Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“ĐƯỜNG 9 ĐOẠN” NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

“ĐƯỜNG 9 ĐOẠN” NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

BienDong.Net: Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, các luật sư, học giả và nhà nghiên cứu quốc tế đều cho rằng “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý và kêu gọi Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”; đồng thời, cho rằng giải quyết vấn đề “đường 9 đoạn” bằng cơ chế tài phán quốc tế là sự lựa chọn tối ưu nhất.

Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Autralia chỉ ra rằng, bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với cách vẽ bản đồ thông thường: Nguyên tắc cơ bản của Luật biển quốc tế là Đất thống trị biển. Phải có chủ quyền trên đất liền và các đảo mới có quyền đòi hỏi mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ví dụ, bờ biển Việt Nam là đất liền thì Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền 200 hải lý, nhưng đối với trường hợp của Trung Quốc thì không hiểu dựa vào đâu, hòn đảo nào để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Giờ đây, luật pháp quốc tế qui định rằng, các đảo nhỏ không có ảnh hưởng, không thể căn cứ vào đó để vạch vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng Trung Quốc lại đang đòi hỏi một khoảng mặt nước rộng tính từ những đảo nhỏ và bãi đá ngầm đó. Điều này là không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế. Cách vẽ đường lưỡi bò không phù hợp với cách vẽ bản đồ chuẩn quốc tế”.

Ông Marvin Ott, Giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins cho rằng: “Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền nhưng không tuân theo luật pháp quốc tế, do vậy, họ không thể đưa ra được những con số cụ thể, những bằng chứng hợp pháp để có thể bảo vệ cái họ tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố của họ không có cơ sở và Trung Quốc rất biết điều này”…“Bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn”, có nghĩa rằng, toàn bộ khu vực này thuộc về Trung Quốc thì không có một quốc gia lớn nào trên thế giới có thể ủng hộ đòi hỏi này. Mỹ không ủng hộ. Ấn Độ không ủng hộ. Cộng đồng Châu Âu không ủng hộ. Australia không ủng hộ. Nhật Bản không ủng hộ. Không có nước nào ủng hộ tuyên bố này của Trung Quốc”.

Tiến sỹ Thomas Jandl, giảng viên Đại học tổng hợp Mỹ tại Washington DC thì cho rằng: qua “đường 9 đoạn”, Trung Quốc muốn biến khu vực này từ vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi có tranh chấp, Trung Quốc sẽ coi đó là lý do để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình. Lời tuyên bố chủ quyền ở khu vực này của Trung Quốc là không có cơ sở vì nó rất xa Trung Quốc và không có các bằng chứng lịch sử.

Giáo sư Stein Tonnesson, Viện nghiên cứu hoà bình Oslo, Nauy: “Trung Quốc sẽ cần phải từ bỏ ý nghĩ rằng đường 9 đoạn tượng trưng cho yêu sách gì khác ngoài yêu sách về chủ quyền đối với các đảo. Trung Quốc cần phải làm điều này bởi vì Trung Quốc cần sự ổn định ở khu vực để Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển kinh tế và duy trì sự ổn định trong nội bộ”.

Ông Peter Dutton, Giáo sư nghiên cứu chiến lược, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng “đường 9 đoạn” chính là nguyên nhan gây căng thẳng trên Biển Đông: “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế”.

Giáo sư David Scott thuộc Đại học Brunel, Anh chia sẻ: “Khi đưa bản đồ “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc, Trung Quốc muốn vùng biển này được công nhận chính thức và mang tính hợp pháp. Thế nhưng, cùng lúc Trung Quốc lại từ chối đưa ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ, từ chối tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào”.

Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư Công pháp và Khoa học Chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia Châu Âu kết luận: “Điều quan trọng là phải có sự đồng ý của các quốc gia khác thì đó mới có thể coi là quyền hợp pháp. Nếu các nước khác không đồng ý thì không thể gọi là Trung Quốc có quyền và có tính hợp pháp về “đường 9 đoạn” được”.

Ông Carlyle Cathayer Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc: Trung Quốc cho rằng có yêu sách đường 9 đoạn từ năm 1947, và Trung Quốc gia nhập Công ước Luật biển năm 1992, do đó, yêu sách của Trung Quốc có trước luật quốc tế, trước khi có quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không ngừng nhắc đến luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nhưng chưa bao giờ nói cho chúng ta biết thực sự yêu sách đó là như thế nào. Hôm nay chúng ta có nghe ở hội thảo rằng các quyền lịch sử không thể là cơ sở cho yêu sách “đường lưỡi bò” được. Các vịnh lịch sử hay các chế độ đặc biệt khác không hề có cơ sở trong luật. Đó chỉ là một kiểu nguỵ trang cho yêu sách rất mập mờ mà Trung Quốc mong muốn.

Ông Jonathan London, Phó Giáo sư Đại học Tổng hợp Hồng Công nhận định: Bất kỳ ai đã từng nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này đều biết rằng “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn không hợp pháp, không có cơ sở theo Luật quốc tế. Đường yêu sách này do một công chức người Đài Loan đưa ra năm 1947 và sau đó được Chính phủ lục địa áp dụng, nhưng hoàn toàn không hề có cơ sở pháp lý. Là một đường yêu sách quá tham lam bao hàm 75000 dặm vuông. Mặc dù đây là vấn đề trọng tâm trong chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu sách này không hề có cơ sở pháp lý.

Jonathan Pollack, Giám đốc Trung Tâm Trung Quốc John Thornton thuộc Viện Brookings: “Thực chất tôi có thể nói rằng yêu sách của Trung Quốc đưa ra sẽ mạnh hơn nếu không có “đường 9 đoạn” bởi vì bất kỳ ai hiểu biết về luật biển đều biết rằng “đường 9 đoạn” là hoàn toàn phi lý và tôi cũng không hiểu thuật ngữ đó. Chính vì vậy tất cả những gì Trung Quốc đang tiến hành chính lại làm yếu đi yêu sách của nước này. Ví dụ những yêu sách của Trung Quốc dựa trên “đường 9 đoạn” đi ngược lại những vấn đề chủ quyền tập trung trên những cấu trúc riêng biệt. Đây là một trường hợp điển hình. Theo tôi thì lợi ích của tất cả các nước là loại bỏ được “đường 9 đoạn”, một yêu sách mà không phù hợp với luật biển hiện đại và theo quan điểm của tôi thì không nhất quán với lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông, ông Peter Dutton, Giáo sư nghiên cứu chiến lược, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng: “Bản thân đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý trong luật quốc tế, để Trung Quốc có thể yêu sách quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông. Vì vậy, nếu đường lưỡi bò liên quan đến một yêu sách về quyền tài phán đối với các vùng biển, thì yêu sách đó sẽ không được ủng hộ trong luật pháp quốc tế bởi điều này đã được thể hiện rất rõ ràng từ các toà án quốc tế và tất cả các nước liên quan. Cách duy nhất để yêu sách quyền tài phán đối với các vùng biển là thông qua cơ sở địa lý. Vì vậy, Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông dựa vào cơ sở địa lý. Không phải đường lưỡi bò, lịch sử hay quyền lực mà chỉ có thể yêu sách dựa trên cơ sở địa lý và Luật Biển quốc tế”.

Giáo sư Peter Dutton còn nhấn mạnh: Không phải lịch sử, không phải quyền lực mà phải là luật pháp quốc tế nên được sử dụng để quyết định các vấn đề ở Biển Đông, Sức mạnh đáng kể nhất của một điều luật, điều ước quốc tế là thiết lập các chuẩn mực và hành vi được mong đợi.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng các quốc gia nên đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế: “Dĩ nhiên, có thể dựa vào các cơ chế của UNCLOS để giải quyết các tranh chấp biển. Nhưng trước tiên các nước cần phải làm rõ các yêu sách hiện có của mình. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể được biện minh theo luật quốc tế. Việc làm rõ yêu sách đó và biện hộ từ khía cạnh của luật quốc tế là cực kỳ quan trọng. Và thêm vào đó là việc đảm bảo đường cơ sở mà các nước vẽ phù hợp với UNCLOS. Đó sẽ là một khởi đầu tốt và sau đó mới tiến đến việc thảo luận về giải quyết các tranh chấp này”.

Tại hội thảo về các khía cạnh pháp lý trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Trung tâm Stimson của Mỹ tổ chức ở Washington DC ngày 06/5/2013, Giáo sư John Norton Moore Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách biểnĐại học Luật Virginia cho rằng: “Về mặt chiến thuật và và chiến lược, “đường 9 đoạn” hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc. Trên thực tế, Philippines đã thách thức “đường 9 đoạn” bằng cách kiện nước này dựa trên Công ước Luật Biển. Sẽ khó để thách thức các vấn đề khác, nhưng thành thực mà nói “đường 9 đoạn” hoàn toàn không có cơ sở nào dựa trên luật quốc tế hay luật biển. Yêu sách này hoàn toàn không thể biện hộ được, và cũng sẽ không hỗ trợ Trung Quốc, và những gì quốc gia này đã và đang làm đã đưa họ vào tình thế thất bại về mặt chiến lược do thực tế là tòa trọng tài có thể được thành lập để chống lại họ dựa trên yêu sách này, và điều này không phải là lợi ích của Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau mà Trung Quốc thực sự có lợi.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng ủng hộ cho việc sử dụng các công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ cho vụ kiện của Philippines

Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson: Philippines nói rằng muốn tòa xem xét liệu “đường 9 đoạn” và những vùng biển khác mà Trung Quốc đang cố chiếm đoạt dựa trên những đảo đá và rặng san hô, có phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển hay không? Và đây là trường hợp mà Tòa có thể làm việc không cần sự tham gia của Trung Quốc. Và về mặt lý thuyết, dù sao đi nữa thì Trung Quốc cũng không thể, ít nhất là không công khai hoặc chính thức, ngăn cản quá trình này.

Ông Murray Hiebert, Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng: “Yêu sách “đường lưỡi bò” xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách của các quốc gia yêu sách khác, quá là tham vọng. Tôi hy vọng Toà trọng tài thụ lý đơn kiện của Philippines sẽ xem xét yêu sách này và sẽ đưa ra phán quyết nhằm làm rõ hơn nữa những gì mà Trung Quốc có thể yêu sách và nhưng gì mà Trung Quốc không thể yêu sách”.

Ông Gregory Poling, Nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ: Tôi nghĩ rằng vụ kiện này có ý nghĩa quyết định. Đây là nỗ lực đầu tiên để buộc Trung Quốc phải đưa ra quyết định liệu họ có sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế trong tranh chấp này hay không. Có những quan ngại cho rằng, nếu quyết định đó dồn Trung Quốc vào chân tường, thì có thể Bắc Kinh sẽ chỉ đơn giản phản kháng lại bằng cách phớt lờ và vẫn tiếp tục vươn xa ra biển. Tôi tin rằng có thể Trung Quốc sẽ quyết định đó không phải là lợi ích của Trung Quốc trong trường hợp Tòa ra được phán quyết. Trung Quốc sẽ quyết định họ sẽ bị mất nhiều lòng tin hơn nếu phớt lờ phán quyết, và thậm chí tất cả những gì mà Tòa sẽ làm là ra một phán quyết về “đường chín đoạn” và buộc Trung Quốc phải làm rõ yêu sách đó. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực”.

Giáo sư Stein Tonesson, Viện nghiên cứu hoà binh Oslo, Nauy: “Việc sử dụng trọng tài xét xử tranh chấp vẫn đang diễn ra và có khả năng sẽ trở nên rất quan trọng. Tôi hy vọng Tòa trọng tài sẽ nhận thấy họ có thẩm quyền giải quyết đối với ít nhất một trong số các yêu cầu từ phía Philippines. Như vậy, chúng ta sẽ có được những giải thích mang tính pháp lý đối với quy chế của bãi, đá và đảo tại Biển Đông. Tôi cho rằng vụ kiện cũng đem lại lợi ích cho phía Trung Quốc vì nếu yêu cầu của Philippines được làm rõ, Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định lại “đường chữ U” của mình đúng với ý nghĩa vốn có của các yêu sách đối với đảo và các vùng biển được tạo ra từ hiệu lực pháp lý của các đảo đó”.

Ông Ian Storey, Biên tập Tạp chí Đông Nam Á đương đại, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore: Tôi cho rằng đây là một trong những bước phát triển quan trọng nhất đối với tranh chấp tại Biển Đông trong những năm gần đây. Tôi nghĩ Philippines đã đưa ra một quyết định đúng đắn khi làm như vậy. Hiện tại, chúng ta chưa biết phán quyết của vụ kiện sẽ như thế nào, nhưng nếu Tòa đưa ra phán quyết rằng “đường chín đoạn” không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thì tôi nghĩ vụ kiện có một giá trị pháp lý quan trọng, với phần thắng nghiêng nhiều hơn về phía Philippines, và đồng thời áp lực sẽ dồn lên phía Trung Quốc nhiều hơn nhằm buộc họ phải làm rõ yêu sách của mình, cũng như biện minh cho những yêu sách đó theo luật quốc tế”.

Mỹ đã công bố Báo cáo đưa ra những lập luận khách quan, khoa học dựa trên luật pháp quốc tế để phản bác “đường 9 đoạn”. Tin rằng Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines đủ sáng suốt để đưa ra một phán quyết công bằng, khách quan về “đường 9 đoạn” đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới