngoài.
Để thể hiện sự khách quan trong đánh giá về yêu sách “đường 9 đoạn”, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách “đường 9 đoạn” trên cơ sở luật pháp quốc tế./.
BDN
Comments are closed.