Thursday, October 31, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG MỘT NĂM NHÌN LẠI

BIỂN ĐÔNG MỘT NĂM NHÌN LẠI

BienDong.Net: Năm 2014 đã đi qua với đầy những biến động trên trường quốc tế, trong đó tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp để lại mối lo ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế. Nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, trong năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động hiếu chiến, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Điển hình là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đồng thời đưa hàng trăm tàu các loại, có lúc lên đến gần 150 tàu đến hỗ trợ cho hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981.

Các tàu của Trung Quốc hung hăng chủ động đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển, thậm chí tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Hành động sai trái của Trung Quốc đã vấp phải sự phê phán mạnh mẽ nhất của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm trở lại đây. Các nước ASEAN bày tỏ lo ngại trước hành vi này của Trung Quốc bằng việc ra một Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tháng 5/2014 giữa lúc mà tình hình ở khu vực giàn khoan Hải Dương hoạt động trái phép đang hết sức căng thẳng do những hoạt động hung hăng của các tàu Trung Quốc. Nhiều tổ chức quốc tế và khu vực lên tiếng phê phán hành động sai trái của Trung Quốc, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Liên hợp quốc, Hội đồng Châu Âu, Hội nghị các nước G7, NATO và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế đã bày tỏ sự lo ngại trước những diễn biến ở Biển Đông và sự bất bình trước hành động sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa, trong đó có việc nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đáng chú ý là Trung Quốc ồ ạt lấn biển mở rộng quy mô lớn các vị trí Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực năm 1988 tại quần đảo Trường Sa, biến chúng thành những đảo nhân tạo rộng hàng chục héc ta. Những hành vi này của Trung Quốc đang phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng DOC, làm phức tạp và trầm trọng thêm tranh chấp ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã làm thay đổi cân bằng lực lượng ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Trước những hành động bá quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông, chủ động đưa ra sáng kiến “đông kết” những hành vi có thể làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động lấn biển, mở rộng quy mô lớn các đảo bãi ở Trường Sa. Đặc biệt, ngày 05/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 143, đưa ra các lập luận bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.

Philippines đưa ra Kế hoạch 3 bước, trong đó đề ra những việc mà các bên liên quan không được làm để duy trì nguyên trạng ở Biển Đông. Sáng kiến của Mỹ và đề xuất của Philippines về vấn đề này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy Trung Quốc cùng trao đổi để làm rõ những hành vi cụ thể thực hiện Điều 5 DOC, trong đó có cả vấn đề không lấn biển mở rộng các vị trí đang chiếm đóng ở Trường Sa.

Điểm nổi bật trong năm 2014 là Biển Đông đã trở thành một chủ đề được thảo luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại các hội nghị của ASEAN và các hội nghị liên quan trong năm 2014. Sau hai thập kỷ kể từ khi ASEAN lần đầu tiên có Tuyên bố riêng về Biển Đông năm 1995, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN tổ chức tại Myanmar tháng 5/2014 đã thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Và tiếp ngay sau đó Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cũng đã thảo luận sôi nổi về vấn đề Biển Đông và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đã bày tỏ lo ngại trước những diễn biến phức tạp, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Tại các hội nghị cấp cao trong khuôn khổ ASEAN trong 2 ngày 12 và 13 tháng 10/2014, vấn đề Biển Đông tiếp tục nổi lên thành một đề tài được bàn thảo rộng rãi. Hầu hết các nước tham gia các hội nghị này đều đề cập đến vấn đề Biển Đông ở những mức độ khác nhau. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, coi đây là lợi ích chung của cả các nước trong và ngoài khu vực vì đây là tuyến hàng thông thương quan trọng của thế giới và khu vực; kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhiều nước nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện kiềm chế không làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng ở khu vực như quy định tại Điều 5 DOC.

Tổng thống Philippines Aquino và ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đã nhiều lần phát biểu tại các diễn đàn quốc tế và khu vực tố cáo những hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2014 tại Myanmar, ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC”, … “Trước hết là Điều 5 của DOC, các bên thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng. Không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Đáng chú ý là tại Diễn đàn cấp cao Đông Á, các nước Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand… lên tiếng yêu cầu không được bồi đắp các đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng; không được sử dụng sức mạnh hoặc cưỡng ép…. Điều này thể hiện rõ sự bất bình và lo ngại của các nước trước việc Trung Quốc đẩy mạnh lấn biển mở rộng các bãi ở Trường Sa, làm thay đổi nguyên trạng ở khu vực, phá vỡ cân bằng chiến lược ở khu vực.

Tại Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 10 tổ chức trong 2 ngày 16 – 17/10/2014 ở Milan, Italy, vấn đề Biển Đông là chủ đề được nhiều nước quan tâm, đề cập. Nguyên thủ các nước lớn như Đức, Anh, Nhật bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biên pháp hòa bình, phản đối các hành động hăm dọa. Lần đầu tiên, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị khẳng định cam kết “bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, tự do thương mại”, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Đặc biệt, trong thời gian Hội nghị cấp cao ASEM 10, Hội nghị cấp cao giữa các nước ASEAN và Liên minh Châu Âu đã lần đầu tiên tổ chức, trong đó một nội dung quan trọng được hai bên thảo luận lả vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu và ASEAN đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải tại Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như các nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp và nguyên tắc không đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Điều này thể hiện sự lo ngại lớn của các nước Châu Âu trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong năm 2014, các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã dành những khoản tài chính hỗ trợ cho Philippines và Việt Nam (là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hành vi gây hấn của Trung Quốc) mua sắm tàu, thiết bị tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật để đối phó với mối đe dọa trên biển từ Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông cũng là chủ đề của nhiều hội thảo ở khắp các châu lục từ Châu Á, Châu Mỹ đến Châu Âu, Châu Úc như: Hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức tại Washington (ngày 3/6/2014); Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Hoàng Sa và Trường Sa với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng (20 – 21/6/2014). Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Mỹ tổ chức tại Washington (ngày 10 – 11/7/2014); Hội thảo khoa học “Phương hướng giải quyết mang tính hòa bình tranh chấp ở Biển Đông” do Trường đại học Youngsan, Hàn Quốc tổ chức (ngày 05/11/2014); Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (ngày 17 – 18/11/2014). Hội thảo với chủ đề “Xung đột ở Biển Đông” tổ chức tại Đức (ngày 09/12/2014). Nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã có sự tham gia của hàng trăm học giả và các nhà nghiên cứu quốc tế, luật gia và những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Tại cuộc Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Hoàng Sa và Trường Sa tháng 6/2014, các đại biểu cho rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận; hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời các đại biểu nhấn mạnh hành động xâm chiếm bằng vũ lực không thể tạo ra chủ quyền.

Tại Hội thảo, nhiều học giả phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn”; nhấn mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” là mập mờ, không rõ ràng, hay thay đổi và không có cơ sở pháp lý. Giáo sư Jerome Cohen – Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ – Châu Á: “Trung Quốc đang thách thức các nước về yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Đông. Nếu không thể đàm phán với Trung Quốc về đường 9 đoạn thì việc tìm đến sự phán xét của một tòa án quốc tế là một phương thức tốt như Philippines đã làm. Cá nhân tôi cho rằng, tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoang tưởng và mơ hồ. Tôi cho rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách đường 9 đoạn của mình. Dư luận quốc tế đang chờ đợi để Trung Quốc đưa ra lập luận chứng minh yêu sách của họ, nhưng Trung Quốc không làm được điều đó”.

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 17 18/11/2014, các đại biểu đã bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương hung hăng, gây tình hình căng thẳng, bất ổn ở Biển Đông. Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao đã cho rằng năm qua có lẽ là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông Quý nhấn mạnh: “Có những vụ việc đã từng xảy ra nhưng được lặp lại với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước. Tình hình có lúc căng thẳng tới mức mà các bên liên quan chỉ thiếu sự kiềm chế một chút thôi thì xung đột đã nổ ra”.

Phát hiểu tại Hội thảo, ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar – nước Chủ tịch ASEAN năm 2014, nhấn mạnh: “Trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Năm 2014 cũng là năm có nhiều diễn biến mới xung quanh vụ kiện Biển Đông của Philippines. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Philippines đã nộp Bản lập luận về các nội dung kiện theo đúng thời hạn quy định của Tòa Trọng tài vào ngày 30/3/2014. Đáng chú ý ngày 07/12/2014, trước thời hạn Tòa quy định cho Trung Quốc nộp Bản phản biện 1 tuần, Trung Quốc đã đưa ra Văn kiện lập trường bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài, sau đó Văn kiện này được chuyển cho các thành viên của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, các lập luận của Trung Quốc không có gì mới và khó có thể bác bỏ được thẩm quyền của Tòa vì những nội dung này đã được Philippines dự đoán và đưa ra các lập luận phản bác trong Bản lập luận của mình.

Liên quan đến vụ kiện, ngày 05/12/2014, Việt Nam đã chuyển đến Tòa Trọng tài một bản Tuyên bố bày tỏ quan điểm của mình và đề nghị Tòa quan tâm đến các quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình xem xét các nội dung của vụ kiện. Theo một số nguồn tin, Tuyên bố của Việt Nam đã ủng hộ việc Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông của Philippines có thẩm quyền xem xét các nội dung kiện của Philippines; khẳng định lập trường của Việt Nam bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; đồng thời bảo lưu quyền của Việt Nam can dự vào vụ kiện của Philippines khi cần thiết. Với những nội dung này, Việt Nam đã đứng về phía Philippines trong vụ kiện.

Một điều nữa gây khó khăn cho Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông của Philippines là Mỹ công bố bản Báo cáo số 143 phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đây là một “cái tát” vào mặt của Trung Quốc trước các hành vi hiếu chiến nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Tóm lại, năm 2014 được coi là năm mà tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều năm trở lại đây và cũng là năm cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ tỏ thái độ mạnh mẽ nhất trước những hành vi của Trung Quốc. Với tham vọng bành trướng ở Biển Đông không thay đổi của Trung Quốc, năm tới 2015 cũng chưa thể mong đợi có được sóng yên biển lặng trên Biển Đông./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới