BienDong.Net: Gần đây, Trung Quốc đã viện dẫn một số tư liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm 1950, 1960 và Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để biện minh cho yêu sách của họ đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong tài liệu đánh giá về yêu sách của Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, ông Rau Pedroza – Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ đã chỉ ra rằng Trung Quốc không nên dựa vào các tư liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 50, 60 của Thế kỷ 20 để biện minh cho các yêu sách của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Tác giả Rau Pedroza đã đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm này. Biendong.net xin giới thiệu những lập luận này của ông Rau Pedroza với quý độc giả.
Một là, Trung Quốc không có bằng chứng để chứng minh rằng Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam ghi nhận tại cuộc họp giữa Việt Nam – Trung Quốc tháng 6/1956 là “quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đây chỉ là ý kiến đơn phương của Trung Quốc chứ không có bằng chứng xác thực”.
Hai là, Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đơn thuần là sự ủng hộ đối với quan điểm của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý theo như Tuyên bố của Trung Quốc. Trong Công thư hoàn toàn không có sự bày tỏ về việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn thế nữa, Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia Việt Nam thành 2 miền Nam, Bắc. Vào giai đoạn lịch sử đó, cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam, hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, do đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có danh nghĩa pháp lý cũng như sự quản lý thực tế đối với 2 quần đảo này nên không có tư cách pháp lý để “nhượng lại” hai quần đảo này cho Trung Quốc.
Liên quan đến lập luận của Trung Quốc về việc áp dụng nguyên tắc estoppel (nguyên tắc không cho phép quốc gia nói ngược lại những gì đã tuyên bố trước đó) để cho rằng Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các tuyên bố trong giai đoạn 1950, 1960 đã thể hiện Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tác giả Rau Pedroza cho rằng lập luận này của Trung Quốc là khiên cưỡng vì: Mặc dù estoppel là nguyên tắc của luật quốc tế đã được Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) áp dụng trong một số tranh chấp về lãnh thổ, tuy nhiên ICJ chỉ áp dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp nhất định khi có một tuyên bố rõ ràng và nhất quán của một bên và việc dựa vào tuyên bố đó của bên kia đã làm phương hại đến lợi ích của bên đó.
Áp dụng vào trường hợp Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các tuyên bố trong giai đoạn 1950, 1960, ông Rau Pedroza cho rằng các tuyên bố này không thể hiện một cách “rõ ràng và nhất quán” là Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này. Đồng thời, cũng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã dựa vào các tuyên bố này của Việt Nam và chịu tổn hại do tuyên bố này mang lại từ năm 1949. Ông Rau Pedroza kết luận không thể áp dụng nguyên tắc estoppel trong trường hợp này.
Ý kiến của ông Rau Pedroza là một ý kiến khách quan đã bác bỏ các quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề này. Trung Quốc đã viện dẫn sai lệch và bóp méo sự thật lịch sử để biện minh cho yêu sách của họ./.
BDN