Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC TIẾP TỤC BỊ LÊN ÁN TẠI CÁC HỘI THẢO QUỐC...

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC BỊ LÊN ÁN TẠI CÁC HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2014 đã liên tiếp diễn ra các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông. Những hành động hiếu chiến, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục bị các học giả và nhà nghiên cứu quốc tế lên án mạnh mẽ, coi đây là nhân tố gây mất ổn định khu vực, đe dọa tự do, an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam trong 2 ngày 17 – 18/11/2014, các đại biểu đã bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương hung hăng, gây tình hình căng thẳng, bất ổn ở Biển Đông. Các học giả cùng chung một nhận định rằng năm 2014 là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, các vụ việc phức tạp do Trung Quốc gây ra với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước. Tình hình Biển Đông có lúc căng thẳng tới mức mà các bên liên quan chỉ thiếu sự kiềm chế một chút thôi thì xung đột đã nổ ra.

Các đại biểu lên án mạnh mẽ hành vi lấp biển, mở rộng quy mô lớn các bãi mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông. Các đại biểu nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo rộng hàng trăm héc ta để thiết lập các căn cứ quân sự trên các bãi ở Trường Sa đang làm mất cân bằng cán cân chiến lược ở khu vực, đe dọa hòa bình ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Các học giả cho rằng Trung Quốc đang ráo riết tăng cường năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình, để thực hiện tham vọng thống trị Biển Đông. Qua những hành động quyết liệt ở Biển Đông, Trung Quốc muốn cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường. Các đại biểu kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, làm rõ các yêu sách của mình ở Biển Đông theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; dừng ngay các hoạt động lấp biển xây dựng các đảo nhân tạo trái phép.

Ngày 25/11/2014, tại thủ đô Brussels Bỉ, Viện Châu Âu nghiên cứu về Châu Á (EIAS) đã tổ chức hội thảo quốc tế giới thiệu cuốn sách về Biển Đông của nhà báo Bill Hayton, phóng viên hãng thông tấn BBC tại London. Trong cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở Châu Á”, tác giả Bill Hayton cho rằng Biển Đông là nơi Trung Quốc thể hiện tham vọng sở hữu của mình.

Tại cuộc hội thảo các đại biểu cho rằng tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp là do các hành động cưỡng chế và gây bất ổn tại khu vực của Trung Quốc như hạ đặt giàn khoan trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, mở rộng các vị trí đang chiếm đóng tại Trường Sa, ngăn cản Philippines tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây, ban hành và thực thi các luật, quy định nội bộ để thúc đẩy các yêu sách phi pháp tại Biển Đông… Đồng thời nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng toàn cầu. Hiện nay 90% thương mại quốc tế là lưu chuyển đường biển, trong đó 40% qua Biển Đông. Các học giả bày tỏ lo ngại rằng nếu không xử lý tốt các tranh chấp, căng thẳng ở các vùng biển tại khu vực này có thể dẫn đến đụng độ, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư, thương mại của khu vực và tác động đến nền kinh tế thế giới.

Dưới sự chủ trì của tiến sỹ Gerhard Will – nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và Chính trị Đức, ngày 09/12/2014 tại trụ sở báo Die Tageszeitung (TAZ) ở thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Xung đột ở Biển Đông”. Tham dự Hội thảo có khoảng gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và sinh viên của Đức cùng một số kiều bào Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, tiến sỹ Gerhard Will đã điểm lại những diễn biến mới đây nhất trong tranh chấp trên Biển Đông, trong đó nguy cơ gia tăng căng thẳng ngày càng lớn do Trung Quốc tiến hành mở rộng, xây dựng trái phép các đảo và tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa cùng với trước đó là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm tình hình khu vực gia tăng căng thẳng trở lại. Ông cho rằng những hành vi này của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang là một vấn đề đáng quan ngại bởi với xu hướng này, Trung Quốc sẽ theo đuổi các tham vọng chính trị nước lớn và quá đề cao lợi ích quốc gia của mình, đồng thời làm giảm cơ hội tiến hành đàm phán, thỏa hiệp với các nước khác để giải quyết các tranh chấp biển đảo đang nổi lên ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Sự tăng cường tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ của Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt là cho lực lượng hải quân đang có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực cả ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đây là một diễn biến nguy hiểm vì có thể dẫn tới mất ổn định và an ninh của khu vực cũng như không có lợi cho tất cả các bên liên quan. Tiến sỹ Gerhard Will nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, không được phá vỡ nguyên trạng các đảo ở Biển Đông và không nên chủ trương chạy đua vũ trang mà thay vào đó là chuyển những khoản chi này cho đầu tư hợp tác và phát triển kinh tế.

Trong bài tham luận của mình, tiến sỹ Andreas Seifert – chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội nghiên cứu quân sự Tuebingen của Đức, đã đi sâu đánh giá về yêu sách đường 9 chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và cách thức tuyên truyền của Trung Quốc đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông. Ông cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý xét cả về mặt pháp lý và địa lý, cố tình tạo sự mập mờ cho cả dư luận nước này và dư luận quốc tế; yêu sách này của Trung Quốc bắt nguồn từ nguyên nhân quan trọng là dự trữ dồi dào về dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên biển ở Biển Đông cũng như vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông nằm trên tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế. Ông Seifert nhấn mạnh, các quốc gia láng giềng cần hết sức cảnh giác với ý đồ về đường 9 đoạn và chiến thuật xây dựng, củng cố các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đang tuyên truyền rằng Trung Quốc không phải là nước gây hấn trên Biển Đông mà chỉ là đang tiến hành các biện pháp để đối phó với chiến lược của các nước khác.

Phát biểu tại Hội thảo, giáo sư chính trị học, tiến sỹ Howard Loewen Tiến sỹ của Viện nghiên cứu hoà bình Hamburg ngoài đánh giá về những kinh nghiệm rút ra từ vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế về Luật Biển đã phân tích về vai trò của cơ chế an ninh khu vực đối với việc bảo đảm hoà bình ở Biển Đông. Giáo sư Howard Loewen nhận định kết cấu an ninh khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng hiện thiếu ổn định. Ông cho rằng để bảo đảm ổn định tình hình Biển Đông cần có một sự cân bằng quyền lực ở khu vực, trong đó các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Australia phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối các yêu sách của Trung Quốc và tăng cường những ảnh hưởng cần có ở khu vực này. Tuy nhiên, một sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á chỉ có giá trị khi nó gắn với một cấu trúc an ninh khu vực được định hình rõ ràng hơn.

Các đại biểu đều cho rằng khu vực Biển Đông có một tầm quan trọng đặc biệt đối với thương mại toàn cầu vì đây luôn là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp hàng đầu thế giới và cộng đồng quốc tế, gồm cả các quốc gia hay các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, trong đó có Đức đều có lợi ích sống còn trong việc duy trì môi trường hoà bình, bảo đảm thông thương hàng hải, hàng không đối với các tuyến đường qua Biển Đông.

Những tiếng nói lên án hành vi hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông tại các cuộc hội thảo nói trên cho thấy sự lo ngại của cộng đồng trước mối đe dọa và chính sách bá quyền trên biển của Trung Quốc./.

                                                                        BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới