Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÁNH GIÁ VỀ BÁO CÁO CÁC GIỚI HẠN TRÊN BIỂN SỐ 143...

ĐÁNH GIÁ VỀ BÁO CÁO CÁC GIỚI HẠN TRÊN BIỂN SỐ 143 NGÀY 5/12/2014 CỦA MỸ

BienDong.Net: Chúng ta đều biết nội dung chính trong vụ kiện của Philippines là nhằm vào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào lúc vụ kiện của Philippines sắp bước vào giai đoạn then chốt Tòa xem xét vụ kiện, Washington lần đầu tiên chính thức nhập cuộc thông qua việc đưa ra những lập luận phản bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trước thời hạn Trung Quốc phải nộp Bản phản biện đối với các nội dung khởi kiện của Philippines 10 ngày, hôm 05/12/2014 Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 143, trong đó chỉ rõ tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của yêu sách “đường lưỡi bò”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại công bố tài liệu đó và lúc này và mục tiêu của Mỹ là gì? Báo cáo đã được Vụ Đại dương và các vấn đề Khoa học và Môi trường Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ lâu. Việc Mỹ chọn thời điểm này để công bố Báo cáo là một bước đi đã có tính toán. Mục tiêu chính của Mỹ là để ủng hộ gián tiếp vụ kiện của Philippines bác bỏ “đường lưỡi bò”, thúc đẩy các bên yêu sách, nhất là Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết phải điều chỉnh và giải thích yêu sách của mình ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Mỹ muốn khuyến khích ASEAN có tiếng nói đồng nhất về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và mạnh dạn hơn trong việc sử dụng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ cùng với hành vi hiếu chiến của Trung Quốc, Mỹ triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và can sự ngày càng sâu vào Biển Đông để ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Bác bỏ “đường lưỡi bò” nằm trong mục tiêu thúc đẩy chính sách “tái cân bằng” của Mỹ. Mỹ chọn cách ra Báo cáo để bày tỏ quan điểm về “đường lưỡi bò” là cách thức hết sức phù hợp với địa vị của Mỹ không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông. Báo cáo đã thể hiện rõ quan điểm chính thống của Chính phủ Mỹ, nhưng ở mức độ khá nhẹ nhàng, gián tiếp và khách quan dưới hình thức một công trình nghiên cứu khoa học, pháp lý nên sẽ giảm nhẹ mức độ đối đầu, tránh kích động Trung Quốc không cần thiết.

Mặc dù Mỹ không phải là một bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện của Philippines, nhưng chắc chắn các Trọng tài viên của vụ kiện sẽ tham khảo những lập luận trong báo cáo này của Mỹ để xem xét vấn đề “đường lưỡi bò”, nội dung chính trong vụ kiện của Philippines. Việc Báo cáo bác bỏ một cách rõ ràng và khoa học về khả năng sử dụng “đường lưỡi bò” như đường biên giới biển và yêu sách lịch sử có thể giúp Trọng tài có thêm cơ sở để kết luận có thẩm quyền đối với yêu cầu của Philippines đề nghị tòa xem xét và ra phán quyết về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”.

Việc Mỹ – một nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông đưa ra các lập luận phản bác “đường lưỡi bò” thì Tòa Trọng tài không thể làm ngơ trước yêu sách phi lý này. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy không chỉ các nước ven Biển Đông lo ngại về “đường lưỡi bò” mà cả cộng đồng quốc tế đang rất lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò”. Nếu Tòa không đưa ra được một phán quyết khách quan về “đường lưỡi bò” trên cơ sở các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì có nghĩa là luật pháp quốc tế sẽ không thể áp dụng được đối với tranh chấp Biển Đông. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là tai họa không chỉ cho Philippines hay Việt Nam mà cho cả cộng đồng quốc tế. Những lập luận trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giúp cho Tòa Trọng tài có cái nhìn khách quan để đưa ra phán quyết công bằng về “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc tỏ ra rất bực tức trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra Báo cáo vào lúc này vì Trung Quốc hiểu rõ động thái mới này của Mỹ là nhằm ủng hộ vụ kiện của Philippines nên chỉ 2 ngày sau đó, mặc dù là ngày nghỉ chủ nhật, Trung Quốc đã phải nhanh chóng công bố Văn kiện lập trường để bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện. Việc Mỹ công bố bản Báo cáo này cho thấy chính sách nhất quán của Mỹ thúc đẩy một giải pháp pháp lý cho các tranh chấp ở Biển Đông như là một phần trong chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á. Cho dù Trung Quốc có công khai chỉ trích Mỹ thì Báo cáo vẫn sẽ là một thách thức lớn nữa với Trung Quốc trong cuộc chiến dư luận và pháp lý ở Biển Đông và sẽ tác động trực tiếp vào nội bộ Trung Quốc.

Nội dung Báo cáo số 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ có lợi cho các nước ven Biển Đông trong công cuộc đấu tranh với những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo giúp củng cố lập luận khoa học chứng minh yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý và thiếu căn cứ “lịch sử” vững chắc do bản thân yêu sách của TQ qua các thời kỳ cũng không nhất quán. Báo cáo sẽ có tác dụng khuyến khích các nước và các học giả nhà nghiên cứu lên tiếng phản bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là bước đi mạnh mẽ nhất hỗ trợ Philippines và cá nhân Tổng thống Aquin củng cố niềm tin và quyết tâm theo kiện đến cùng; giúp cho chính quyền Aquino chống đỡ sức ép từ bên trong nội bộ Philippines và sự đe dọa từ Trung Quốc đòi Philippines từ bỏ vụ kiện.

Malaysia là nước có quan điểm thực dụng trong vấn đề Biển Đông, luôn tìm cách né tránh việc công khai phê phán các hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo số 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể có khích lệ nước này có thái độ công khai, rõ ràng hơn về “đường lưỡi bò”. Đặc biệt, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng “đường lưỡi bò” nằm sát Malaysia hơn cả Việt Nam và Philippines, chỉ cách bờ biển Malaysia 24 hải lý. Điều này làm cho Malaysia chịu áp lực lớn hơn của dư luận trong nước và quốc tế trong việc công khai lên tiếng phản bác “đường lưỡi bò”.

Ngoài Philippines và Việt Nam hoan nghênh Báo cáo số 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nước ASEAN khác tỏ ra thận trọng hơn. Song có thể thấy hầu hết các nước đều đồng tình với cách tiếp cận trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đó là đề cao luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trong việc làm rõ yêu sách của các bên cũng như giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Đặc biệt, Indonesia cũng là nước bị ảnh hưởng bởi yêu sách “đường lưỡi bò” và Singapore là nước bị ảnh hưởng gián tiếp từ yêu sách “đường lưỡi bò” do Singapore có lợi ích rất lớn trong duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Indonesia là nước thứ 2 (sau Việt Nam) gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” và Singapore là nước nhiều lần lên tiếng công khai yêu cầu các bên làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đối với Việt Nam, Báo cáo số 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ có lợi cho Việt Nam thể hiện ở một số điểm sau: một là, Báo cáo đã đưa ra các lập luận phản bác “đường lưỡi bò” một cách trực diện nhất và thuyết phục nhất từ trước đến nay dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế; hai là, Báo cáo khẳng định Hoàng Sa là khu vực tranh chấp, điều này bác bỏ quan điểm lâu nay của Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa là “của Trung Quốc, không có tranh chấp”; ngoài ra, Báo cáo nêu lại việc Trung Quốc mời thầu trái phép 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ thúc đẩy việc Tòa xem xét về “đường lưỡi bò” trong vụ kiện của Philippines và Việt Nam được hưởng lợi nếu Tòa ra phán quyết rằng “đường lưỡi bò” không phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982

Việc đưa ra Báo cáo phản bác “đường lưỡi bò” nằm trong chiến lược của Mỹ tăng cường sử dụng luật pháp quốc tế để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ cũng muốn qua đây củng cố lòng tin các nước Đông Á về các cam kết, mục tiêu, nguyên tắc mà Mỹ đã đề ra trong chính sách “tái cân bằng” chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo số 143 cũng giúp xóa đi những hoài nghi về khả năng có thỏa thuận ngầm Trung – Mỹ trên vấn đề Biển Đông./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới